Hạ tầng

Ngày đêm vượt khó mở đường xóa xã “trắng” về giao thông

25/06/2022, 10:30

Ban QLDA Sở GTVT Nghệ An đang cùng các đơn vị thi công ngày đêm vượt khó mở đường xóa xã "trắng" về giao thông ở miền biên viễn.

Quyết tâm vượt khó, vượt tiến độ

“Các anh tý có hỏi công nhân, kỹ sư thì hỏi dễ dễ thôi nhé. Hỏi khó quá, anh em phật lòng, họ bỏ về lại khổ nhà em”, câu nói nửa đùa nửa thật của cán bộ phụ trách dự án Ban QLDA Công trình giao thông, Sở GTVT Nghệ An khiến chúng tôi nửa tin nửa ngờ.

Tôi nhìn anh đồng nghiệp rồi cả 2 cùng gật đầu quyết định phải đi cho hết công trình đoạn tuyến Km7+00 - Km26+00, Dự án đầu tư xây dựng công trình đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền (ở huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) giai đoạn 2.

img

Công nhân lu lèn bảo dưỡng trước khi rải những mét nhựa đầu tiên.

Phải nói thêm rằng, đây không phải lần đầu chúng tôi đi trên tuyến đường từ thị trấn Mường Xén qua xã Tà Cạ để vào các xã Mường Típ, Mường Ải. Là 2 xã duy nhất của huyện Kỳ Sơn “trắng” đường ô tô, nên trước đây ngày nắng phương tiện duy nhất đi vào là xe máy, còn ngày mưa lũ thì chỉ có cuốc bộ.

Hôm nay thì đã khác, 7km đoạn từ thị trấn Mường Xén đến đầu xã Tà Cạ đã được láng nhựa, ô tô chạy vèo vèo. Từ Tà Cạ trở vào, dù mới triển khai thi công nhưng các đơn vị đã đào đắp được một khối lượng rất lớn.

Trên công trường, hàng chục máy đục, máy múc, máy xúc… hạng nặng vẫn khẩn trương hoàn thiện khối lượng ít đào đắp còn lại. Từng vách núi khổng lồ được xẻ gọt, từng vách mái taluy âm quanh năm sụt trượt được gia cố, xử lý. Nhờ vậy, từ lối mòn nhỏ, vắt vẻo giữa lưng chừng núi, uốn lượn theo dọc dòng Nậm Mộ, đến nay trên toàn tuyến đã hình thành một còn đường rộng lớn, hai xe ô tô thoải mái tránh nhau.

Có đoạn nhà thầu đã tiến hành lu bảo dưỡng để chuẩn bị rải nhựa. 2 cầu trên đoạn tuyến thì cầu Sa Vang đã chuẩn bị lao dầm, còn cầu Nhãn Lỳ cũng đã gần xong phần mố trụ. Ngoài ra, các vật liệu như đá dăm, nhựa cũng đã được tập kết về trên công trường…

Ông Phạm Thanh Định - Chỉ huy Công ty TNHH Đại Việt cho biết: Dự án này, công ty thi công 1,5km (Km14+633 – Km16+071). Đến nay, khối lượng đào đắp đã đạt 90%; đang hoàn thiện 6/9 cống tròn; 3 cống hộp cũng đã cơ bản xong.

“Đây là tuyến đường độc đạo, công địa rất chật, trong khi vừa thi công vừa khai thác nên đơn vị tiến hành thi công cuốn chiếu, đến đâu xong đó. Theo kế hoạch, tháng 4/2023 hoàn thành dự án nhưng đơn vị đang phấn đấu đến 30/9 năm nay sẽ xong”, ông Định cho biết.

img

Tư vấn giám sát đo kiểm tra độ chặt của nền đường sau mỗi ca lu.

Ở gói thầu liền kề, Công ty TM&XD Thành Vinh cũng đã đào đắp được 95% khối lượng nền; làm xong 10/13 trong tổng số 14 cống tròn; xong 2/3 cống vuông. Tổng sản lượng thi công đạt được lên đến 16 tỷ đồng.

“Về kỹ thuật của đường so với năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu thì không có gì đáng kể. Đơn vị đã từng thi công rất nhiều tuyến đường quốc lộ ở miền núi, như QL16, QL48, QL48D… Hiện đơn vị đang huy động 4 tổ đào đắp và hoàn thiện cùng rất nhiều máy móc công suất lớn, quyết tâm đưa dự án về đích trước kế hoạch”, ông Nguyễn Khắc Thành, Chỉ huy trưởng Công ty Thành Vinh tự tin.

Đường mới mở ra tương lai mới

Trực tiếp theo chân những kỹ sư, công nhân thi công tuyến đường nơi miền biên viễn nơi đây chúng tôi mới thấy hết những khó khăn, vất vả. Tuyến đường vắt vẻo trên lưng chừng núi, một bên là vực sâu, việc thi công phải đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Trong khi đó, đây là tuyến đường độc đạo, công địa hẹp, lại vừa thi công vừa khai thác. Các nhà thầu chỉ đóng đường được một thời gian rồi phải giải phóng để người dân đi lại, thông thương. Chưa hết, vị trí thi công xa trung tâm huyện, vật liệu xây dựng vừa khan hiếm vừa vận chuyển khó khăn, cộng với giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng phi mã.

