Xã hội

Ngày trở về của những “chiến binh áo trắng”

15/10/2021, 08:02

Chia tay TP.HCM khi tình hình dịch bệnh có chuyển biến tích cực, gần 20.000 y bác sĩ đến từ nhiều vùng miền cả nước đều chung cảm xúc tự hào.

Là những người xung phong chi viện trong giai đoạn đỉnh điểm của dịch Covid-19 tại TP.HCM, với các chiến binh áo trắng, đó là những tháng ngày không bao giờ quên.

Có vất vả, khổ cực và cả hi sinh nhưng cũng đầy tự hào khi dịch bệnh từng bước được đẩy lùi, giành lại cuộc sống cho nhiều người…

img

Sau khoảng 3 tháng tham gia chi viện cho TP.HCM, khi tình hình dịch Covid-19 tạm ổn, các đoàn y tế từ các tỉnh, thành phố đã dần rút quân (Ảnh chụp ngày 12/10 tại sân bay Tân Sơn Nhất). Ảnh: Vũ Thủy - Duyên Phan

Xung trận là quên hết nỗi lo

Trở lại công việc thường nhật tại Khoa nội tổng hợp A, Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Xô, với bác sĩ trẻ Lê Xuân Hà: “Gần hai tháng cùng đồng đội lăn xả trong tâm dịch TP.HCM là những kỷ niệm không quên”.

Khi chứng kiến những đau thương, mất mát ở trong đại dịch thì mọi nỗi sợ hãi về bệnh dịch ban đầu hoàn toàn biến mất. Lúc đó, tất cả chúng tôi chỉ tâm niệm 1 điều duy nhất “làm được điều gì cho bệnh nhân là cố gắng hết sức mà thôi.
BS. Bùi Mỹ Lệ, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô


Ngay sau lời hiệu triệu chi viện cho tâm dịch TP.HCM của Bộ trưởng Bộ Y tế, anh Hà cùng 34 đồng nghiệp xung phong lên đường dù chất chứa trong lòng nhiều nỗi lo. Nhưng điều đó chỉ thoáng qua, bởi với họ: “Đó là trách nhiệm của người khoác trên mình chiếc áo blouse trắng”.

Vào TP.HCM, đoàn 1 của BV Hữu nghị Việt Xô được phân công về BV Hồi sức Covid-19, tuyến cuối cùng tiếp nhận các bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch từ các bệnh viện dã chiến chuyển về.

BS. Hà chia sẻ: “Ban đầu, cả đoàn ai cũng đều lo lắng, nhưng không phải bởi nguy cơ nhiễm bệnh mà lo nhất là lỡ trở thành bệnh nhân sẽ không hoàn thành nhiệm vụ và trở thành gánh nặng cho mọi người. Thêm đó là nỗi lo chưa từng làm hồi sức, tiếp xúc và điều trị bệnh nhân Covid-19, cho dù phác đồ điều trị của Bộ Y tế liên tục được cập nhật”.

Nhớ lại ngày đầu tiên có mặt tại BV Hồi sức Covid-19, BS. Hà nói: “Mặc dù trước đó mình cùng các đồng nghiệp cũng đã mường tượng sự khốc liệt của cuộc chiến giành giật sự sống cho bệnh nhân nhưng thực tế lúc đó thật sự sốc bởi số lượng bệnh nhân nặng nhiều quá...”.

Cùng đoàn, BS. Bùi Mỹ Lệ, Khoa Tim mạch cũng chia sẻ: “Trước khi lên đường, thông qua báo chí, chúng tôi cũng hình dung ra là sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn và lượng lớn bệnh nhân nặng nhưng thực địa đã vượt quá sức tưởng tượng. Ở giai đoạn đầu, trung bình 1 tua trực từ 7 - 10 tiếng/ngày, 2 - 3 bác sĩ phải bao quát, chăm sóc và điều trị cho khoảng 70 bệnh nhân. Và suốt 1 tua trực trong bộ đồ bảo hộ kín mít đó, hiếm có khoảng thời gian nào để ngưng nghỉ và phải cố gắng hơn 100% sức vì khối lượng công việc lớn, liên tục. Thậm chí, có những giai đoạn, chúng tôi làm việc hoàn toàn bằng ý chí vì bệnh nhân”.

img

BS. Mỹ Lệ trở lại công việc thường ngày tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô

“Suốt 2 tháng ở đó, thời gian được chúng tôi đo đếm bằng guồng quay liên tục của các tua trực ngày và đêm, cùng việc tranh thủ lúc rảnh là lao vào tìm tài liệu về Covid-19 và tham gia các lớp tập huấn online liên tục cập nhật phác đồ, kinh nghiệm về điều trị từ các đồng nghiệp. Những cuộc gọi về gia đình cũng thưa dần vì công việc tiếp nối công việc”, BS. Hà cho biết.

