Xã hội

Ngập lụt, sạt lở bủa vây các tuyến đường Đồng bằng sông Cửu Long

02/10/2019, 06:28

Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường đô thị tại các tỉnh vùng ĐBSCL bị ngập trong những ngày qua do thủy triều dâng.

img
Một đoạn QL91 qua An Giang bị sạt lở khiến lưu thông bị gián đoạn. Ảnh: HT

Đặc biệt là tuyến QL91 bị sạt lở nghiêm trọng đã cho thấy rõ biến đổi khí hậu đã tác động thế nào đến cuộc sống của người dân khu vực này.

7 tuyến quốc lộ ngập do triều cường

Chiều 30/9 và sáng 1/10, tại tỉnh Bạc Liêu, ghi nhận của PV Báo Giao thông, nhiều tuyến đường thuộc khu vực nội ô TP Bạc Liêu xảy ra tình trạng ngập sâu như: Hoàng Văn Thụ, Lý Thường Kiệt, Võ Thị Sáu, khu vực chợ phường 3... có nơi ngập sâu khoảng 40-50cm.

Đáng ghi nhận, trên tuyến QL1 đoạn qua địa bàn khóm 5, phường Hộ Phòng, TX Giá Rai là nơi ngập sâu có chỗ lên đến khoảng hơn 40cm, khiến cuộc sống của người dân đảo lộn, giao thông qua khu vực hỗn loạn. Đến khoảng 18h ngày 30/9, triều cường đạt đỉnh khiến QL1 bị nước “dìm” sâu, nhiều phương tiện bị chết máy, xe khách, xe tải phải di chuyển rất chậm mới có thể qua được đoạn đường ngập nước.

Chia sẻ với PV, ông Huỳnh Nhật Thanh (53 tuổi, ngụ khóm 5, phường Hộ Phòng) cho biết: “Tình trạng ngập sâu diễn ra khoảng mấy ngày nay. Do có sự chủ động từ trước, tôi đã nâng nền nhà lên cao hơn so với mặt đường QL1 khoảng 50cm. Tuy nhiên, có thời điểm nước dâng cao, cộng thêm xe chạy sóng đánh, nước vẫn tràn vào nhà”.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lai Thanh Ẩn, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Bạc Liêu cho biết, đỉnh triều cường xuất hiện vào các ngày từ 29-30/9 đều vượt mức báo động III (tại trạm Gành Hào là +2,00m).

Ông Bùi Hồng Kỳ, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu cho biết, trước tình hình triều cường dâng cao gây ngập tuyến QL1 qua địa bàn TX Giá Rai, Sở đã chỉ đạo lực lượng TTGT tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng và địa phương tiến hành điều tiết, phân luồng giao thông, giúp người dân vượt qua đoạn đường ngập nước, đảm bảo giao thông qua khu vực được an toàn, thuận lợi.

Cũng trong chiều 30/9, nhiều tuyến đường cả quốc lộ, đường đô thị ở TP Cần Thơ bị ngập sâu trong nước. Nước lũ và triều cường từ sông Hậu dâng cao khiến các tuyến đường trung tâm TP Cần Thơ như: Mậu Thân, Lý Tự Trọng, Trần Hưng Đạo, Huỳnh Cương, Nguyễn Văn Cừ, Đại lộ Hòa Bình, Hai Bà Trưng… ngập chìm trong nước, có nơi ngập sâu hơn 40cm. Trên nhiều tuyến đường, người dân đi đường gặp cảnh nước ngập nên di chuyển rất vất vả.

Tối 30/9, tuyến QL1A đoạn từ xã Thuận An, TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long đến cầu Rạch Múc (xã Tân Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) ngập sâu trong nước, có đoạn nước ngập sâu đến hơn 0,5m. Đặc biệt, đoạn gần chân cầu Rạch Múc (hướng từ Cần Thơ đi Vĩnh Long và ngược lại) phương tiện xe mô tô bị chết máy, xe tải, xe ô tô di chuyển khó khăn, nhiều xe bị “nằm đường” do mực nước quá sâu. Triều cường lên cao còn khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

Tại cơ sở sửa chữa xe ô tô, xe Honda của anh Nguyễn Văn Lúa (TX Bình Minh), nước từ sông chảy thẳng vào nhà, tràn qua lộ khiến nhiều máy móc, dụng cụ ngập trong nước. “Nền nhà tôi đã nâng lên rồi, vậy mà giờ nước còn tràn vào. Phen này máy móc mang đi sửa chắc cũng tốn khối tiền. Năm trước nước lên mấp mé, không ngờ năm nay nước lại cao hơn nhiều đến vậy”, anh Lúa ngao ngán.