Ngoài ra, điều kiện làm việc rất thời tiết khắc nghiệt: mùa hè thì nắng như đổ lửa; mùa đông sáng chiều mưa mù, còn tối lại lạnh buốt da thịt. Nhiều vị trí lán trại không có điện, nước, sóng điện thoại… anh em công nhân sinh hoạt rất khó khăn. Nhu yếu phẩm, phụ tùng sửa chữa máy khi hư hỏng cũng đều phải chở từ dưới xuôi lên… làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và tâm lý kỹ sư, công nhân.

Dù các nhà thầu đã nâng lương cho kỹ sư, công nhân lên gấp rưỡi nhưng đến nay vẫn có khoảng chục người “bỏ của chạy lấy người”. Đây cũng là lý do mà anh cán bộ Ban “dặn” chúng tôi ngay khi bước chân vào công trường.

img

Cầu Nhãn Lỳ là 1 trong 2 cầu trên tuyến cũng đã gần xong phần mố trụ

Tuy vậy, dù ở gói thầu nào, đơn vị thi công nào chúng tôi cũng thấy được quyết tâm vượt khó của các kỹ sư, công nhân đưa dự án về đích sớm nhất, đạt chất lượng tốt nhất. “Bê tông mác thấp mới sử dụng vật liệu ở đây. Còn với bê tông mác 200 trở lên, anh em phải dùng cát ở Anh Sơn (cách 150km).

Riêng dầm cầu thì phải lấy đá ở mỏ rú Am (Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh - cách 300km). Nhìn đồng bào còn khó khăn, vất vả, mình không những phải cố gắng làm nhanh, mà còn phải làm tốt để bà con sử dụng ổn định lâu dài. Bằng chứng là chỉ 11,3km, công ty đã bố trí 3 kỹ sư giám sát.”, kỹ sư Trần Hữu Xuân, Công ty CP Tư vấn xây dựng giao thông Vinaco (tư vấn trưởng đoạn Km7 - Km18+300) cho biết.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Tá - tư vấn giám sát Công ty CP Tư vấn Hạ tầng Nghệ An (tư vấn đoạn 6,7km còn lại) cho biết thêm: Để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình trong giai đoạn giá nhiên - vật liệu đầy biến động, các nhà thầu đã chủ động tập kết vật liệu về trên công trường.

Lân la vào những bản làng nơi “heo hút cồn mây”, nghe người dân kể mới thấy quyết tâm của kỹ sư, công nhân ngành giao thông thật cao quý. “Không nói hết cái vất vả của đồng bào nữa. Trước khi có dự án này, Mường Típ và Mường Ải là 2 xã cuối cùng “trắng” đường ô tô. Nghe tin có dự án triển khai, dân bản mừng lắm. Nhiều cụ già móm mém nói rằng, thấy ô tô vào đến bản rồi, chết cũng mãn nguyện”, ông Lầu Bá Xà - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Mường Típ phấn khởi.

Nói đoạn ông Xà kể: "Trước đây, các cháu học sinh ở bản Hồi Phe đi sang Ta Đo đi học phải đi đến 8 tiếng đồng hồ. Còn như bản thân tôi ở Phà Nọi, cách trụ sở xã Mường Típ chỉ 20km nhưng phải ở lại trụ sở 1 tuần mới về 1 lần. Khổ lắm!. Nay có đường ô tô rồi, giao thương thuận tiện, cuộc sống người dân sẽ dần đi lên; các em học sinh sẽ không phải bỏ học ở nhà lên nương rẫy nữa… Đường mới sẽ mở ra cuộc sống mới cho bà con".

Ánh hoàng hôn xiên qua những tán rừng chiếu xuống dòng Nậm Mộ hiền hòa tạo nên khung cảnh lung linh nơi miền biên viễn. Ở bản làng chênh vênh trên núi, nhà ai đang thổi lửa nấu cơm tối. Trên công trường, tiếng máy ủi, máy đào vẫn đang rộn ràng. Một con đường nhựa mới sẽ sớm hình thành, kéo theo sóng điện thoại, internet và những cơ hội phát triển trong tương lai không xa.

Công trình đoạn tuyến Km7+00 - Km26+00, Dự án đầu tư xây dựng công trình đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền (ở huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) do Sở GTVT làm chủ đầu tư. Công trình được thiết kế theo theo tiêu chuẩn đường giao thông cấp IV. Trong đó, bề rộng nền đường 6m, mặt đường 3,5m, lề đường 1,25m. giá trị dự toán phê duyệt là hơn 163,3 tỷ đồng. Dự án được phát lệnh khởi công ngày 1/3/2022 và hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 4/2023.

Đến nay, nền đường đã và công trình thoát nước đã thi công được khoảng 80%; 2 cầu trên tuyến đạt 85% khối lượng công việc. Sản lượng trên toàn tuyến đạt được là 50%. Chủ đầu tư và các đơn vị thi công đang phấn đấu, tháng 8 năm nay sẽ thông cầu, tháng 9 hoàn thiện mặt đường và tháng 10 hoàn thiện bàn giao.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.