Chia sẻ thêm về nỗi chịu đựng “7 - 10 tiếng đồng hồ” không ăn uống, vệ sinh trong suốt tua trực của anh em y bác sĩ, BS. Hà cho hay: “Trước khi vào tua, chúng tôi phải tính toán sao để uống đủ lượng oresol (dịch bù nước) bù cho lượng mồ hôi đổ ra và hạn chế tối đa việc đi vệ sinh nhằm phòng tránh lây nhiễm trong lúc thay đồ và tiết kiệm đồ phòng hộ cũng như dành thời gian chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Không ít lần đã có những nữ bác sĩ ngất xỉu vì sốc nhiệt, mất nước khi đang trong ca trực”.

Ám ảnh với lời nói “Bác sĩ ơi, cứu em với”

img

Các y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19

Tham gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng, mỗi y bác sĩ luôn đau đáu với câu hỏi “Liệu có cứu được bệnh nhân không?”

“Tôi có chết không bác sĩ ơi”, “Bác sĩ ơi cứu em, cứu con với” là những câu nói của bệnh nhân khiến BS. Hà ám ảnh trong suốt những ngày cùng đồng nghiệp tham gia mặt trận giành giật sự sống tại BV Hồi sức Covid-19.

BS. Hà vẫn nhớ mãi một bệnh nhân nữ nhiễm Covid-19 (SN 1995), vừa sinh con xong thì buộc phải tách 2 mẹ con mỗi người một nơi. Khi được chuyển sang BV Hồi sức Covid-19, người mẹ trẻ này đã chuyển nặng, phải đặt nội khí quản, lọc máu.

Với nỗ lực của y bác sĩ, bệnh nhân vượt qua giai đoạn nặng chuyển về khoa điều trị của BS. Hà để thở oxy dòng cao, tiên lượng tốt.

Đáng tiếc, chỉ ít ngày sau đó, bệnh nhân đột ngột chuyển nặng, suy hô hấp lại vì viêm phổi bệnh viện (nhiễm khuẩn bệnh viện do nằm điều trị quá lâu).

“Trong ít ỏi thời gian đủ tỉnh táo, chúng tôi đã cố gắng kết nối để bệnh nhân có thể liên lạc với gia đình. Điều đáng tiếc, bệnh nhân ra đi khi chưa được 1 lần gặp mặt con. Việc chứng kiến những cái chết của bệnh nhân Covid-19 cũng là điều ám ảnh nhất với chúng tôi bởi họ đều ra đi trong sự cô đơn cùng cực, không một người thân bên cạnh và cảm giác bất lực khi chúng tôi đã cố gắng hết sức mà không giành lại được sự sống cho họ”, BS. Hà trải lòng.

Hay có bệnh nhân còn rất trẻ nhưng mắc nhiều bệnh nền và béo phì, cân nặng hơn 100kg, nhập viện trong tình trạng mê mệt, phải thở ôxy dòng cao.

Bệnh nhân này từng níu tay bác sĩ điều trị nói “bác sĩ ơi, em còn trẻ, em chưa muốn chết”. May mắn sau 2 tuần đáp ứng tốt, bệnh nhân hồi phục.

“Ngày ra viện, bệnh nhân chân sáo đi khắp dãy phòng bệnh, nắm tay cảm ơn từng y bác sĩ. Sự hồi phục của bệnh nhân lại như liều doping khiến đội ngũ y bác sĩ thêm động lực, quên đi khó khăn, vất vả để tiếp tục công việc của mình”, BS. Hà nói.

Cũng như BS. Hà, BS. Mỹ Lệ tâm sự rằng, trong dịch bệnh, chứng kiến sự ra đi của bao người mới thấy cuộc sống mong manh đến thế, nhất là sự ra đi của bệnh nhân Covid-19, thật cô quạnh, ám ảnh.

Chia tay TP.HCM khi tình hình dịch bệnh nơi đây có những chuyển biến tích cực và cuộc sống dần trở lại, với BS. Hà, BS. Lệ và gần 20.000 y bác sĩ đến từ nhiều vùng miền cả nước chi viện cho tâm dịch đều chung cảm xúc “tự hào vì đã có mặt ở đúng giai đoạn cam go nhất đó, để lại nhiều kỷ niệm không bao giờ quên - những tháng ngày ý nghĩa nhất trong cuộc đời bác sĩ”.

Gần 20.000 nhân lực y tế chi viện cho các tỉnh, thành miền Nam

Tính từ tháng 7/2021, để đáp ứng nhu cầu cấp thiết chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Bộ Y tế đã huy động gần 20.000 nhân lực từ miền Bắc, miền Trung vào chi viện.

Khi dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, đến thời điểm này, phần lớn các đoàn chi viện rút về nhằm đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại địa phương.

Theo kế hoạch của Bộ Y tế, 15/10 là ngày cuối cùng các đội chi viện cho TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam sẽ rút hết về địa phương. Từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều đơn vị chi viện đã và đang rời các tỉnh, thành phía Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.