Thế giới giao thông

Ngập lụt sân bay, thiệt hại hàng chục triệu USD

26/09/2016, 05:59

Hiện tượng ngập lụt tại sân bay đã và đang diễn ra tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

unnamed
Nhà ga số 3 Soekarno-Hatta (Indonesia) mới được xây dựng đã gặp trục trặc vì nước mưa tràn vào

Hiện tượng ngập lụt tại sân bay đã và đang diễn ra tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới từ các nước phương Tây như: Mỹ, Anh đến phương Đông như: Indonesia và Đài Loan (Trung Quốc)... khiến giới chức đau đầu tìm cách khắc phục.

Thiệt hại kinh tế tính theo giờ

Mới đây, Hội đồng Kinh tế khu vực Vịnh San Francisco ước tính một trận mưa lớn trong nhiều ngày, ngập lụt tại sân bay San Francisco và Oakland sẽ gây thiệt hại lên tới 86 triệu USD. Cơ quan này lưu ý, con số trên vẫn là mức tính toán tương đối thấp vì số tiền thiệt hại tăng lên rất cao tính theo từng giờ, chưa nói tới từng ngày và đó chưa kể thiệt hại tới hạ tầng của sân bay.

Tháng 2/2016, Cơ quan môi trường Anh công bố báo cáo về tình hình ngập lụt tại nước này năm 2013-2014 ước tính, tác động kinh tế vì ngập lụt tại hai sân bay Gatwick và Shoreham khoảng 3,2 triệu bảng Anh (tương đương 4,1 triệu USD) về thiệt hại hệ thống điện tại nhà ga phía Bắc của Gatwick và gần 150 chuyến bay bị hủy.

Ngập lụt không chỉ xảy ra ở những sân bay lâu đời mà cả những sân bay mới được hoàn hiện. Tháng 8 vừa rồi, PT Angkasa Pura II - cơ quan điều hành sân bay chính tại Thủ đô Jakarta của Indonesia phải xin lỗi hành khách vì nhà ga mới toanh vừa khai trương đã bị ngập lụt. Nhà ga trị giá 560 triệu USD dành riêng cho các chuyến bay nội địa của Hãng Hàng không quốc gia Garuda được kỳ vọng sẽ cùng đường băng thứ ba đang xây dựng giúp giảm tải cho sân bay Soekarno-Hatta, đưa sân bay này trở thành đối thủ cạnh tranh với các sân bay nhộn nhịp khác tại Singapore và Bangkok. Song, trái ngược với hy vọng từ Chính phủ và Công ty PT Angkasa Pura II, sân bay này chịu cảnh ngập úng, gây bất tiện cho hành khách ngay trong tuần đầu hoạt động. Sự việc đang được điều tra làm rõ nhưng truyền thông địa phương cho biết, ngập úng có thể do gạch đá xây dựng ngổn ngang cản trở thoát nước.

Không nói đâu xa, Đào Viên (Đài Loan, Trung Quốc) nằm trong top 10 sân bay tốt nhất châu Á năm 2016 cũng dính ngập lụt vào tháng 6 vừa qua. Mưa lớn trong 2 tiếng đồng hồ vào ngày 2/6 đã khiến một phần sân bay Đào Viên chìm trong mênh mông biển nước, làm 219 chuyến bay (88 chuyến đến và 131 chuyến đi) phải tạm dừng hoạt động; các quầy làm thủ tục nhập cảnh bị chậm trễ; hành khách gặp khó khăn và bất tiện trong di chuyển tại sân bay. Cơ quan Giao thông và liên lạc Đài Loan (MOTC) cho biết, mưa lớn khiến sông Pushin vỡ bờ, tràn nước vào nhà ga, bãi đỗ xe cùng các tuyến đường dẫn đến sân bay nhưng một số quan chức phát hiện do rác thải chặn dòng nước thoát gây ngập cao. Người đứng đầu cơ quan giao thông Đài Loan Hochen Tan cho biết, sở dĩ nhiều tuyến đường dẫn đến sân bay bị ngập vì không được thiết kế đủ sức để hứng chịu trận mưa lớn lịch sử như vậy.

Biện pháp phòng ngập lụt

Rất nhiều nguyên nhân khiến sân bay bị ngập lụt như địa thế trũng, tắc nghẽn đường thoát nước, đặc biệt là do hiện tượng thiên nhiên... nhất là trong bối cảnh hiện tượng nhà kính và biến đổi khí hậu gây ra các thảm họa thiên nhiên bất thường. Các chuyên gia khẳng định, để đưa ra biện pháp chống ngập 100% cho sân bay là rất khó nhưng các nhà điều hành có thể tăng cường sức bền của sân bay trước ngập lụt và thảm họa thiên nhiên khác, tăng cường khả năng phục hồi và nối lại các dịch vụ nhanh chóng.

Tấm gương sân bay khắc phục tốt sau lũ phải kể đến Đào Viên. Một tháng sau vụ ngập lụt, người đứng đầu cơ quan giao thông Đài Loan khẳng định tự tin trước bất cứ cơn bão nào ập tới vì đã chuẩn bị kỹ càng biện pháp chống lụt. Bằng chứng cho thấy, các trận bão lớn lịch sử mà Đài Loan phải hứng chịu sau đó như siêu bão Nepartak hồi đầu tháng 7 và siêu bão Meranti trung tuần tháng 9 đều không khiến Đào Viên bị ngập. Theo tư lệnh ngành Giao thông Đài Loan Hochen Tan, các biện pháp chống lụt tại sân bay được thực hiện bao gồm loại bỏ toàn bộ vật cản có thể có tại các kênh rạch chính của sân bay, xây hàng rào bằng bê tông chống lũ tại bãi đỗ xe, lắp cổng chống lũ. Trước trận bão Nepartak vừa rồi, Cơ quan điều hành sân bay Tập đoàn Sân bay quốc tế Đào Viên huy động toàn bộ nhân viên dọn rác thải, gạch, đá tại các kênh nước, đường ống xung quanh sân bay...

Mặt khác, Cơ quan giao thông Đài Loan cảnh báo tần suất hiện tượng thời tiết cực đoan tăng cao tới mức cảnh báo toàn cầu và đốc thúc sân bay phải triển khai ngay cơ chế phòng chống lũ tại sân bay cũng như môi trường xung quanh tránh để tình trạng ngập lụt tái diễn trong tương lai. Người đứng đầu cơ quan hành pháp Đài Loan Lin Chuan yêu cầu MOTC phải đánh giá toàn diện nguyên nhân gây ra ngập lụt tại sân bay và tìm ra người chịu trách nhiệm trước bất cứ sự vụ nào xảy ra liên quan tới tình hình xây dựng sân bay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.