Hạ tầng

Nghe muỗi... "hát" khi xây cầu Cái Lớn, Cái Bé

01/04/2014, 07:28

Xét về quy mô, cầu Cái Lớn, Cái Bé không phải là công trình lớn nhưng điều kiện thi công lại vô cùng khó khăn, thậm chí ban đầu lán trại, nước sạch cũng chẳng có.

Công trình cầu Cái Lớn, Cái Bé vượt tiến độ 4 tháng
Công trình cầu Cái Lớn, Cái Bé vượt tiến độ 4 tháng

Tắm nước sông xây cầu


Ngày khởi công xây dựng cầu Cái Lớn, Cái Bé (14/5/2011), tất cả các đại biểu đều phải đi phà để ra nơi tổ chức. Điều này như một sự báo trước về điều kiện thi công khó khăn mà những cán bộ, kỹ sư công nhân trên công trường phải đối mặt. Anh Đào Trọng Nam - Phó giám đốc Công ty CP Cầu 12 (Cienco 1), nhà thầu phụ thi công cầu Cái Lớn, Cái Bé kể: Những ngày đầu mới về công trường, do chưa có mặt bằng xây dựng lán trại nên từ cán bộ đến công nhân đều phải ở nhờ nhà của dân. 
 

"Nhiều ngày sau khi cầu Cái Lớn, Cái Bé hoàn thành, đưa vào sử dụng, chúng tôi đi đâu cũng được người dân chào đón và chiêu đãi nồng nhiệt bằng các sản vật quanh vùng. Nhà nào có gà thì làm gà, vịt thì làm vịt, không thì đủ loại hoa quả, vui không tả hết”.

 

Anh Khuất Quang Huy 

Chỉ huy trưởng thi công cầu Cái Lớn

Điều ám ảnh và khó vượt qua nhất đối với anh em khi mới xuống đây là muỗi. Đến giờ khi nhắc lại câu chuyện về muỗi ở vùng Miệt Thứ, anh Khuất Quang Huy - Chỉ huy trưởng thi công cầu Cái Lớn vẫn còn sởn gai ốc: “Không biết muỗi đâu ra mà lắm thế. Đã từng nghe nhà thơ Lã Thế Phong miêu tả muỗi ở vùng Miệt Thứ bằng câu thơ: “Đêm nghe muỗi hát ru câu tự tình”, tưởng chỉ có trong thơ ca thôi, chứ không ngờ khiếp vậy. Buổi chiều anh em phải đi tắm sớm, tối đến ăn cơm, xem tivi cũng phải ngồi trong màn chứ chẳng dám đi ra ngoài vì sợ muỗi” - anh Huy kể.

Không những muỗi, điều kiện ăn ở, sinh hoạt cũng khó khăn đủ bề. Đến nước tắm cũng không có nước giếng sạch, toàn phải tắm nước sông. Ai không biết bơi thì lấy thùng phi cho nước vào đợi lắng bùn rồi xối nước tắm. 


Chỉ đến khi mặt bằng đã được phát quang, bơm cát làm bãi xây dựng lán trại thì muỗi mới đỡ hơn. Công ty CP Cầu 12 cũng trang bị cho mỗi đội thi công một máy lọc nước đảm bảo sức khỏe cho anh em cán bộ, kỹ sư công nhân trên công trường. Vượt qua mọi khó khăn, anh em động viên nhau bắt tay ngay vào công việc, huy động thiết bị máy móc thi công. Chỉ hai tháng sau khi Thủ tướng phát lệnh khởi công, nhà thầu đã đổ mẻ bê tông đầu tiên thi công cọc khoan nhồi của trụ P6 cầu Cái Bé.

Vừa đúc vừa lao dầm


Nhận thấy tính cấp thiết hoàn thành sớm cầu Cái Lớn, Cái Bé để bà con không phải lụy phà, ngay sau Tết Nguyên đán năm 2013, tại buổi lễ phát động ra quân đầu năm bên bờ A2 của cầu Cái Bé, cả chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu đều quyết tâm đẩy nhanh tiến độ rút ngắn thời gian thi công, hoàn thành cầu Cái Lớn, Cái Bé trước Tết 2014. Ông Ngô Thịnh Đức lúc đó là Thứ trưởng Bộ GTVT còn chỉ đạo: “Tết 2014 mà không xong thì tất cả phải ăn Tết ở công trường”.

 
Anh Đào Trọng Nam cho biết, khi nghe Thứ trưởng chỉ đạo như thế, ai cũng cảm thấy áp lực và gánh nặng trên vai. Nhưng cũng từ đó, tất cả mọi người đều đặt cho mình một mục tiêu chung để nỗ lực, phấn đấu, thi công ngày đêm đưa công trình về đích đúng hạn. 


Cũng theo anh Nam, xác định đây là công trình trọng điểm, Công ty CP Cầu 12 đã chỉ đạo và thực hiện một loạt các biện pháp đẩy nhanh tiến độ. Trước tiên là lập lại tiến độ thi công, trên cơ sở đó huy động bổ sung thêm máy móc, thiết bị, vật tư, nhân lực tăng ca, tăng giờ làm việc. Không những vậy, đơn vị cũng đưa ra các tiêu chí thi đua khen thưởng kịp thời cho các tập thể và cá nhân có thành tích và nỗ lực thi công trên công trường. Những hạng mục nào hoàn thành đảm bảo, anh em đều được phát thưởng ngay, tạo ra một không khí thi đua lao động, sáng tạo rất sôi nổi trên công trường. 


