Xã hội

Nghệ An: Thuỷ điện xả lũ đúng quy trình, sao vùng cửa biển cũng ngập?

08/12/2022, 21:56

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ, có nhiều nguyên nhân khiến nhiều địa bàn trong tỉnh ngập sâu trong mưa lũ vừa qua.

Chiều ngày 8/12, HĐND tỉnh Nghệ An đã diễn ra phiên chất vấn, trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ngay mở đầu, cả nghị trường đã “nóng” khi rất nhiều đại biểu đã đặt ra nhiều câu hỏi chất vấn về công tác phòng ngừa, khắc phục hậu quả do thiên tai, đặc biệt là ảnh hưởng của lũ lụt và công tác quản lý, vận hành các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện trong mùa mưa lũ.

img

Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An Thái Thanh Quý cho rằng việc xả lũ, thông tin tuyên truyền cảnh báo ở hạ du ảnh hưởng của hồ thuỷ lợi, thuỷ điện còn khoảng trống.

Các đại biểu đã đặt nhiều dấu hỏi về sự minh bạch của hoạt động xã lũ của các nhà máy thuỷ điện trên địa bàn. Đặc biệt là việc thông báo thời gian xả lũ đã đúng với quy định, phù hợp với hoàn cảnh chưa.

Theo các đại biểu, trước kia mưa lớn thường xảy ra ngập lụt ở những vùng thấp trũng, xa sông, xa biển. Thế nhưng, những năm gần đây, mưa lớn lại xảy ra ngập lụt ở những vùng gần sông, gần biển, nhất là các địa phương đồng bằng, kể cả TP Vinh.

Báo cáo giải trình các nội dung đại biểu chất vấn, ông Nguyễn Văn Đệ - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Nghệ An hiện có 1.061 hồ chứa thủy lợi và 22 hồ thủy điện. Trong số đó, có 7 công ty quản lý 101 hồ đập, còn lại 960 hồ đập được giao cho xã quản lý.

Đến nay, hầu hết các hồ chứa thủy lợi chưa có thiết bị đo đạc, quan trắc, cảnh báo an toàn đập và xây dựng bản đồ ngập lụt; có 687 hồ chưa được nâng cấp, sửa chữa.

Giải thích việc ngập lụt vùng hạ du xảy ra trên diện rộng ngày càng nhiều, Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An cho biết có nhiều nguyên nhân, thứ nhất là do tình hình thời tiết ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, cực đoan. Vẫn còn tình trạng người dân xây dựng các công trình lấn chiếm hành lang tiêu thoát lũ, thu hẹp dòng chảy.

img

Ngập sâu ở Quỳnh Lưu, Nghệ An trong đợt mưa lũ cuối tháng 9 vừa qua.

Về việc vận hành của 22 hồ chứa thuỷ điện đang hoạt động tại Nghệ An, ông Đệ cho rằng, các thuỷ điện đều tuân thủ quy trình đã phê duyệt và thông báo cho người dân tối thiểu trước 4 giờ. Các dữ liệu này được kết nối trực tuyến hằng ngày với bộ, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão của tỉnh để theo dõi, giám sát.

Về việc vận hành của các hồ chứa thuỷ điện, ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công thương tỉnh Nghệ An cho biết thêm: Qua kiểm tra, 22 hồ thuỷ điện đều thực hiện đúng quy trình đã được phê duyệt.

Nghệ An có 22 nhà máy thuỷ điện đang hoạt động thì có 20 nhà máy được tỉnh phê duyệt quy trình vận hành điều tiết ngày đêm. Như vậy, nước vào từng nào thì sẽ ra từng đó nên không có tác dụng tích lũ, xả lũ.

Còn lại 2 nhà máy Hủa Na và Bản Vẽ là do Bộ Công thương phê duyệt quy trình vận hành tích lũ, xả lũ năm. Với thuỷ điện Hủa Na thì chủ yếu đổ ra Thanh Hoá, không ảnh hưởng đến Nghệ An. Còn với thuỷ điện Bản Vẽ năm 2022, không xin lệnh xả lũ, không thực hiện xả lũ nên không có tác dụng tích lũ, xả lũ.

Kết luận phần chất vấn, ông Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nhấn mạnh: Nghệ An là tỉnh có hồ thủy lợi, thủy điện lớn nhất nước (chiếm khoảng 15,3% cả nước). Cộng với việc nằm ở vị trí chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, nhất là bão lũ.

Từ đầu năm 2022 đến nay đã có 1 đợt rét, 9 đợt nóng, 23 đợt mưa đá, sét, mưa lớn cục bộ và 5 đợt mưa diện rộng. Thời tiết cực đoan đã làm 11 người thiệt mạng, 1 người bị thương, 98 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 915 ngôi nhà bị tốc mái, sạt lở, hư hỏng ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống; nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, thiệt hại. Riêng đợt mưa lũ tháng 10 vừa qua đã gây thiệt hại lên đến 1.000 tỷ đồng.

img

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ có nhiều nguyên nhân khiến Nghệ An ngập sâu diện rộng trong các đợt mưa lũ vừa qua

Theo ông Quý, việc quản lý vận hành hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện được các cấp ngành và cử tri rất quan tâm, lo lắng.

Thời gian tới, người đứng đầu tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ngành cần quan tâm các vấn đề: Số lượng hồ đập xuống cấp, cần đầu tư nâng cấp, sửa chữa còn tương đối nhiều, nguy cơ rất cao về an toàn. Cần quan tâm giải quyết từng bước một để đảm bảo tài sản, tính mạng cho người dân.

Thiếu thiết bị quan trắc dự báo hiện đại nên không theo dõi, giám sát và dự báo thông minh. Quy trình vận hành xả lũ phê duyệt đó nhưng chủ hồ có thực hiện không thì ta có giám sát được. Từ đó mới có chuyện là tích đến lúc không tích được nữa mới xả.

Một số bộ phận cán bộ ở địa phương chưa làm hết trách nhiệm, dẫn đến có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra. Bão số 4 không vào Nghệ An, chỉ mưa lũ mà có 8 người chết. Đó là do cán bộ cơ sở tuyên truyền chưa sâu sát, nên dân bất cẩn.

Việc xả lũ, thông tin tuyên truyền cảnh báo ở hạ du ảnh hưởng của hồ thuỷ lợi, thuỷ điện còn khoảng trống. Đúng là có thông báo trước 4 giờ trước khi xả lũ, nhưng thông báo lúc 2h sáng thì người dân sao biết được mà chuẩn bị.

Cuối cùng, kinh phí kinh phí đầu tư, nâng cấp các công trình phục vụ công tác khắc phục hạn chế thiệt hại của mưa lũ, nhất là công trình thiết yếu, cấp bách còn thiếu, thực hiện nhiều quy trình, quy định…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.