Đường sắt

Nghề gác chắn rủi ro cao, lương quá thấp

02/11/2022, 06:30

Mức lương thấp nhưng bất kể nắng mưa, ngày hè oi bức hay đêm đông gió rét, nhân viên gác chắn phải trực 24/24h, đối mặt với nhiều rủi ro.

Áp lực, rủi ro cao

Chị Nguyễn Thị Minh là một trong hai nữ nhân viên gác chắn tại Km 1698+993 tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) được tuyên dương năm 2019 vì đã dũng cảm, quên mình lao vào kịp thời cứu một bà cụ bà ra khỏi đường ray, vừa lúc đoàn tàu lao qua. Cả ba người thoát chết trong gang tấc.

Chia sẻ với Báo Giao thông, chị Minh cho biết, đó không phải là lần đầu chị và các đồng nghiệp cứu người, có điều đây là lần hình ảnh ghi lại từ camera đưa lên truyền thông nên mọi người biết đến.

img

Nhân viên gác chắn Nguyễn Thị Minh (trái, ảnh nhỏ) và Đỗ Thị Lan cứu bà cụ khỏi tàu đâm, thoát chết năm 2019

Theo chị Minh, các đường ngang tại khu vực nội đô TP Biên Hòa có lưu lượng phương tiện đường bộ qua lại rất đông đúc, trong khi mật độ tàu cao. Ban ngày trung bình 11 - 15 đoàn tàu qua chắn, ban đêm 15 - 20 đoàn tàu, thành ra thời gian 1 ban 12 giờ, nhân viên gác chắn phải tác nghiệp liên tục...

Ban đêm, nhiều trường hợp nhân viên đã đóng chắn, không ít người say xỉn điều khiển phương tiện đâm đổ dàn chắn, cần chắn, người ngã vào khu vực đường ngang trong khi tàu đang lao tới. Chị và đồng nghiệp lập tức chạy tới đưa người ra khỏi khu vực nguy hiểm, thoát chết trong tích tắc.

Có trường hợp, đưa được người ra nhưng không kịp đưa dàn chắn nặng ra khỏi đường ray, chị lại chạy hết tốc lực về phía đoàn tàu đang lao tới, vừa chạy vừa làm tín hiệu dừng tàu. Vì thế, lái tàu đã dừng tàu kịp thời.

“17 năm trong nghề, nhiều trường hợp như vậy rồi nên tôi không nhớ hết. Chỉ nhớ gần đây nhất, năm 2021 có trường hợp hy hữu, khi đó chuông đèn cảnh báo tàu đến đã bật, nhưng chưa đến thời gian đóng chắn thì có ô tô chạy đến đường ngang, tài xế nhìn đèn đỏ tưởng đèn tín hiệu ở ngã tư, cho xe quẹo phải gấp, mắc trên đường sắt. Tôi phải chạy về phía đoàn tàu đang lao tới để làm tín hiệu dừng tàu...”, chị Minh kể.

Vất vả đêm hôm, mưa nắng nhưng lương còn thấp. Như chị 17 năm làm nghề, bậc 4/5, thu nhập thực lĩnh năm 2021 trung bình gần 8 triệu đồng/tháng, nhưng những năm trước chỉ gần 6 triệu đồng.

Anh em gác chắn trẻ thì lương còn thấp nữa. Để tăng thu nhập, có người làm tăng ca, có người chạy thêm Grab, buôn bán online... Nhưng chị thì do sức khỏe yếu, không làm thêm được, chỉ trông chờ vào thu nhập gác chắn.

Nhưng áp lực nhất vẫn là phải đảm bảo an toàn mọi mặt, chỉ một phút giây lơ là, nếu xảy ra tai nạn thì nguy cơ phải chịu án phạt tù rất cao.

Chị tâm sự, như chồng chị, sơ sẩy khi thực hiện nhiệm vụ gác chắn cầu Ghềnh đã dẫn đến vụ tai nạn tàu đâm ô tô trên cầu năm 2011, khiến 2 người thiệt mạng, 26 người bị thương.

Anh và các đồng nghiệp khác đã phải thụ án tù. Khi vụ việc xảy ra, con chị mới 10 tháng tuổi. Khoảng 5 năm tiếp theo chị vừa đi làm, vừa chăm con, vừa thăm nuôi, động viên chồng.

“Nghề chọn mình, làm lâu càng gắn bó, mình lại yêu nghề hơn”, chị nói và chia sẻ thêm, giờ tuy cuộc sống vẫn khó khăn nhưng anh đã chấp hành xong án phạt, về với gia đình vợ con, cũng đã có nghề ổn định nên cũng đỡ vất vả hơn.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Kim Dung, nhân viên chắn đường ngang Kim Liên A (nút giao với đường Đại Cồ Việt, TP Hà Nội) chỉ tay vào dàn chắn gãy nát, hậu quả vụ tai nạn bất ngờ xảy ra lúc hơn 2h00 ngày 25/10 vừa qua, kể: “Khi đó toàn bộ đội hình đã ra đường ngang, đóng chắn đón tàu hàng, bất ngờ một xe ô tô tải lao như tên bắn đúng lúc tàu hàng chạy tới, kéo giàn chắn cả đoạn dài trên đường sắt. Nếu không để ý phát hiện, tôi và đồng nghiệp rất dễ bị ô tô đâm”, chị Dung kể lại.

