Quản lý

Ngành GTVT đối diện với cách mạng công nghiệp 4.0 như thế nào?

24/11/2017, 14:05

Sáng nay (24/11), Bộ GTVT tổ chức toạ đàm “Cách mạng Công nghiệp 4.0 - cơ hội và thách thức trong ngành GTVT”.

aIMG_3226

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại buổi toạ đàm "Cách mạng công nghiệp 4.0 - cơ hội và thách thức trong ngành GTVT"

Sáng nay (24/11), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng chủ trì buổi toạ đàm “Cách mạng Công nghiệp 4.0 - cơ hội và thách thức trong ngành GTVT”.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, chúng ta đang sống trong thời đại biến đổi công nghệ cơ bản chưa từng xảy ra trước kia với những đột phá công nghệ như trí tuệ nhân tạo, robot cao cấp, Internet vạn vật, công nghệ lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn, công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ tự lái, công nghệ in 3D, vật liệu tiên tiến, năng lượng tái tạo…

Cho biết thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển KHCN và chương trình hành động để triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thứ trưởng Đông khẳng định: Ngành GTVT cũng bị tác động mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0.

“Có thể nhận thấy những tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm biến đổi sâu sắc  nhận thức, cấu trúc, vận hành của ngành. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (công bố tháng 9 năm 2015), dự đoán đến năm 2025 sẽ có 21 điểm “bùng nổ” đó là những biến đổi công nghệ cụ thể sẽ định hình thế giới kỹ thuật số và siêu kết nối tương lai của chúng ta, trong đó có thể kể đến các thay đổi mạnh mẽ liên quan đến ngành GTVT như: khả năng 84,1% là chiếc ô tô đầu tiên được sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ in 3D; 79% khả năng sẽ có 10% tổng lượng xe hơi lưu thông trên toàn cầu là xe không người lái, 67% các chuyến đi du lịch/công tác trên toàn cầu thực hiện thông qua việc chia sẻ phương tiện nhiều hơn (mô hình Uber, Grap…) so với dùng xe riêng; Công nghệ vật liệu mới tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong xây dựng và kiến trúc: Bê tông tự khôi phục, Vật liệu Nano, Pin năng lượng mặt trời, vật liệu xanh…”, Thứ trưởng nói.

Theo Thứ trưởng, cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 mở ra chắc chắn sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành GTVT nói riêng, nên chúng ta phải phân tích, đánh giá, nhìn nhận ra để có thể quản lý hoạt động của Ngành phát triển theo kịp với thế giới.

Thời gian tới, về xây dựng văn bản QPPL, Thứ trưởng cho biết chắc chắn sẽ có những rà soát, cập nhật để xây dựng, bổ sung, sửa đổi các quy định phục vụ cho quản lý phù hợp với yêu cầu thực tế (hạn chế tối đa việc bị động, thiếu hành lang pháp lý cho công tác quản lý). Kế đó, những tác động của việc số hóa toàn bộ dữ liệu, lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn đòi hỏi ta phải rà soát chiến lược, quy hoạch để điều chỉnh kịp thời, tạo cơ hội đi tắt đón đầu trong định hướng phát triển kết cấu hạ tầng, vận tải, công nghiệp.

“Chúng ta cũng cần phải có những nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, sử dụng kỹ thuật số, kết nối phương tiện/các cơ quan, chia sẻ thông tin, trí tuệ nhân tạo, robot cao cấp … đối với các nơi, các khu vực có thể áp dụng nhằm nâng cao năng lực vận hành khai thác, đồng thời các cơ quan chủ động chia sẻ thông tin liên quan để phục vụ cho việc quản lý, vận hành các lĩnh vực”, Thứ trưởng cho hay.

Vấn đề cuối cùng được Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đặc biệt nhấn mạnh là việc chuẩn bị nguồn nhân lực, yêu cầu cấp thiết là cần có sự chuẩn bị, định hướng việc đào tạo các kỹ năng, cập nhật các kiến thức và làm việc theo hệ thống.

Cũng tại buổi toạ đàm, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT đã có những chia sẻ về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới, tại Việt Nam và trong GTVT. Tổng Giám đốc Uber Việt Nam Tom White cũng thông tin về việc ứng dụng công nghệ, dữ liệu lớn, kết nối vạn vật trong đi lại. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.