Cũng trên QL1 đoạn giáp ranh giữa 2 tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang có những nơi bị ngập từ 0,4-0,6m. Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục QLĐB IV (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, do triều cường kết hợp lũ nên trong những ngày qua toàn miền Tây có 7 tuyến quốc lộ bị ngập với 37 điểm nhưL: QL1, QL54, QL54, QL91, QL63, quốc lộ Nam Sông Hậu.

Trong đó, QL1 qua địa bàn các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, Cà Mau đều có nhiều điểm ngập khác nhau. Cụ thể, trên QL1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang tại Km 1967 - Km 1967+800 bị ngập sâu 0,7m. QL1 qua tỉnh Vĩnh Long có 9 điểm ngập, trong đó có nơi ngập 0,6m liên tục trong nhiều giờ.

Ông Thành cho biết, thời gian này, cục tiến hành cho cắm cọc thủy chí, cứ trung bình 200m cắm một cọc bên phải mép ở những đường bị ngập nước để cảnh báo cho người đi đường biết. Đồng thời, đặt biển cảnh báo phía trước đoạn ngập, bố trí nhân công điều tiết giao thông và giúp đỡ các phương tiện bị chết máy trong vùng ngập.

“Sau khi kết thúc các đợt triều cường, chúng tôi sẽ tiến hành sửa chữa khắc phục bước 1 đảm bảo giao thông, sau đó bố trí kịp thời kinh phí để xử lý ngay một số vị trí ngập nặng nhằm đảm bảo giao thông lâu dài”, ông Thành thông tin.

Xói lở đe dọa cuộc sống người dân

img
Đường Nguyễn Văn Cừ (TP Cần Thơ) bị ngập do triều cường dâng cao chiều 30/9. Ảnh: QĐ

Hiện, tình trạng xói lở bờ sông, đường sá đang khiến người dân, chính quyền các tỉnh phía Nam hết sức lo ngại. Theo Bộ NN&PTNT, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tại ĐBSCL ngày càng phức tạp. Toàn vùng có tổng số 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834km.

QL91 từ Long Xuyên lên Châu Đốc (An Giang) sạt lở nghiêm trọng. Từ cuối tháng 8/2019, tuyến QL91 qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang bị sạt lở với chiều dài gần 30m. Sau 2 lần liên tiếp, mặt đường QL91 gần như bị kéo sụp toàn bộ xuống sông Hậu. Bộ GTVT đã phối hợp với địa phương xây dựng ngay một tuyến đường vòng để tránh đi qua điểm sạt lở.

Thống kê của tỉnh An Giang, trong những tháng đầu năm 2019 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 17 điểm sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh rạch, với chiều dài 1.294m, có 78 căn nhà phải di dời khẩn cấp. Tỉnh kiến nghị Chỉnh phủ cho chủ trương chuẩn bị đầu tư dự án kiên cố hóa QL91 từ Km 87+965 - Km 89+995. Đoạn này tuy nằm ngoài đoạn đang sạt lở nhưng vẫn nằm trong khu vực cảnh báo nguy hiểm, có thể xảy ra sạt lở bất cứ lúc nào. Dự kiến, tổng chiều dài tuyến gia cố 2.030m, với kinh phí khoảng 500 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục QLĐB 4, cho biết QL91 bên rạch Thị Hòa (Km 79+700 - Km 86+600) qua tỉnh An Giang có hướng song song với bờ sông, cách từ 1m đến 6m, cao độ mặt đường từ +4,3m đến +4,5m. Trên tuyến này đã có những đoạn bờ sông bị sạt lở, tuy chưa đi vào nền đường nhưng do đi rất sát bờ sông nên khả năng sạt lở vào nền đường rất cao, một số đoạn đã được xử lý tạm cục bộ bằng phương án kè lát mái, rọ đá, tường giữ chân...

Từ năm 2010 đến nay, dọc tuyến QL91 đã xảy ra nhiều điểm xói lở bờ, nhiều đoạn ăn sâu hết tuyến đường. Để bảo vệ kết cấu hạ tầng QL91 và ổn định dân cư khu vực, Tổng cục Đường bộ VN đã tiến hành xây dựng tuyến đường tránh khu vực sạt lở kết hợp xây dựng kè bảo vệ bờ tại các đoạn xung yếu.

