Đời sống

Ngày 19 tháng 5 năm 2020: Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

18/05/2020, 13:35

Ngày 19 tháng 5 năm 2020, nhiều hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức để kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020).

img
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các Anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc năm 1969.

Ngày 19 tháng 5 năm 2020 có gì đặc biệt?

Ngày 18/5/1946, trên trang nhất Báo Cứu quốc có đăng một bài báo đặc biệt với tựa đề: “Cụ Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam”. Bài báo đã chính thức thông báo ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 19/5/1890. Kể từ thời điểm đó, mỗi dịp tháng 5 về, hàng triệu trái tim người Việt Nam và bạn bè khắp thế giới luôn hướng về và tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam.

Trong những ngày tháng 5 lịch sử, kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân ta luôn nhớ về Bác với tấm lòng thành kính và biết ơn công lao to lớn của Người. Vào dịp này, trên cả nước đã diễn ra nhiều hoạt động đặc biệt tôn vinh thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Người. Qua đó, tri ân sâu sắc công lao, cống hiến vĩ đại của Bác đối với cách mạng Việt Nam, thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ của nhân dân, đất nước Việt Nam và tình cảm yêu mến, kính trọng của nhân dân các dân tộc trên thế giới đối với Người.

Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Sáng 18/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020).

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: "Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta." Cuộc đời 79 mùa Xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta và bạn bè quốc tế. Tên tuổi và sự nghiệp của Người còn mãi với non sông đất nước ta, sống mãi trong lòng dân tộc ta và trong trái tim nhân loại. Người để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau một Di sản tư tưởng vô cùng quý báu, một Tấm gương đạo đức và phong cách, lối sống hết sức sáng ngời!".

img
Lễ Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Cầu truyền hình "Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam": Cầu truyền hình "Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam" được tổ chức vào tối 18/5, được truyền hình trực tiếp trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình có sự kết hợp giữa 5 điểm cầu truyền hình trực tiếp, gồm các địa phương - những nơi mang dấu ấn về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác như: Hà Nội (Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch); Nghệ An (Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên); Thành phố Hồ Chí Minh (Bến Nhà Rồng); Tuyên Quang (Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào); Đồng Tháp (Công viên Văn Miếu, thành phố Cao Lãnh).

Những người thực hiện chọn từ khóa “ý chí” làm nội dung xuyên suốt. Đây là ý chí của một anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Người cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Với ý chí sắt đá, Người trải qua biết bao khó khăn từ những năm tháng ra đi tìm đường cứu nước và trong cả sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ý chí Hồ Chí Minh, ý chí người cộng sản Việt Nam là ngọn lửa bất diệt trở thành biểu tượng cao đẹp của con người và dân tộc Việt Nam.

Cầu truyền hình “Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam” cũng là dịp giáo dục truyền thống, ôn lại những câu chuyện về hành trình cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chủ tịch, từ đó rút ra những bài học sâu sắc trong thời đại hôm nay, cho lớp trẻ trong tương lai. Chương trình có phim tư liệu, phóng sự, tiết mục nghệ thuật, giao lưu với các học giả, nhân chứng trong ngoài nước, đặc biệt có sự tham gia của đông đảo cán bộ, nhân viên, những người gắn bó với Bác và những kỷ vật của Người.

Tuần phim Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tuần phim diễn ra từ ngày 19 đến 26/5 trên phạm vi cả nước. Theo đó, các phim được chọn chiếu trong Tuần phim lần này gồm: Phim truyện "Trăng đại ngàn" do Công ty Cổ phần phim Giải Phóng sản xuất; Phim tài liệu "Trường Sơn có những cô bộ đội lái xe", "Chim sắt ngày xưa" do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất; phim tài liệu "Đất gọi" do Công ty Cổ phần phim Giải Phóng sản xuất; Phim hoạt hình "Vầng sáng ấm áp" do Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất.

img
Bác Hồ và các cháu thiếu nhi vui liên hoan văn nghệ nhân ngày Quốc tế thiếu nhi, tháng 6/1969.

Trưng bày "Khát vọng tự do: Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) tổ chức trưng bày “Khát vọng tự do”.

Không gian trưng bày công phu và những hiện vật “biết nói” sẽ kể cho thế hệ hôm nay câu chuyện cảm động về bản lĩnh kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ cách mạng kiên trung, với tấm lòng yêu nước, không chịu chết mòn nơi ngục tù thực dân, đế quốc và quyết tâm vượt ngục để trở về với cách mạng, với nhân dân. Nhiều người vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ, hòa mình vào biển sâu khi vượt ngục không thành. Có người may mắn được trở về nhưng cơ thể đã không còn vẹn nguyên.

Tất cả những gian khổ, hi sinh ấy đều không ngăn được hành trình đến với tự do của những người con yêu nước, được giới thiệu qua 3 nội dung trưng bày: Xiềng xích; Tung cánh giữa màn đêm và Khúc ca hòa bình.

