Tài chính

Ngành thuế phải quyết tâm phòng chống “virus trì trệ”

05/01/2021, 21:00

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu ngành thuế phải quyết tâm phòng chống “virus trì trệ”.

img

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu ngành thuế phải quyết tâm phòng chống “virus trì trệ”, đưa ra khỏi ngành những cán bộ, công chức hư hỏng, thoái hóa, biến chất. Ảnh: Phạm Hậu

Năm Covid, thu thuế vẫn vượt dự toán

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế tại Hội nghị tổng kết ngành thuế năm 2020 chiều 5/1/2021, thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý tính đến 31/12/2020 đã vượt 24,4 ngàn tỷ đồng so với dự toán và tăng 175,9 ngàn tỷ đồng so với số ước thu đã báo cáo Quốc hội.

Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021 Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao cho cơ quan thuế quản lý là 1.116.700 tỷ đồng. Trong đó, thu dầu thô 23.200 tỷ đồng; Thu nội địa 1.093.500 tỷ đồng.

Có 55/63 địa phương hoàn thành dự toán (so với báo cáo cách đây mấy ngày thì có thêm tỉnh Phú Yên hoàn thành vượt mức dự toán thu thuế, phí). Còn 7 địa phương không hoàn thành dự toán, nhưng cũng đã phấn đấu tăng thu so với số ước thu đã báo cáo Quốc hội.

Trong đó, tỉnh Vĩnh Phúc đạt 27.860 tỷ đồng, tăng 14,1% so với báo cáo quốc hội; Tỉnh Quảng Nam đạt 18.143 tỷ đồng, tăng 33,8%; Tỉnh Hòa Bình đạt 3.802 tỷ đồng, tăng 11,2%; TP. Đà Nẵng đạt 19.440 tỷ đồng, tăng 18,2%; Tỉnh Quảng Ngãi đạt 10.287 tỷ đồng, tăng 2,7%; Tỉnh Khánh Hòa đạt 11.707 tỷ đồng, tăng 6,3%; TP. Hồ Chí Minh đạt 266.609 tỷ đồng, tăng 10,7%.

Riêng tại Hà Nội, đến 17h ngày 31/12/2020, tổng thu ngân sách nhà nước do Cục Thuế Hà Nội quản lý đạt khoảng 265.890 tỷ đồng, bằng 102,1% dự toán pháp lệnh, tăng 5,9% so với thực hiện năm 2019. Cả 30/30 quận, huyện của Hà Nội đã hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán được giao.

Ngành thuế phải quyết tâm phòng chống “virus trì trệ”

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã đánh giá cao và biểu dương những kết quả và thành tích đã đạt được của gần 4 vạn cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành thuế trong năm qua, góp phần cùng cả nước đạt được những thành tựu rất ấn tượng trong bối cảnh, trạng thái “bình thường mới”.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành thuế phải thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá khách quan và kỹ hơn một số tồn tại, hạn chế của ngành để tập trung khắc phục, có giải pháp đột phá trong thời gian tới.

Trong đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, khiếu nại, khiếu kiện của doanh nghiệp, người nộp thuế vẫn diễn ra. Cá biệt, có một số trường hợp, việc xử lý kéo dài qua nhiều năm, không được xử lý dứt điểm gây bức xúc cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam và phải đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng xử lý. Kỷ luật kỷ cương ở một số nơi còn chưa nghiêm, vẫn còn hiện tượng cán bộ vi phạm, phải xử lý.

Do đó, Phó Thủ tướng thường trực yêu cầu ngành thuế có biện pháp mạnh để dẹp bỏ ngay tình trạng này; Kiểm tra, xử lý nghiêm, đưa ra khỏi ngành những cán bộ công chức hư hỏng, thoái hóa, biến chất.

“Đề nghị các đồng chí phải có nhìn nhận thấu đáo, chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan, áp dụng đúng quy định của pháp luật nhưng không cứng nhắc, thấu tình đạt lý, tăng cường chủ động, trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan, đối thoại, giải thích với doanh nghiệp để tìm giải pháp xử lý dứt điểm, thấu đáo trong thời gian tới, giảm thiểu khối lượng công việc phải đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng. Không để tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", quyết tâm phòng chống “virus trì trệ”, ông Bình nói.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng thường trực cũng chỉ ra tình trạng nợ đọng thuế còn lớn, chây ỳ nộp thuế, trốn thuế, chuyển giá vẫn còn diễn ra làm giảm tính công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế và tính lành mạnh của môi trường kinh doanh, nhất là các hoạt động kinh doanh liên quan đến sử dụng công nghệ đa quốc gia tại Việt Nam.

Sau khi được sắp xếp, tổ chức lại theo hướng tinh giản, hiện tổ chức bộ máy của cơ quan thuế đã tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, nhưng Phó Thủ tướng vẫn cho rằng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, ngành thuế cần hoàn thiện chính sách thuế, mô hình quản lý thuế hiện đại theo hướng mở rộng cơ sở thuế, không bỏ sót người nộp thuế, thu nhập, tài sản và hoạt động chịu thuế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.