Vận tải

Nghe cơ trưởng kỳ cựu kể chuyện “chinh phục” siêu tàu bay Airbus A350

09/05/2019, 10:07

Đoàn phó Đoàn bay 919 - Nguyễn Đăng Quang, cơ trưởng A350 là một trong những phi công đầu tiên được cử đi huấn luyện chuyển loại A350 tại Pháp.

img
Đoàn phó Đoàn bay 919, cơ trưởng Airbus A350 Nguyễn Đăng Quang

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Đoàn bay 919 (1/5/1959 - 1/5/2019), anh đã chia sẻ cảm xúc đặc biệt khi Đoàn bay làm chủ công nghệ hiện đại, khai thác thành công dòng máy bay hiện đại nhất thế giới - Airbus A350.

Điện thoại thông minh có iPhone, máy bay thông minh có Airbus A350

Cơ trưởng Nguyễn Đăng Quang làm phi công cho Vietnam Airlines từ năm 1996. Airbus A330. Trước khi được chọn sang học chuyển loại Airbus A350, anh đã là giáo viên bay, Đoàn phó Đoàn Bay 919, chuyên chinh phục dòng máy bay Airbus.

Năm 2015, Vietnam Airlines cùng lúc tiếp nhận và đưa vào khai thác hai dòng máy bay hiện đại nhất thế giới là Airbus A350 và Boeing 787. Tôi là một trong những phi công đầu tiên được cử đi huấn luyện chuyển loại Airbus A350 tại Pháp.

Vietnam Airlines là hãng thứ 2 trên thế giới tiếp nhận máy bay Airbus A350, trước đó mới có hãng đầu tiên là Qatar Airways. Vậy mà hãng đã tiếp nhận cùng lúc hai dòng máy bay mới hiện đại nhất lúc bấy giờ là Airbus A350-900 và Boeing 787-9 và chuyển loại rất nhanh, sau đó khai thác tốt.

Lúc đó, Airbus A350 còn mới quá, một số sân bay của Nhật, Australia còn chưa thể tiếp thu vì hạ tầng khai thác chưa đáp ứng đủ các yêu cầu kỹ thuật. Mãi đến năm 2018, các hãng khác mới khai thác dòng máy bay này và các sân bay lớn trên thế giới mới có thể tiếp nhận đủ.

Airbus A350 là dòng máy bay hiện đại, áp dụng nhiều công nghệ mới như radar 3 chiều, hệ thống điện mới, hệ thống thủy lực công suất vượt trội… cùng với đó là hệ thống thông tin và kết nối thông tin hiện đại, giao diện điều khiển dễ sử dụng. Có thể ví chiếc máy bay A350 với một chiếc điện thoại iPhone đời mới vậy, iPhone luôn có những tính năng tiện dụng cho người sử dụng, nhưng muốn sử dụng hiệu quả tất cả các tính năng của chiếc iPhone đó, chúng ta cũng phải học cách sử dụng một thời gian.

Do có nhiều tính năng hiện đại nên Airbus A350 được các phi công và người trong ngành gọi là “iPlane” (máy bay thông minh). Một trong những tính năng mới là loại bỏ tài liệu giấy, tất cả đều được chuyển thành phiên bản điện tử. Trước đây, phi công phải bay với một cặp tài liệu kỹ thuật dày cộp và cồng kềnh, giờ tất cả chỉ cần nhấp chuột. Hệ thống tự động giám sát và cảnh báo được cập nhật liên tục, có gì bất thường sẽ lập tức báo động bằng âm thanh và tin nhắn, cùng phương thức xử lý trên một trong 6 màn hình LCD 15 inch. Ví dụ hỏng hệ thống thủy lực liên quan đến tính năng máy bay, màn hình sẽ hiển thị cho phi công cự ly đường băng tối thiểu để hạ cánh an toàn cho tình huống đó, giúp nhanh chóng ra quyết định chọn sân bay hạ cánh.

Máy bay còn có khả năng tự tránh va chạm trên không và lọc radar. Nôm na hệ thống này như chụp cắt lớp vậy, nó giúp phi công “quét mây” ở các độ cao khác nhau và lựa chọn mực bay có thời tiết thuận lợi nhất.

Hệ thống thông tin của Airbus A350 được tự động hóa hết sức hiện đại. Sau khi hạ cánh, các dữ liệu của máy bay và chuyến bay đều được truyền ngay về trung tâm. Ban An toàn Chất lượng của Tổng công ty sẽ đưa dữ liệu này vào phần mềm để phân tích, nếu có gì bất thường, đặc biệt là dấu hiệu ảnh hưởng đến an toàn bay sẽ gọi phi công lên nhắc nhở ngay.

Nhờ hệ thống điều khiển thông minh và những trang bị, tính năng hỗ trợ tổ bay mà phi công lái Airbus A350 sẽ dễ dàng, thuận tiện hơn các dòng máy bay đời dưới.