Tại trưng bày, những tài liệu liên quan đến các cuộc vượt ngục và những kỷ vật của các chiến sĩ cách mạng tham gia vượt ngục năm xưa cũng sẽ được giới thiệu như: Quần, áo vest được Thượng tướng Nguyễn Văn Khương (Song Hào), Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sử dụng từ năm 1987-2004; Thanh kiếm, bộ đội quân giới tặng đồng chí Nguyễn Văn Trân (tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò năm 1940) khi đồng chí giữ cương vị Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hà Nội; Huân chương Hồ Chí Minh, Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng đồng chí Nguyễn Văn Kha, ngày 8/8/1990; mũ phớt ông Lê Tất Đắc sử dụng trong thời gian giữ chức vụ Xứ ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ, năm 1940; Ghi chép của đồng chí Nguyễn Hà Long và đồng đội trong thời gian hoạt động tại Phú Quốc từ năm 1969-1972…

Triển lãm "Luôn có Bác trong tim": Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cũng đã phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức triển lãm chuyên đề “Luôn có Bác trong tim”. Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 15/5 đến hết tháng 7/2020, tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (28A, Điện Biên Phủ, quận Ba Đình).

Triển lãm giới thiệu những hình ảnh, tài liệu tiêu biểu phản ánh sự lãnh đạo, chỉ đạo và tình cảm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Quân đội nhân dân Việt Nam; sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội trong việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, qua đó tôn vinh, ngợi ca những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam, sự tôn kính và biết ơn vô hạn của nhân dân cả nước đối với Người.

img
Bác Hồ chụp ảnh kỷ niệm với chiến sĩ Điện Biên mừng sinh nhật Bác (19/5/1954).

Nhớ những lần sinh nhật Bác Hồ

Năm 1946 là năm kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ lần đầu tiên. Sáng 19/5/1946, tại Bắc bộ Phủ, các đại biểu thiếu nhi thủ đô, tự vệ, hướng đạo và hơn 50 đại biểu Nam bộ đã đến chúc mừng sinh nhật Bác.

Bác đã chụp ảnh chung với các cháu thiếu nhi và tặng các đại biểu thiếu nhi một cây bách trồng trong chậu và nói: "Bác có cây này tặng các cháu. Mai sau, cái cây sẽ mọc ra trăm các tán. Các cháu về chăm nom cho cây lớn, cây tốt, thế là các cháu yêu Bác lắm đấy!".

Nói chuyện với các đại biểu, Người nói: "Tôi xin cảm ơn các anh, các chị Nam Bộ đã đến chúc thọ tôi. Thật ra, các báo ở đây làm to sinh nhật tôi, chứ tuổi năm sáu chưa có gì đáng chúc thọ, cũng còn như thanh niên cả, mà trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở Bắc đây, tôi thật xấu hổ rằng trong Nam chưa được thái bình".

Và những năm sau đó, đến dịp kỷ niệm ngày sinh của mình, Bác thường dặn trước các địa phương, các cơ quan là không nên tổ chức chúc thọ linh đình, vì Bác sợ tốn thời gian, tiền bạc của nhân dân, trong lúc đời sống và cuộc chiến đấu của nhân dân còn khó khăn, gian khổ.

Trong Hồi ký “Tháng Tám cờ bay” của ông Vũ Đình Huỳnh (nguyên thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh), kỷ niệm về những lần sinh nhật Bác Hồ cũng được chia sẻ một cách đậm nét. Theo đó, nguyên thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ: Trong lúc thế nước ngàn cân treo sợi tóc, Người tận dụng cả ngày sinh của mình để làm “ngày phục vụ được lợi ích của cách mạng” - buộc kẻ thù phải đến để đối thoại.

Sau đó, khi thành lệ quen thì thường vào sinh nhật của mình, Bác lại có những chuyến đi công tác, thăm hỏi các nơi để tránh những nghi lễ phiền phức tốn kém, hoặc dặn trước không nên tổ chức chúc thọ linh đình, nếu đành phải tổ chức sinh nhật thì “làm nhanh lên cho Bác, đừng kéo dài”. Người dặn” “Chỉ cho Bác mấy bông hồng là đủ rồi, đừng bày vẽ tốn kém làm gì”.

Kỷ niệm sinh nhật ở chiến khu Việt Bắc, Bác được tặng bó hoa rừng tươi thắm và Người đã đặt bó hoa đẹp ấy lên mộ người cấp dưỡng vừa qua đời vì sốt rét. Sinh nhật tuổi 78, Người vẫn lạc quan thấy “chưa già lắm; Vẫn vững hai vai việc nước nhà”. Năm lần sinh nhật cuối đời (1965-1969) Người tập trung viết và sửa chữa Di chúc, cân nhắc từng chữ, căn dặn từ việc xa đến việc gần, việc nhỏ, việc lớn, việc bên trong và bên ngoài, không sót việc nào, không quên một ai.

Nhân cách ấy, sự cao thượng ấy khắc rõ hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh rất cao đẹp, làm thành tấm gương mẫu mực về đức tính khiêm tốn, giản dị và đạo lý làm người cán bộ tận tụy vì nước, vì dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.