Phát triển - Kết nối

Nghệ An gắn công tác dân tộc, tôn giáo với phát triển vùng

28/07/2021, 18:30

Nghệ An đã đạt được những thành công bước đầu khi đã khéo léo gắn công tác dân tộc, tôn giáo với phát triển kinh tế xã hội vùng phía Tây tỉnh.

Vùng miền Tây Nghệ An luôn được Đảng, Nhà nước xác định có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, là một trong những vùng “phên dậu” phía Tây của Tổ quốc, đảm bảo quốc phòng, an ninh cho cả vùng Bắc Trung bộ và cả nước. Đây cũng là vùng có đông đảo các đồng bào dân tộc sinh sống, tín ngưỡng tôn giáo đa dạng nên luôn được tỉnh này quan tâm, ưu tiên trong chính sách đầu tư và phát triển.


img

Tại Nghệ An việc phát triển kinh tế các huyện phía Tây luôn gắn với việc phát triển nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc địa phương.

Cửa ngõ thông thương với Lào

Trong báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020 theo Quyết định số 2355/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Nghệ An đã xác định: Vùng miền Tây Nghệ An có nhiều tiềm năng và lợi thế cho phát triển nhanh, bền vững, như: nằm trên cửa ngõ thông thương với các tỉnh Trung và Bắc Lào; có nhiều cửa khẩu với Lào, tài nguyên thiên nhiên khá đa dạng và phong phú, có nhiều di sản văn hoá đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiếu số.

Sự vươn lên mạnh mẽ của vùng kinh tế Nam Thanh Bắc Nghệ và vùng Nam Nghệ Bắc Hà bước đầu tạo động lực và có tác động lan toả nhất định đối với vùng miền Tây Nghệ An.

Công tác dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt, khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn tiếp tục được củng cố và tăng cường. Quyết tâm không để các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc để gây chia rẽ, chống phá khối đại đoàn kết toàn dân.

Thời gian qua, các cấp ngành tỉnh Nghệ An đã chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức về mọi mặt cho đồng bào các dân tộc thiểu số về áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; kiến thức về xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo; xây dựng nếp sống văn hoá mới, giữ gìn bản sắc dân tộc, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu.

Công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm, vì vậy chất lượng cán bộ ở vùng dân tộc thiểu số được nâng cao.

Nhiều chương trình, chính sách, dự án lớn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được thực hiện có hiệu quả đã và đang làm thay đổi căn bản đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc.

Điểm nhấn hạ tầng giao thông

Những con đường đất cheo leo vào bản giờ đã được trải nhựa, phong trào làm đường bê tông nội bản cũng được bà con hưởng ứng. Đường sá thuận lợi mở mang hướng làm kinh tế thoát nghèo.

Những cung đường vào các xã Mai Sơn (Tương Dương), Keng Đu, Đoọc Mạy, Mỹ Lý, Mường Típ (Kỳ Sơn), Thông Thụ, Đồng Văn (Quế Phong)… từng là trở ngại, người dân leo núi vài ngày mới ra được trung tâm, thì nay mọi thứ đã khác. Đường nhựa đã vào đến trung tâm các xã, kể cả các xã đặc biệt khó khăn.

Từ thay đổi căn bản của hệ thống giao thông, hoạt động lưu thông, giao thương hàng hoá, thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi đã phát triển, góp phần thu hút các dự án đầu tư cho khu vực miền núi. Những trang trại chăn nuôi bò sữa, trồng cây ăn quả, cây dược liệu, cây chè nguyên liệu… đang ngày càng nhiều lên ở nơi vốn được coi là "vùng trũng" của cả nước.