Giáo viên bay “made in Việt Nam” tự truyền nghề

Việc tiếp nhận một dòng máy bay mới không chỉ cần nỗ lực của mình Đoàn bay 918, mà còn từ rất nhiều bộ phận khác như kỹ thuật, thợ máy, đội ngũ phục vụ, chất xếp hàng hóa, cân bằng tải trọng… Riêng về phía Đoàn bay, để chuẩn bị cho quá trình tiếp nhận máy bay, chúng tôi đã có nhiều việc phải làm. Đầu tiên là nghiên cứu các tính năng của máy bay xem có yêu cầu gì để nhà sản xuất chỉnh sửa, cải tiến. Sau đó là tiếp nhận tài liệu kỹ thuật mẫu từ phía nhà sản xuất, nghiên cứu xem đã phù hợp với phi công chưa và có cần chỉnh sửa gì không. Sau đó là lên kế hoạch nguồn lực tổ bay, xây dựng bộ khung của đội bay, xây dựng tài liệu đào tạo rồi tiến hành lựa chọn phi công để đưa đi đào tạo.

img
Cơ trưởng Nguyễn Đăng Quang cho rằng, ngành hàng không Việt Nam đã hoàn toàn bắt kịp với công nghệ mới nhất trên thế giới

Để sử dụng được Airbus A350, phi công phải am hiểu công nghệ, và phải học. Học về công nghệ mới không dễ, vì thực tế không phải tất cả người đi học đều tốt nghiệp được. Chúng tôi, những phi công trong tổ đi chuyển loại đầu tiên do đều là giáo viên bay nên sau khi học xong đều trở thành người hướng dẫn cho các anh em học sau.

Mấy tuần đầu còn có giáo viên của Airbus hướng dẫn, sau đó hoàn toàn chúng tôi hướng dẫn cho anh em. Lúc đó áp lực khai thác rất lớn, dẫn đến áp lực phải đẩy nhanh tốc độ huấn luyện. Chúng tôi chỉ hoàn toàn thở phào sau khi chỉ trong 1 tháng đã tiến hành huấn luyện xong cho 8 tổ bay, trước khi hai chiếc Airbus A350 đầu tiên được nhận về.

Bước vào huấn luyện, anh em phi công cũng có đôi chút bỡ ngỡ vì máy bay mới có một số tính năng, công nghệ, phương thức khai thác mới. Ví dụ trước đây điều kiển máy bay bằng cơ, dần tiến lên nửa cơ nửa tự động, nay chuyển sang tự động hoàn toàn.

Nhưng chỉ là những bỡ ngỡ thoáng qua, vì với phi công, việc chuyển loại máy bay là rất thường xuyên. Nhưng việc tiếp thu phụ thuộc vào khả năng của mỗi người, nên cũng có người đỗ, người trượt.

Do sức ép về thời gian nên tổ đi huấn luyện chuyển loại đầu tiên của chúng tôi chỉ bay được 4 bài bay cơ bản là kết thúc huấn luyện rồi. Đến các tổ sau, do có chúng tôi là giáo viên phụ đạo nên số lượng bài bay huấn luyện tiêu chuẩn mới tăng lên 5-6 bài. Số lượng chặng bay thực tế của anh em phi công học sau nhờ đó cũng tăng lên được 12-20 chặng.

Rất may buồng lái mô phỏng (SIM) đã rèn luyện cho phi công đầy đủ các kỹ năng cần thiết để vận hành máy bay thế hệ mới, ai mắc sai lầm, đều phải làm lại cho đến khi thành thạo mới thôi. Do đó, phi công đều thành thục các biện pháp xử lý tình huống, xử lý hỏng hóc, nên khi chuyển sang bay huấn luyện thật đều đạt kết quả tốt. Không chỉ từ kết quả huấn luyện mà trong việc khai thác thực tế sau này, phi công của Vietnam Airlines đều luôn đảm bảo an toàn tuyệt đối.

img
Lễ đón nhận chiếc máy bay Airbus A350-900 đầu tiên của Vietnam Airlines vào năm 2015

Tôi cảm thấy tự hào nhất là việc chính các giáo viên Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển loại cho đội bay Airbus A350. Trong số phi công chuyển loại cũng có nhiều phi công nước ngoài, trước đó đang lái Airbus A321, với rất nhiều quốc tịch khác nhau, từ Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, Anh, Séc… Chính chúng tôi là người trực tiếp đào tạo chuyển loại, sau đó phát triển nguồn giáo viên từ các anh em phi công của mình. Huấn luyện phi công quốc tế có cái thuận lợi là họ chuyên nghiệp và tiếp thu nhanh, nhưng với anh em phi công Việt Nam, cũng có cái thuận tiện là những gì anh em chưa hiểu, mình giải thích bằng tiếng Việt thì anh em dễ hiểu ngay. Sau khi Vietnam Airlines đưa vào khai thác thành công máy bay Airbus A350, hãng Taipei Airline cũng đã sang học hỏi kinh nghiệm để khai thác.

Tôi còn nhớ có vị khách người Pháp đi thăm TP Hồ Chí Minh, khi nghe tin Vietnam Airlines sử dụng Airbus A350 bay đường bay Hà Nội về Pháp đã mua vé từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội rồi bay về Pháp để được bay thử dòng máy bay mới. Nhiều chuyến bay khác, có những hành khách mê máy bay đã xin được chụp ảnh với tổ bay hay chụp ảnh máy bay mới từ dưới chân cầu thang khiến phi công chúng tôi cũng cảm thấy vui lây và hết sức tự hào.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.