Quản lý

Ngành GTVT: Hành trình ngược dòng thành “Ngôi sao cải cách”

10/12/2015, 07:18

Công tác cải cách hành chính, trong đó đặc biệt là cải cách thể chế luôn được Bộ GTVT quan tâm đặc biệt...

1
Hiện nay, Bộ GTVT có 40 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 15 dịch vụ mức độ 4, trong đó lĩnh vực đăng kiểm áp dụng mức độ 4 giúp DN giảm 4/5 thời gian làm thủ tục đăng kiểm (Trong ảnh: Đăng kiểm viên kiểm định tàu biển tại Công ty Đóng tàu Phà Rừng) - Ảnh: Khánh Linh

Công tác cải cách hành chính, trong đó đặc biệt là cải cách thể chế luôn được Bộ GTVT, trực tiếp là Bộ trưởng Đinh La Thăng quan tâm đặc biệt với mục tiêu tất cả vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp.

Đột phá trong xây dựng thể chế, chính sách

Tại Bộ GTVT, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhất của quản lý Nhà nước. Quan điểm xuyên suốt này được Bộ trưởng Đinh La Thăng quán triệt nghiêm túc tại nhiều cuộc họp bàn công tác xây dựng VBQPPL. “Mục tiêu là phải hướng tới người dân, doanh nghiệp. Nhà nước chỉ xây dựng thể chế chính sách. Cái gì doanh nghiệp làm được, người dân làm được để người dân, doanh nghiệp làm. Nhà nước chỉ tăng cường kiểm tra, kiểm soát”, Bộ trưởng nói.

Thực tế, giai đoạn 5 năm 2011-2015 chứng kiến sự chuyển mình vượt bậc trong công tác xây dựng VBQPPL của Bộ GTVT, không chỉ về số lượng mà quan trọng hơn là chất lượng văn bản, được dư luận đón nhận và đánh giá là những cải cách, đột phá trong xây dựng thể chế, chính sách. Chia sẻ về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT Trịnh Thị Hằng Nga cho biết, vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp, Bộ GTVT triển khai xây dựng VBQPPL với tinh thần tiếp thu, cầu thị, lắng nghe những phản ánh, chia sẻ của người dân và doanh nghiệp. “Minh chứng là trong năm qua, Bộ GTVT nhiều lần tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp, để lắng nghe và giải quyết nhanh nhất các kiến nghị, đề xuất và bất cập về cơ chế, chính sách”, bà Nga nói và cho biết, Bộ trưởng Đinh La Thăng là người trực tiếp phụ trách công tác xây dựng VBQPPL. Hàng tháng, Bộ trưởng đều chủ trì cuộc họp về công tác này với sự có mặt của các lãnh đạo Bộ và trưởng các cơ quan đơn vị.

Liên quan đến việc xây dựng VBQPPL, trao đổi với Báo Giao thông, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương cho biết, thời gian qua, Bộ GTVT được giao chủ trì rất nhiều dự án luật như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông ĐTNĐ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng VN và Bộ luật Hàng hải VN (sửa đổi). Qua theo dõi, tất cả các luật này sau khi được Quốc hội thông qua đều được cụ thể hóa thành Nghị định, Thông tư hướng dẫn kịp thời.

“Bộ GTVT là một trong số ít Bộ không để tồn đọng các VBQPPL quy định chi tiết các dự án luật đã được Quốc hội thông qua. Hầu hết các nghị định được ban hành đi vào cuộc sống rất tốt”, đại biểu Cương nói và nhấn mạnh thêm, những vấn đề phát sinh trong lĩnh vực giao thông đều được xem xét, giải quyết thấu đáo trong các VBQPPL mà Bộ GTVT ban hành.

Tất cả những kết quả trên minh chứng vì sao năm 2015, Bộ GTVT lần thứ hai liên tiếp dẫn đầu trong số 19 Bộ, ngành về các chỉ số cải cách hành chính với 81,83 điểm. Đây là kết quả sau hàng loạt nỗ lực của lãnh đạo Bộ và các cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo điều hành, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực, bảo đảm minh bạch, công khai các quy định của pháp luật và trong việc thực hiện thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong phát triển sản xuất, kinh doanh.

2
Bộ GTVT thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với người dân và DN nhằm lắng nghe ý kiến để hoàn thiện việc xây dựng hệ thống pháp luật (Trong ảnh: Bộ trưởng Đinh La Thăng và 4 thứ trưởng chủ trì một cuộc đối thoại với DN vận tải) - Ảnh: Tiến Mạnh

“Ngược dòng” trở thành “ngôi sao cải cách”

Thực tế, “Ngôi sao cải cách” là từ mà cộng đồng doanh nghiệp đặt cho Bộ GTVT sau khi xuất sắc “lội ngược dòng” từ Top cuối lên Top đầu trong việc xây dựng và thực thi pháp luật. Cụ thể, giữa năm 2015, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức lễ công bố Chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ năm 2014 (MEI 2014). Theo đó, trong tổng số 14 Bộ được xếp hạng, Bộ GTVT đứng đầu về rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật; Đứng thứ hai về tổ chức thi hành pháp luật; Đứng thứ ba về chất lượng văn bản quy phạm pháp luật và đứng thứ năm về soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật và công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật.

