Quản lý

Ngành giao thông là điểm sáng giải ngân đầu tư công

02/06/2023, 06:00

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, với quyết tâm chính trị cao nhất, hơn 2 năm qua, nhiều công trình giao thông trọng điểm đã được khánh thành.

Thảo luận trên diễn đàn Quốc hội những ngày qua, nhiều ĐBQH chia sẻ, trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, đầu tư công được kỳ vọng là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng năm 2023.

Trao đổi với Báo Giao thông bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Văn Lâm, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, GTVT là điểm sáng, luôn đạt tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao nhất.

img

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách

Hạ tầng giao thông tạo sự lan tỏa

Vì sao ông cho rằng thúc đẩy giải ngân đầu tư công cho hạ tầng giao thông có ý nghĩa quan trọng đến tăng trưởng kinh tế?

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm chính trị cao nhất, khoảng 2,5 năm qua, rất nhiều công trình giao thông trọng điểm đã được khánh thành, đưa vào sử dụng, tạo được sự lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của nhiều vùng miền và cả đất nước.

Chỉ tính riêng chiều dài đường cao tốc, khoảng thời gian này đã tăng thêm hơn 600km, trong khi hơn chục năm trước chỉ xây dựng được hơn 1.100km. Đây là điều rất đáng mừng, một kết quả từ sự quyết tâm của Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, sự cố gắng của Bộ GTVT và sự hỗ trợ, chung sức từ các ngành, địa phương.

Việc hàng trăm km đường cao tốc được hoàn thành không chỉ tạo ra tính liên kết vùng, thuận lợi cho phương tiện giao thông, giảm chi phí logistics mà còn giúp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, từ đó đóng góp rất lớn cho tăng trưởng.

Với kết quả nửa nhiệm kỳ cùng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tôi tin rằng, cho đến hết nhiệm kỳ, chúng ta sẽ hoàn thành mục tiêu hệ thống đường bộ cao tốc.

Năm 2023, ngành GTVT phải giải quyết khối lượng công việc khổng lồ, giải ngân vốn đầu tư công trên 94.000 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2022. Ông có cho rằng đây là một thách thức lớn?

Đúng là tình trạng “có tiền không tiêu được” vẫn tiếp tục diễn ra và việc giải ngân đầu tư công đang “tắc” ở nhiều bộ, ngành, địa phương. Chúng tôi đã có tổng kết, đánh giá cơ bản về điều này.

Về mặt chủ quan, có trách nhiệm của cơ quan chức năng trong khâu phân bổ vốn, chuẩn bị dự án, thi công và thanh - quyết toán. Điều này liên quan đến năng lực quản lý, triển khai của từng cá nhân, tổ chức. Về mặt khách quan, mỗi địa phương có đặc thù khác nhau nên tiến độ giải ngân cũng khác.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, Bộ GTVT luôn là đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất. Có được điều đó là nhờ quyết tâm, sự vào cuộc khẩn trương, nghiêm túc, trước tiên là của người đứng đầu Bộ, tiếp đến là các cơ quan bên dưới. Khi đã có sự khẩn trương, nghiêm túc, quyết tâm, chắc chắn ngành GTVT sẽ hoàn thành được nhiệm vụ của mình.

Chỉ đạo sát sao, tháo gỡ kịp thời

img

Việc khẩn trương thực hiện các dự án giao thông trọng điểm giúp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, từ đó đóng góp to lớn cho tăng trưởng kinh tế (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu). Ảnh: Tạ Hải

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm km đường cao tốc được hoàn thành đưa vào khai thác. Kết quả này nói lên điều gì, thưa ông?

Đó là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị trong việc quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII.

Quốc hội đã luôn sát cánh cùng Chính phủ khi đưa ra những quyết sách kịp thời, như thông qua chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam, cho phép thực hiện cơ chế đặc thù ở các dự án giao thông trọng điểm.

Bên cạnh đó, Chính phủ và Thủ tướng rất quyết liệt, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành. Bản thân Thủ tướng thường xuyên thị sát ở những dự án giao thông trọng điểm để đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, mặt bằng, nguồn vật liệu... Ngay cả Tết Nguyên đán, Thủ tướng cũng trực tiếp kiểm tra các dự án xuyên Việt…

Bộ GTVT cũng nhanh chóng bắt tay vào triển khai các dự án khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, với những nỗ lực không ngừng nghỉ.