Cụ thể, đã xây dựng các tuyến đường tránh đoạn sạt lở 2 với chiều dài 3.750m và đoạn sạt lở 3 với chiều dài 1.107m, tổng chi phí 406 tỷ đồng. Cùng với đó là kết hợp xây dựng kè rọ thép và cừ thép bảo vệ đường. Hiện nay, các đơn vị đã thảm xong lớp như mặt đường và các phương tiện đang lưu thông bình thường trên tuyến này sau khi sự cố xói lở vào tháng 8/2019.

Thích ứng với biến đổi khí hậu

Hơn 3.000 tỷ đồng hỗ trợ chống sạt lở ĐBSCL
Trong buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL ngày 27/9 tại tỉnh Tiền Giang về công tác phòng, chống sạt lở, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý bố trí hơn 3.000 tỷ đồng cho các tỉnh vùng ĐBSCL để thực hiện các giải pháp chống sạt lở bờ biển, bờ sông trong 2 năm (2019 - 2020). Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì đánh giá tổng thể, căn cơ trên cơ sở quy hoạch ĐBSCL, từ đó áp dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ trong xử lý vấn đề sạt lở ĐBSCL chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, tránh tình trạng làm trước hỏng sau.


Theo ông Phan Duy Lai, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long, thực trạng úng ngập và sạt lở hiện nay khi thiết kế đường cần tính toán đến vấn đề biến đổi khí hậu. Đặc biệt các dự án sử dụng vốn vay ODA, nhà tài trợ thẩm định có ý kiến rất kỹ về vấn đề này. Và thực tế các công trình giao thông ở vùng ĐBSCL được duyệt từ năm 2013 đến nay đều được tính đến bằng cách nâng cao độ đường khoảng 30cm so với trước.

Cùng với đó, để ổn định nền đường, tránh bị xói lở, trượt mái dốc... trong quá trình thiết kế những tuyến đường mới, đơn vị thiết kế phải phóng tuyến tránh xa các sông, kênh. Trong trường hợp bắt buộc tuyến phải đi gần sông, thiết kế phải có các giải pháp gia cố, tính toán ổn định như làm kè, gia cố mái ta luy.

Đối với các tuyến đường nâng cấp và qua đô thị, ông Lai cho rằng, các yếu tố dẫn đến ngập ngoài biến đổi khí hậu còn nhiều yếu tố như: Cao độ hiện hữu của tuyến đường, thoát nước của đường ra kênh rạch. Chẳng hạn cống, rãnh bị nghẹt, cửa thoát ra sông không đảm bảo cao độ, các cống rãnh không đảm bảo thoát hết lưu lượng mưa theo tần suất của cấp đường. Các đô thị thiết kế đổ nước từ trong hẻm, đường nhỏ ra đường lớn nên sẽ ngập.

Ngoài ra, cao độ đất nền chung của toàn khu vực bị lún theo thời gian và triều cường ngày càng xuất hiện với mực nước cao theo tuần suất càng dày cũng là yếu tố gây ngập. “Theo tôi có 2 yếu tố cần khắc phục khi nâng cấp đường, một là tính toán một cách đầy đủ thủy văn của hệ thống thoát nước, cửa xả đảm bảo khẩu độ và cao độ. Hai là tính lại cao độ mặt đường, tuy nhiên vấn đề nâng quá cao mặt đường sẽ ảnh hưởng đến nhà dân hai bên cũng cần xem xét”, ông Lai nói.

Theo các chuyên gia, diễn biến của biến đổi khí hậu đến nhanh hơn nhiều so với kịch bản đã dự báo. Hệ lụy của nó là sạt lở, xói lở, xâm thực bờ biển, bờ sông, xâm nhập mặn… đang diễn ra trên diện rộng và tần suất ngày càng nhiều. Theo kịch bản biến đổi khí hậu năm 2016, nếu mực nước biển dâng 100cm và không có các giải pháp ứng phó, ĐBSCL là khu vực có nguy cơ ngập đến 38,9% diện tích. Trong đó, các tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất là Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,86%) và Cà Mau (57,69%).

Ông Hoàng Văn Bẩy (Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước - Bộ TN&MT) cho biết, kết quả nghiên cứu thực hiện từ năm 2014 - 2017, xác định TP HCM và miền Tây có 306 mốc lún với tốc độ lún trung bình 1,07cm/ năm. Ngoài nguyên nhân về yếu tố địa chất, sụt lún xảy ra do suy giảm phù sa, hoạt động xây dựng công trình tập trung và do khai thác nước ngầm quá mức.

Theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, sạt lở ở ĐBSCL là do suy giảm phù sa, bùn cát. Trước đây, bùn cát được đưa về ĐBSCL 160 triệu tấn/năm, bây giờ chỉ còn phân nửa. Trước đây, ĐBSCL có hai quá trình sạt lở và bồi lắng đan xen nhau, trong đó, bồi lắng nhiều hơn sạt lở nên ĐBSCL đã được nâng cao và lấn dần ra biển. “Còn bây giờ, phù sa suy giảm, tức bồi lắng giảm, sạt lở gia tăng, ảnh hưởng sinh kế, sản xuất, cơ sở hạ tầng trong vùng”, PGS.TS. Lê Anh Tuấn phân tích.

GS. Nguyễn Kim Đan (Đại học Paris-Est) cho rằng, cần tìm giải pháp tổng thể nhằm chủ động giảm thiểu rủi ro do thay đổi nguồn nước và suy giảm bùn cát ở ĐBSCL. Trong đó, ưu tiên các giải pháp dựa theo tự nhiên, phù hợp với tự nhiên và bảo vệ môi trường. Nhất là trong quá trình thi công xây dựng hạ tầng giao thông.

Cần Thơ: Chủ tịch Thành phố yêu cầu ứng phó với triều cường

Trước tình trạng biến đổi khi hậu, nước lũ dâng kết hợp triều cường gây ngập nhiều tuyến đường trong những ngày qua, ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với UBND quận, huyện khẩn trương khắc phục nhanh sự cố sạt lở trên các tuyến giao thông. Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực trọng điểm, xung yếu có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố. Yêu cầu Sở Xây dựng tăng cường công tác kiểm tra việc thi công các công trình xây dựng trong đô thị, hạn chế tối đa việc đắp đập ngăn dòng thoát nước làm ảnh hưởng đến việc thoát nước.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái):
Phải ngưng ngay việc khai thác cát lòng sông

img

Khi 11 đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong được xây dựng, sẽ ngăn chặn cát, sỏi từ thượng nguồn về ĐBSCL. Tình trạng khai thác cát, sỏi vô tội vạ thời gian qua đã khiến lòng sông Hậu, sông Tiền sâu hơn 1,3m so với trước đây. Việc khai thác cát không chỉ khiến bờ sông bị sạt lở mà bờ biển cũng bị xói mòn. Bờ biển từ Tiền Giang đến Sóc Trăng dài hơn 250km đang bị xói lở nghiêm trọng. Trong khi đó bờ biển Tây tại Cà Mau, Kiên Giang cũng chịu cảnh sạt lở. Cần phải ngưng ngay việc khai thác cát trên sông thì sẽ giảm và hạn chế sạt lở.

Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục QLĐB 4:
Cần 73 tỷ đồng để tôn cao mặt đường QL1

img

Trong các giải pháp thì giải pháp xây dựng đập ngăn triều cường tại các cửa kênh rạch chính trong khu vực có cốt nền thấp. Hạn chế của giải pháp này là kinh phí rất lớn, cần có thời gian nghiên cứu, có sự phối hợp chặt chẽ với các ban ngành của nhiều địa phương. Hoặc giải pháp xây tường chắn nước dọc theo quốc lộ ngăn cách với kênh rạch. Vì đa số các tuyến quốc lộ ở vùng ĐBSCL do xây dựng từ trước nên chạy dọc kênh rạch và qua vùng đất yếu. Giải pháp này chi phí xây dựng cũng lớn và khi khai thác sẽ ảnh hưởng trực tiếp, gây khó khăn cho sinh hoạt lên xuống kênh rạch của người dân.

Vì vậy, Cục 4 đề xuất ưu tiên giải pháp tôn cao nền mặt đường, có thể phân kỳ đầu tư cho từng năm. Cụ thể đoạn ngập nặng trên QL1 cần tôn cao mặt đường trong năm 2019 - 2020 gồm 03 đoạn: Đoạn Km 2057+440 - Km 2058+300 qua tỉnh Vĩnh Long với kinh phí dự kiến 23 tỷ đồng, đoạn này đang triển khai trong kế hoạch năm 2019; Đoạn Km 2106+500 - Km 2108+050, qua tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng với kinh phí dự kiến 26 tỷ. Đoạn Km 2231+500 - Km 2232+850, QL1, tỉnh Bạc Liêu với kinh phí dự kiến 24 tỷ đồng.

Phan Tư (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.