“Nếu xét điểm số tuyệt đối, Bộ GTVT chỉ đứng đầu duy nhất chỉ số về rà soát, kiểm tra thi hành pháp luật, nhưng về mức độ cải thiện điểm số so với chính mình ở MEI 2012 thì Bộ GTVT đứng hạng nhất ở 3 trong 5 chỉ số, bao gồm Chỉ số hiệu quả hoạt động tổ chức thi hành pháp luật (với mức tăng 50,99%); Chỉ số hiệu quả rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật (tăng 41,16%) và Chỉ số chất lượng văn bản quy phạm pháp luật (tăng 16,07%). Mức cải thiện điểm số của Bộ GTVT ở MEI 2014 so với MEI 2012 là 27,58%, dẫn đầu trong 14 Bộ và vượt xa mức cải thiện của một số Bộ khác”, bà Nga chia sẻ thêm.

Nhận định về kết quả này, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định, đây là “một sự tăng điểm ấn tượng của Bộ GTVT, thể hiện đúng những gì Bộ này đã và đang làm được trong thời gian qua”.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cũng cho rằng không hề bất ngờ. “Thời gian qua, Bộ GTVT có nhiều cải cách trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Kết quả trên là hoàn toàn xứng đáng”, ông Liên nói và bày tỏ mong muốn những VBQPPL do Bộ xây dựng tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả trong thời gian tới.

Đồng quan điểm, Trung tá Phan Phú, Phó tổng giám đốc Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) cho biết, thời gian qua, Bộ GTVT đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, huy động tối đa mọi nguồn lực để tạo ra đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

“Để sử dụng hiệu quả các nguồn lực huy động, Bộ đã xây dựng, ban hành hàng loạt VBQPPL liên quan đến việc kiểm tra, kiểm soát tiến độ, chất lượng công trình; Tiêu chí đánh giá, xếp hạng năng lực các chủ đầu tư, tổ chức tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và nhà thầu; Quy chế phối hợp với các địa phương, Bộ, ngành, doanh nghiệp... thực sự tạo ra đột phá trong công tác về quản lý xây dựng cơ bản của ngành” - Trung tá Phú nói và cho biết thêm: “Nhờ sự quyết liệt cải cách này, chất lượng, tiến độ các dự án được cải thiện mạnh mẽ, bộ mặt kết cấu hạ tầng GTVT trên cả nước đã có những đổi thay rõ rệt, tạo đòn bẩy phát triển KT-XH”. 

* Giai đoạn 2011- 2015, Bộ GTVT chủ trì xây dựng và trình Quốc hội thông qua ba dự án luật gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông ĐTNĐ năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng VN năm 2014 và Bộ luật Hàng hải VN (sửa đổi) năm 2015. Hiện tại, Bộ đang tiếp tục xây dựng dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) đồng thời tiến hành tổng kết Luật GTĐB năm 2008. Cũng trong 5 năm qua, Bộ GTVT đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 66 văn bản (trong đó có 51 nghị định, 15 quyết định). Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành theo thẩm quyền 365 thông tư, thông tư liên tịch, tăng 300 thông tư, thông tư liên tịch so với giai đoạn 2006 - 2010.

* Thống kê cho thấy, Bộ GTVT hiện đã ban hành tổng số 532 thủ tục hành chính (TTHC). Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT Trịnh Thị Hằng Nga, tất cả các thủ tục này đều đã được công bố và công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Nói về việc ban hành các TTHC, bà Nga khẳng định tất cả đều phải qua một quy trình chặt chẽ từ bước đánh giá sự cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp đến thủ tục xin ý kiến góp ý của đối tượng chịu tác động; Thẩm định, rà soát lần cuối trước khi Bộ trưởng ký ban hành nhằm hạn chế phát sinh các thủ tục hành chính không cần thiết. Cũng từ đây, theo bà Nga, các TTHC mới được ban hành luôn đảm bảo được sự cần thiết, tính rõ ràng, đơn giản về hồ sơ, trình tự thực hiện. Các quy định về thời gian, cách thức thực hiện được quy định theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Đáng nói hơn, nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết TTHC, tất cả các TTHC trong lĩnh vực GTVT đều được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở các mức độ 2, 3 và 4. Hiện nay, Bộ GTVT có 40 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 15 dịch vụ ở mức độ 4. “Thời gian tới, Bộ tiếp tục đẩy mạnh tăng cường các thủ tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện TTHC”, bà Nga khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.