Ngoài việc ngày đêm “bám” công trường, các đơn vị thi công còn nghiên cứu điều chỉnh biện pháp thi công khoa học hơn, hợp lý hơn, vừa tiết kiệm kinh phí, vừa tăng năng suất lao động. Chẳng hạn, trên công trường, các đội thi công đã sử dụng bãi đúc dầm Super T ngay tại hiện trường, đúc được phiến nào lao luôn phiến đó, xong được nhịp nào thi công mặt cầu luôn nhịp đó. Hay việc cải tiến tận dụng đà giáo cột chống thay cho đà giáo theo phương pháp cũ thi công khối K0-P3, P4, P5, P6 rút ngắn đáng kể thời gian thi công và tiết kiệm chi phí.

Khó khăn vượt ngoài dự tính


Khi toàn bộ phần cầu chính đã xong xuôi, chỉ còn chờ thảm mặt cầu thì anh em lại đối mặt với khó khăn vượt ngoài dự tính là … không có nhựa đường. Chuyện tưởng như khó tin bởi nhựa đường hiện nay không thiếu. Nhưng trong Hiệp định vay vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc lại có điều khoản chỉ được sử dụng vật liệu của Việt Nam hoặc Hàn Quốc chứ không được sử dụng sản phẩm của nước thứ ba. Trong khi đó, nhựa đường trong nước chưa sản xuất được, nhựa đường Hàn Quốc theo đánh giá của tư vấn giám sát không phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu Việt Nam. 


Trước thực tế khó khăn đó, ông Dương Tuấn Minh - Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và QLDA hạ tầng giao thông Cửu Long cho biết, chủ đầu tư phải báo cáo với lãnh đạo Bộ GTVT làm việc gấp với nhà tài trợ và có sự điều chỉnh kịp thời. Sau nhiều cuộc họp, nhiều ý kiến trái chiều, cuối cùng nhà tài trợ cũng đồng ý cho phép sử dụng nhựa đường nhập từ Singapore phù hợp nhất nhằm đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, tính đặc thù của khí hậu Việt Nam. Điều này gần như chưa có tiền lệ, khi phải sửa cả Hiệp định để thay đổi vật liệu xây cầu. Tuy nhiên, qua đây cũng cho thấy, nếu có lý lẽ và cơ sở khoa học đúng thì hoàn toàn có thể thuyết phục được các nhà tài trợ thay đổi các quy định tưởng như không thể thay đổi trước đó.


Giải tỏa được khó khăn về nhựa đường, cầu Cái Lớn, Cái Bé được các đơn vị thi công với tiến độ thần tốc băng băng về đích, đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán 2014 trước sự thán phục và niềm vui vô bờ của bà con vùng Miệt Thứ, Kiên Giang. 


Hôm khánh thành cầu Cái Lớn, Cái Bé, bà Trần Thị Vía ở ấp An, Thành, xã Bình An, huyện Châu Thành không giấu được niềm vui. Nhà bà ở ngay chân cầu Cái Lớn nên bà nắm tiến độ công trình từng ngày. Hôm nào không nghe thấy tiếng máy móc thi công là bà lại hỏi mấy anh kỹ sư. Năm nay đã ngoài 60 tuổi, bà bảo không bao giờ dám mơ đến một ngày ấp cù lao của bà có cây cầu nối với đất liền, ấy vậy mà giờ lại có cây cầu bề thế như vậy. Khi Nhà nước triển khai xây cầu, gia đình có 7 công đất trồng khóm, bà Vía  dành tới 4 công để nhà thầu san lấp dựng lán trại cho công nhân ở. “Mình không có của thì góp công. Biết đâu nhờ cầu mới mà con cháu mình học hành đến nơi đến chốn, rồi thành những cán bộ, kỹ sư sau này xây nhiều cây cầu khác cho dân mình bớt khổ” - bà Vía cười khà rồi nhìn ra cây cầu lớn với niềm vui trào dâng trong lòng.
 

Cầu Cái Lớn, Cái Bé là hai cầu lớn nhất thuộc gói thầu đoạn Minh Lương - Thứ Bảy Dự án đường hành lang ven biển phía Nam đoạn qua tỉnh Kiên Giang do Tổng công ty Đầu tư phát triển và QLDA hạ tầng giao thông Cửu Long làm chủ đầu tư. Cầu Cái Lớn dài 718m, rộng 12m. Kết cấu chính gồm: 5 nhịp dầm SuperT và 4 nhịp dầm liên tục đúc hẫng 120m cân bằng. Cầu Cái Bé dài 519m, rộng 12m. Kết cấu chính gồm: 6 nhịp dầm SuperT và 2 nhịp dầm liên tục đúc hẫng 120m cân bằng. Công trình được khởi công ngày 14/5/2011 và hoàn thành ngày 22/1/2014, vượt tiến độ 4 tháng so với hợp đồng.


Phan Tư - Đỗ Loan
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.