Chia sẻ về nghề nhọc nhằn này, chị kể, không biết bao lần chị và các đồng nghiệp phải hỗ trợ đưa người đi xe máy ngã trong khu vực đường ngang, rồi người say rượu nằm trên đường sắt vào khu vực an toàn...

“Áp lực lắm. Sơ sẩy, sai sót là có thể phải đối mặt với pháp luật. Trong khi đó, lương trung bình thực lĩnh hàng tháng chỉ 5 - 6 triệu đồng. Vì thế vừa rồi cũng nhiều anh em bỏ nghề, công ty tuyển mãi mới có thêm người”, chị Dung chia sẻ.

Khó tuyển được lao động mới vì... lương

Đại diện Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, lương của hệ tuần gác, trong đó có nhân viên gác chắn được chi trả từ nguồn kinh phí bảo trì Nhà nước đặt hàng doanh nghiệp thực hiện hàng năm (nguồn sự nghiệp kinh tế).

Toàn bộ phần lương này được trả cứng theo đơn giá được phê duyệt, tính bình quân khoảng 6,5 - 7 triệu đồng/người/tháng tùy theo khu vực.

Do đó, dù doanh thu từ duy tu, sửa chữa hạ tầng cao hơn, doanh nghiệp cũng không thể điều sang hỗ trợ thu nhập cho nhân viên tuần đường, gác chắn vì họ không thực hiện sản phẩm liên quan.

Ông Lê Đình Hà, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Sài Gòn cho hay, nếu như các tỉnh đơn giá tiền lương bình quân được phê duyệt là 6 - 6,5 triệu đồng/tháng thì khu vực Sài Gòn hệ số được nâng lên 1,05, tức là tăng thêm 5%, tương đương 300.000 - 325.0000 đồng.

Ông Hà cho biết, thời gian qua, nhân viên gác chắn bỏ việc nhiều, tuyển mới rất khó. Đơn vị đã tuyển lao động tại các khu vực nông thôn, cho đi đào tạo nhưng họ làm một thời gian ngắn, thấy lương thấp, công việc áp lực nên bỏ việc.

Hiện công ty có 262 lao động gác chắn, chỉ đủ nhu cầu đội hình làm việc, khi có người nghỉ theo chế độ như nghỉ phép... thì sẽ thiếu lao động.

Ông Cao Tiến Hùng, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Nghệ Tĩnh cho biết, để tăng thêm thu nhập cho lực lượng này, công ty phải tự điều tiết, hỗ trợ, nâng thu nhập bình quân năm từ 7,5 triệu đồng/người/tháng trở lên.

“Công ty phải giao thêm một số việc ngoài nhiệm vụ chính, từ đó có cơ sở để trả công. Hiện công ty có hơn 120 nhân viên gác đường ngang, đủ để bố trí đội hình ban kíp, thay nghỉ. Về lâu dài, nếu không được tăng lương người lao động sẽ khó ở lại ngành”, ông Hùng nói.

Kiến nghị nâng mức đơn giá tiền lương

Đại diện Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, để nâng thu nhập cho nhân viên gác chắn nói riêng, hệ tuần gác như tuần cầu, tuần đường, tuần hầm nói chung... các doanh nghiệp bảo trì cầu đường đường sắt phải tự xoay xở.

Tuy nhiên, vì tách bạch các nguồn chi lương nên dù các doanh nghiệp vận dụng các giải pháp thì phần thu nhập tăng thêm này cũng không đáng kể, trung bình chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng, có doanh nghiệp chỉ tăng thêm được vài trăm nghìn đồng.

Mặt khác, tiền lương theo đơn giá được duyệt này chỉ chi trả cho công đi làm, tức 26 công/người/tháng, không tính lương nghỉ phép, nghỉ lễ. Khi có người nghỉ phép, phải bố trí người khác thay, doanh nghiệp trả tiền công theo đơn giá đó, còn lương nghỉ phép thì doanh nghiệp tự cân đối.

“Nếu tính đủ theo các quy định hiện hành thì đơn giá tiền lương cho nhân viên gác gác chắn phải hơn 8 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, hiện mới được duyệt khoảng 6,5 - 7 triệu đồng, như vậy vẫn còn “đất” để nâng lương cho lực lượng này.

Hơn nữa, lương thực lĩnh hàng tháng sẽ thấp hơn vì người lao động còn phải nộp bảo hiểm các loại, công đoàn phí...

Chúng tôi đã kiến nghị cấp có thẩm quyền duyệt vốn sự nghiệp kinh tế hàng năm cho bảo trì đường sắt tăng cao hơn. Như hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu định mức kinh tế - kĩ thuật”, vị đại diện Tổng công ty Đường sắt VN nói.

Theo đại diện Tổng công ty Đường sắt VN, toàn ngành có khoảng 3.200 nhân viên gác chắn. Năm 2021, thu nhập bình quân nhân viên gác chắn, đơn vị trả thấp nhất khoảng 7,5 triệu đồng/người/tháng, đơn vị trả cao nhất khoảng 9,5 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Có được mức thu nhập như vậy là do các đơn vị tham gia các công trình cải tạo, nâng cấp, sửa chữa đường sắt như dự án 7.000 tỷ nâng cấp đường sắt Bắc - Nam... nên có nguồn thu để tăng cho người lao động. Nếu không, người lao động chỉ trông chờ vào lương theo hợp đồng đặt hàng bảo trì.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.