Theo ông, tới đây, khi hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam và nhiều dự án giao thông trọng điểm khác hoàn thành sẽ tác động thế nào tới phát triển kinh tế của đất nước?

Khi mạng lưới đường cao tốc được hoàn thiện sẽ tạo tiền đề tăng trưởng, phát triển kinh tế ở những địa phương, vùng miền mà đường cao tốc đi qua.

Thực tế đã được chứng minh ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang vừa qua. Khi hệ thống đường giao thông, đặc biệt là cao tốc hoàn thiện, những địa phương này phát triển nhanh chóng, thu hút du lịch, thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.

Gần đây nhất chúng ta thấy, một số dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 hoàn thành đã phát huy ngay giá trị của nó. Hà Nội đi Thanh Hóa đã rút ngắn được rất nhiều thời gian, từ đó những địa phương lân cận ở Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình kích cầu du lịch, thu hút được đầu tư.

Nhìn xa hơn, khi hệ thống cao tốc Bắc - Nam và các dự án giao thông trọng điểm hoàn thành sẽ tạo ra một mạng lưới giao thông, đường cao tốc khép kín, từ đó nâng cao tính liên kết vùng của cả nước.

Hàng trăm km đường cao tốc ở Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây Nguyên hoàn thành, những tỉnh, vùng này sẽ phát huy được thể mạnh hiện hữu. Đồng bằng sông Cửu Long với thế mạnh là vựa nông sản sẽ thu hút được các nhà máy chế biến nông sản từ đó tạo ra việc làm và tăng giá trị nông sản. Hay vùng Tây Nguyên sẽ phát huy được những thế mạnh về du lịch, cây trồng lâu năm...

Nhìn rộng ra trên cả nước, khi hệ thống giao thông phát triển, chi phí vận tải sẽ giảm xuống, từ đó chi phí logistics cũng giảm theo. Điều này sẽ thu hút được những nhà đầu tư nước ngoài.

Cần thêm chính sách đột phá thu hút nguồn lực

img

Năm 2023, ngành GTVT phải giải quyết khối lượng công việc khổng lồ, giải ngân vốn đầu tư công trên 94.000 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2022 (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn). Ảnh: Tạ Hải

Theo Nghị quyết Đại hội XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000km đường cao tốc. Chỉ còn 2 năm nữa, theo ông cần giải pháp đột phá nào để thực hiện được mục tiêu này?

Đây là khối lượng công việc khổng lồ, đòi hỏi phải có nguồn vốn rất lớn, trong khi ngân sách Nhà nước có hạn. Điều này đòi hỏi cần phải có chính sách thu hút nguồn lực tư nhân vào đầu tư các dự án giao thông, đặc biệt là dự án cao tốc.

Đã có một giai đoạn đầu tư PPP, BOT bùng nổ. Đầu tư hình thức này đạt được hiệu quả tích cực, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều tồn tại.

Hiện nay, việc huy động nguồn lực tư nhân tham gia vào hạ tầng giao thông chưa đạt được như kỳ vọng. Vì thế, thời gian tới cần phải có chính sách đột phá, không chỉ thu hút đầu tư đường bộ mà còn với đường sắt, cảng biển, thậm chí là sân bay.

Để huy động được, cần phải sửa Luật PPP để hấp dẫn nhà đầu tư. Khi thấy được khả năng có lãi, nhà đầu tư tư nhân mới mặn mà.

Một phương án khả thi khác là thu phí đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách. Tiền thu được sẽ dành để bảo trì và đầu tư các tuyến khác. Đây là kinh nghiệm mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện.

Theo ông, việc đẩy mạnh phân cấp cho địa phương thực hiện các dự án cao tốc có ý nghĩa thế nào và cần thêm cơ chế gì để đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả đầu tư?

Việc giao địa phương thực hiện đầu tư dự án làm đường cao tốc không chỉ giúp giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước mà còn giúp chính các địa phương đả thông nguồn lực nội tại để phát triển.

