Văn hóa - Giải Trí

Nghệ sĩ xiếc không dám đăng ký bản quyền do đâu?

09/07/2018, 08:31

Thủ tục đăng ký bản quyền xiếc theo các quy định hiện nay cực kỳ đơn giản.

xiec

Hiện nay, các tiết mục xiếc rất khó để đăng ký bản quyền

Do truyền nghề nên khó

Xiếc thuộc loại hình sân khấu được phép đăng ký bản quyền tác giả theo Điều 14, Luật Sở hữu trí tuệ. Thế nhưng, theo rà soát của Cục Bản quyền tác giả, tính đến ngày 4/7/2018, ở Việt Nam chưa có bất kỳ tiết mục xiếc nào được cá nhân hay tổ chức đứng ra làm hồ sơ đăng ký xác lập bản quyền.

Lý giải về thực trạng này, ông Vũ Ngoạn Hợp, nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, hiện nay các tiết mục xiếc rất khó để đăng ký bản quyền, chỉ những vở diễn xiếc và trích đoạn có nội dung hoặc chủ đề thì có thể đăng ký bản quyền. Bởi không ai dám đứng ra khẳng định mình là người đầu tiên sáng tạo và nghĩ ra các động tác kỹ thuật. Gần như tất cả các động tác kỹ thuật được sử dụng trong xiếc hiện nay đã được thế giới quốc tế hóa. Người nghệ sĩ, đạo diễn và huấn luyện viên chỉ căn cứ trên khả năng của từng nghệ sĩ, diễn viên để sắp xếp, huấn luyện cho hài hòa từ âm nhạc, ánh sáng, trang phục và đạo cụ, rồi dạy cho diễn viên “cái hồn” biểu diễn. Ngay đến tiết mục của anh em Quốc Cơ - Quốc Nghiệp đã giành được nhiều thành tích tại Thế giới, nhưng các tiết mục ấy đều do truyền nghề mà có, nên để nói đăng ký bản quyền cho tiết mục là điều không thể.

25

Một tiết mục xiếc tại Cuộc thi Tài năng xiếc trẻ ở 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia năm 2015

Tuy nhiên, theo NSƯT Trịnh Mạnh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, việc sáng tạo tiết mục, đào tạo theo kiểu nghề truyền nghề là cách làm trước đây. Khi đó, nghệ sĩ sáng tạo tiết mục, tập luyện, biểu diễn, sau đó truyền lại toàn bộ cho học trò. Hiện nay, do sự phát triển của xã hội, nhu cầu của khán giả ngày càng cao, xiếc đã có sự thay đổi cho phù hợp bằng việc ra đời các loại hình mới như vở diễn, trích đoạn và vở kịch xiếc.

Để phân biệt “tiết mục xiếc” với “trích đoạn”, “vở diễn”, “vở kịch xiếc”, NSƯT Trịnh Mạnh Hùng cho biết, “tiết mục xiếc” là tổ hợp các động tác đơn thuần được lắp ghép với nhau cùng với âm thanh, ánh sáng làm mãn nhãn người xem. Còn “trích đoạn”, “vở diễn”, “vở kịch xiếc” được bao hàm yếu tố nội dung. Trong nội dung mang triết lý, tính thời đại hoặc phản ánh một thực trạng xã hội nào đó. Nó có kịch bản như các loại hình sân khấu khác. Do đó, việc đăng ký bản quyền đối với các loại hình xiếc mới này là rất đơn giản. Thế nhưng, nghệ sĩ thường e ngại thủ tục hành chính rắc rối, lo sợ phần chi phí phải bỏ ra cho việc đăng ký bản quyền xiếc quá lớn sẽ ảnh hưởng đến đời sống vốn đã khó khăn của họ.

Mất bò mới lo làm chuồng

Gần đây, dư luận và người trong nghề xôn xao khi NSƯT Lê Thể - thuộc nghệ sĩ thế hệ đầu của ngành xiếc Việt Nam gửi đơn lên Bộ VH, TT&DL khiếu nại Tiến sĩ Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam lấy tiết mục Tạo hình trên xà đơn và Tạo hình trên đu do ông sáng tạo và dàn dựng đổi tên thành Những thiên thần đen và Cánh chim Việt để tham dự Cuộc thi Liên hoan xiếc quốc tế tổ chức tại Huế năm 2016.

Vụ tranh chấp này cũng khiến nhiều người trong nghề giật mình. Bởi lẽ, lâu nay, từ các nghệ sĩ cống hiến lâu năm nhất cho đến các nghệ sĩ trẻ, ít ai thực sự quan tâm đúng mức đến việc thực hiện đăng ký bản quyền cho các kịch mục xiếc của mình, tránh được sự xâm phạm từ các cá nhân, tổ chức khác. Đồng thời, trao cho chủ sở hữu những phần thưởng xứng đáng với giá trị sáng tạo đó.

Chứng kiến những vấn đề nảy sinh trong tranh chấp bản quyền mới đây, NSND Tạ Duy Ánh đã đến Cục Bản quyền tác giả đăng ký bản quyền cho kịch bản xiếc Sông Trăng. Đây là tiết mục do ông viết kịch bản và chỉ đạo nghệ thuật, đã ra mắt từ năm 2016. Mới đây, ông chính thức có quyết định công nhận bản quyền kịch bản cho tiết mục này. Có thể nói, đây là vở kịch xiếc đầu tiên của Liên đoàn Xiếc được đăng ký và đăng ký thành công.

Nghệ sĩ Tạ Duy Ánh nhấn mạnh, sự rành mạch, rõ ràng về bản quyền xiếc là xu hướng tất yếu và là việc làm cần thiết trong bối cảnh xiếc Việt Nam đang hội nhập với xiếc quốc tế. Nó vừa góp phần bảo vệ thành quả lao động cho chính các nghệ sĩ, vừa là biện pháp để tránh những rắc rối đáng tiếc do nảy sinh tranh cãi về bản quyền sau này. Trong thời gian tới, Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ lên kế hoạch triển khai đăng ký bản quyền một cách bài bản hơn cho các kịch mục xiếc của đơn vị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.