Đường bộ

Ngày mai, triển khai thi công đường nối Yên Bái với cao tốc trọng điểm

22/06/2022, 14:14

Một đoạn tuyến thuộc tuyến kết nối Nghĩa Lộ, Yên Bái với cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ bắt đầu triển khai thi công vào ngày mai (23/6).

281 tỷ đồng đầu tư tuyến kết nối

Trao đổi với Báo Giao thông, Ban QLDA2 - Bộ GTVT cho biết, sáng mai (23/6), gói thầu XL09, gói thầu đầu tiên thuộc đoạn tuyến kết nối Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Tỉnh lộ 175) dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc sẽ chính thức được triển khai xây dựng.

img

Ngày mai (23/6), Ban QLDA 2 sẽ bắt đầu triển khai gói thầu đầu tiên thuộc đoạn tuyến kết nối Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai dự án kết nối giao thông khu vực miền núi phía Bắc. (Ảnh minh họa)

Theo thiết kế được phê duyệt, Gói thầu XL09 có tổng chiều dài 20 km. Điểm đầu tại Km 00+00 (nút giao IC14 cao tốc Hà Nội - Lào Cai) thuộc địa phận xã An Thịnh huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Điểm cuối tại Km 20+000 (Km 20+667 theo thiết kế cơ sở) thuộc địa phận xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty CP Xây dựng và vận tải Hải Phong và Công ty CP xây dựng và thương mại Hoàng Kim. Theo kế hoạch, gói thầu XL09 đầu tư đoạn tuyến kết nối thuộc tuyến kết nối Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có thời gian thực hiện dự án trong khoảng 30 tháng.

“Về quy mô công trình, đoạn tuyến được thiết kế với quy mô cấp 4 miền núi, bề rộng mặt đường là 5,5m, bề rộng nền đường là 7,5m. Vận tốc thiết kế là 40 km/h”, phương án thiết kế thi công cũng đã được tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với từng đoạn tuyến ngoài khu vực dân cư và khu vực có địa hình phức tạp, đi qua khu vực đông dân cư.

“Gói thầu XL-09 có giá trị hơn 281 tỷ đồng, bao gồm thuế, dự phòng và các khoản tạm tính. Trong đó, giá trị xây lắp từ nguồn vốn vay ADB, phần thuế được lấy từ nguồn vốn đối ứng của Việt Nam”, Ban QLDA2 thông tin thêm.

img

Việc đầu tư tuyến kết nối Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai được kỳ vọng kích thích tăng trưởng kinh tế cho khu vực miền núi phía Bắc. (Ảnh minh họa)

Rút ngắn thời gian kết nối Thủ đô, tăng hiệu quả khai thác cao tốc trọng điểm

Đề cập đến tính cấp thiết đầu tư dự án, Ban QLDA2 cho biết, thực tế cho thấy, tại khu vực miền núi phía Bắc hiện nay, ngoài đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai có quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật của đường cấp cao, QL2 đạt tiêu chuẩn đường cấp III, các tuyến đường còn lại cấp đường đều thấp (kể cả quốc lộ).

Thông thường, các tuyến đường khu vực chỉ đạt tiêu chuẩn đường cấp V-IV miền núi. Tại các vị trí địa hình khó khăn chỉ đạt tiêu chuẩn đường cấp VI miền núi. Việc lưu thông giữa các tỉnh miền núi phía Bắc với khu vực đồng bằng, cảng biển và ngược lại gặp nhiều khó khăn, dẫn đến làm giảm khả năng phát triển KT-XH, du lịch,... của các tỉnh trong khu vực.

Riêng đối với tuyến nối Nghĩa Lộ đến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Nghĩa Lộ là đô thị thuộc tỉnh Yên Bái, kết nối với vùng du lịch Mù Căng Chải. Giao thông kết nối với Nghĩa Lộ từ Hà Nội được thực hiện theo QL32 gặp nhiều khó khăn (quy mô đường 2 làn xe), thời gian đi lại kéo dài.

Giao thông kết nối Nghĩa Lộ với tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai được thực hiện thông qua tuyến ĐT175 có quy mô nhỏ, không vào cấp kỹ thuật, bề rộng mặt đường 3-4m, mặt đường xuống cấp (mặt đường đất), điều kiện hình học thấp (bán kính đường cong nhỏ, độ dốc dọc lớn), không đáp ứng được nhu cầu vận tải khi điều kiện lưu lượng xe trong khu vực tăng.

Vì vậy, việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, trong đó có đoạn tuyến kết nối Nghĩa Lộ, với gói thầu XL09 là cần thiết, giúp hoàn chỉnh thêm mạng lưới giao thông trong khu vực, tăng cường thông thương về kinh tế, giao lưu văn hóa xã hội cho các tỉnh miền núi phía Bắc và góp phần giảm TNGT.

“Tuyến đường kết nối từ Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai sau khi được đầu tư xây dựng sẽ đáp ứng được nhu cầu vận tải khu vực, giảm thời gian đi lại từ Hà Nội tới Nghĩa Lộ và vùng du lịch Mù Căng Chải, góp phần tăng hiệu quả đầu tư tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Đồng thời, góp phần quan trọng hỗ trợ đồng bào dân tộc khu vực (5 nhóm dân tộc: Thái, Dao, H’mong, Tày và Mường), phát triển KT-XH địa phương.

Tuyến đường cũng sẽ tạo nên tuyến đường trục ngang theo hướng Tây Bắc, tạo điều kiện xuất khẩu các loại nông sản, khoáng sản, khai thác tiềm năng du lịch với các tỉnh khác trong khu vực; Nâng cao sức hấp dẫn các nhà đầu tư (công nghiệp khai khoáng, du lịch) đối với khu vực đầy tiềm năng nhưng chưa có điều kiện phát triển”, đại diện Ban điều hành dự án chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.