Chủ trương giao địa phương làm cao tốc đã được Thủ tướng ban hành. Theo đó, việc phân cấp đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng quốc lộ, cao tốc đi qua tỉnh nào thì giao tỉnh đó làm chủ đầu tư, còn Bộ GTVT chỉ làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Đây được cho là giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu phát triển 5.000km cao tốc đến năm 2030.

Ngoài việc huy động nguồn lực địa phương, khi được giao trọng trách, các địa phương phải phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm và sự chủ động nhằm đả thông mọi nguồn lực mà mình đang có.

Thành công từ mô hình tương tự mà tỉnh Quảng Ninh đã có trong thời gian qua chính là tấm gương để nhiều địa phương khác học tập.

Để bảo đảm chất lượng, các dự sau khi phân cấp về địa phương, các bộ, ngành vẫn phải đồng hành và hỗ trợ thêm về kinh nghiệm cũng như năng lực quản lý.

Cảm ơn ông!

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương):
Kỳ vọng lớn từ những nỗ lực của ngành GTVT

Trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, ngành GTVT đã làm được nhiều điều ấn tượng, dư luận đánh giá cao. Tôi biết, có những công trình giao thông trọng điểm mà ngành giao thông làm xuyên cả ngày nghỉ, xuyên đêm, xuyên Tết.

Việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông là điểm thực sự mấu chốt, bởi nếu không sẽ đánh mất đi nhiều cơ hội để tiếp cận các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài. Trước khi quyết định phát triển kinh tế ở vùng nào, việc đầu tiên cần thực hiện đầu tư đó là giao thông.

Thời gian còn lại của nhiệm kỳ, ngành GTVT còn rất nhiều việc phải làm, rất nhiều công trình giao thông trọng điểm đã, đang và sắp khởi công trên phạm vi toàn quốc. Đây là điểm nhấn để phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ này.

Với một khối lượng công việc khổng lồ từ nay đến cuối nhiệm kỳ, số vốn cần giải ngân trong ngành GTVT là cực lớn, làm thế nào để giải ngân nhanh, hiệu quả sẽ là một bài toàn khá áp lực cho ngành.

Thế nhưng, bằng sự nỗ lực của toàn ngành và với những kết quả nhìn được vừa qua, chúng tôi tin ngành GTVT sẽ hoàn thành nhiệm vụ.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình):
Điểm sáng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông

Có thể nói, một điểm sáng rất quan trọng của Chính phủ trong nhiệm kỳ này là sự đồng bộ trong thúc đẩy đầu tư công. Trong đó, ngành GTVT dù mỗi năm số vốn được giao đều tăng nhưng giải ngân lại tốt nhất, rất đáng ghi nhận.

Chúng ta có dư địa rất lớn về đầu tư công khi bao năm qua vẫn trăn trở nỗi lo có tiền mà không tiêu được. Đến nay, việc này đã được Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ, nhiều dự án lớn, đặc biệt là dự án cao tốc trọng điểm đã được triển khai, không chỉ thúc đẩy được đầu tư công, tăng được tổng cầu, đóng góp vào GDP mà còn tạo nên cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế.

Đầu tư công vào dự án hạ tầng cơ sở có ý nghĩa đối với nền kinh tế không chỉ là trước mắt mà là lâu dài. Tôi hi vọng thời gian tới, đầu tư công kết hợp với nguồn vốn tư nhân theo phương pháp đối tác công tư sẽ được đẩy mạnh. Đây chính là đột phá quan trọng cho phát triển dài hạn của nền kinh tế.

Nửa nhiệm kỳ qua, có thể nói, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT cùng các tổ công tác đã đi sâu đi sát thực tiễn để giải quyết, tháo gỡ nhiều vướng mắc để thúc đẩy các dự án giao thông. Người dân rất trân trọng việc làm này.

Cùng với đó là hàng ngàn văn bản chỉ đạo, công văn, chỉ thị, công điện đã được ban hành kịp thời để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án. Quốc hội cũng ban hành nhiều Nghị quyết cơ chế đặc thù để tháo gỡ cho các địa phương, cho các dự án giúp việc triển khai được thuận lợi hơn.

P.Đô - Y.Chi (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.