Nhờ có cơ chế chính sách, giao thông được đầu tư, giao thông được đầu tư, nhiều huyện miền Tây đã xây dựng các đề án phát triển du lịch dịch vụ, nhất là các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng như: Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông.

img

Bộ mặt bản làng ở vùng núi phía Tây Nghệ An thay đổi từng ngày. (Ảnh: BNA)

Hàng nghìn tỷ đồng đầu tư

Thống kê của Sở Kế hoạch & Đầu tư Nghệ An, giai đoạn 2013-2019, chương trình 135 đã đầu tư 1.145 tỷ đồng, ngoài ra trên địa bàn còn được hưởng các chính sách: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo về đất ở, nước sinh hoạt, Chính sách ĐCĐC cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 2085/QĐ-TTg, chính sách phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới theo Quyết định 160/QĐ-TTg, Chính sách Hỗ trợ trực tiếp cho người dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định 102/QĐ-TTg, Chính sách với người có uy tín theo Quyết định 18/QĐ-TTg, Nghị quyết 30a, Dự án bảo tồn và phát triển hộ tộc người Ơ Đu, Chính sách bảo tồn phát triển văn hóa các dân tộc theo quyết định 84/QĐ-UBND...

Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, đặc biệt là quản lý hoạt động của đạo Tin lành trên địa bàn được triển khai có hiệu quả hơn. Nhận thức các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo trong hệ thống chính trị và nhân dân được nâng lên; đồng bào theo đạo sinh hoạt tôn giáo theo pháp luật và chăm lo xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”.

img

Người dân bản Pủng, xã Yên Thắng, huyện Tương Dương áp dụng công nghệ vào mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học.

Ông Hà Trọng Đạt - Phó trưởng Phòng doanh nghiệp kinh tế tập thể và tư nhân, Sở KH&ĐT Nghệ An thông tin: Quan điểm của tỉnh Nghệ An luôn rõ ràng và nhất quán. Tỉnh luôn xác định phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh, coi đây là 4 trụ cột phát triển vùng miền Tây Nghệ An.

Tỉnh cũng luôn chú trọng phát huy cao độ nội lực của miền Tây Nghệ An bằng việc ưu tiên đầu tư phát triển và có chính sách đặc thù khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia. Tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về tài nguyên khoáng sản, đất đai; Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao phát triển sản xuất; Chủ động và tăng cường mối quan hệ hợp tác, liên kết với các địa phương.

Cùng đó, phát huy yếu tố con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; có chính sách thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao; có cơ chế khuyến khích phát triển giáo dục, đào tạo, nhất là đội ngũ công chức, đội ngũ doanh nhân và người lao động; Chăm lo sức khỏe, đảm bảo mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh; giữ gìn và phát các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số...

img

Tỷ trọng phát triển ngành du lịch ở các huyện miền Tây Nghệ An đang tăng nhanh.

Ít đi những hộ nghèo, bà con đoàn kết cùng phát triển

Sau 7 năm thực hiện Quyết định số 2355/QĐ-TTg, đến nay miền Tây Nghệ An đã có được một diện mạo, vai trò, vị thế mới đối với tỉnh Nghệ An. Quy mô và tiềm lực kinh tế có bước phát triển khá. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2013-2019 trên địa bàn miền Tây Nghệ An đạt 7,3 % (trong đó: Giai đoạn 2016 - 2019 tăng 6,8 %, giai đoạn 2016 - 2020 là 10-11% cao hơn mức chung của tỉnh từ 2 -3 %).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp (công nghiệp xây dựng tăng 9,4%; nông nghiệp tăng 5,8%; dịch vụ tăng 7,3%); tốc độ tăng thu bình quân giai đoạn 2013 - 2019 đạt 20% (trong đó, giai đoạn 2016 - 2019 tăng bình quân 19,7%).

Tổng thu ngân sách hàng năm trên địa bàn các huyện miền Tây chiếm khoảng 10 - 12% so với tổng thu ngân sách trên địa bàn toàn tỉnh.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số được nâng lên; tỷ lệ giảm nghèo đạt mức 3,2%/năm; khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống của nhân dân vùng miền Tây Nghệ An so với bình quân chung cả tỉnh từng bước được thu hẹp.

Quản lý về hoạt động dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt, khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn tiếp tục được củng cố và tăng cường; tình trạng di cư tự do (vào các tỉnh Tây Nguyên và sang nước bạn Lào) dần được khắc phục. Tệ nạn xã hội và tội phạm ma túy trên địa bàn từng bước được ngăn chặn, giảm thiểu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.