Văn hóa - Giải Trí

Nghệ sỹ Phạm Bằng: Người đi để lại tiếng cười nhân gian

02/11/2016, 09:00
image

Chúng tôi thường gọi ông là “bố Bằng”, nghe vừa gần gũi, vừa thân thương.

unnamed
Nghệ sĩ Phạm Bằng

Hơn 80 tuổi nhưng tâm thế làm việc như thanh niên

“Chúng tôi thường gọi ông là “bố Bằng”, nghe vừa gần gũi, vừa thân thương. Ở tuổi ngoài 80, “bố Bằng” vẫn tham gia phim hài với tâm thế người làm nghệ thuật không ngừng nghỉ”, nghệ sĩ Xuân Bắc rưng rưng kể lại những chuyện cũ của mình với người nghệ sĩ vừa rời cõi tạm. Anh cho hay, khi anh về công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam thì “bố Bằng” đã nghỉ hưu, chỉ khi tham gia Gặp nhau cuối tuần Xuân Bắc mới có dịp đóng chung với ông. Là một trong số những người cuối cùng thuộc thế hệ nghệ sĩ gạo cội Trịnh Mai, Trịnh Thịnh, Văn Hiệp... trải qua thời kỳ chiến tranh, bao cấp, “bố Bằng” cho đến tuổi được quyền nghỉ ngơi nhưng vẫn trân trọng nghề và làm việc bền bỉ. “Trong những ngày cuối đời của nghệ sĩ Phạm Bằng, chúng tôi qua thăm, bố rất tỉnh táo, lạc quan. Tôi còn bảo: Bây giờ bố phải ăn đi, con cháu lo cho bố, chứ không phải bố lo cho con cháu nữa. Bố còn bảo: Ờ! Bố biết rồi”, Xuân Bắc ngậm ngùi kể.

Bà Dung, người giúp việc cùng xóm nhớ lại lại: “Ông ấy là người tình cảm, rất quý mến hàng xóm láng giềng. Tôi tuy là người làm ở đây nhưng tôi coi ông như bố mình. Tôi thương lắm. Khi biết tin ông đi, tôi đã khóc. Ông sống giản dị, tình cảm”, người đàn bà mắt đỏ hoe khi nhắc đến ông cụ hàng xóm tốt bụng ngày nào vẫn còn xuất hiện trên tivi.

unnamed
NSƯT Phạm Bằng trong vở hài “Chôn nhời”

Nghệ sĩ Phạm Bằng còn được các đồng nghiệp trẻ tuổi cảm phục là một người rất nghiêm túc trong công việc và biết tạo cảm hứng cho bạn diễn. Ông là người gần gũi, chỉn chu, nhiệt tình với vai diễn. Dù ở tuổi này, nhiều người nhớ nhớ, quên quên nhưng ông học thoại không thua gì người trẻ, học nhanh và nhớ lâu. NSƯT Minh Hằng nhớ lại khi người viết nhắc đến tiểu phẩm Chát xình, chát chát, bùm, serie hài Tết nổi tiếng một thời mà chị diễn chung với người vừa khuất.

“Tôi có lần hỏi đổng tại sao hơn 80 tuổi rồi, chú không ở nhà cho con cháu chăm sóc, lặn lội nơi rừng sâu núi thẳm để đến những nơi mà người dân nói tiếng Kinh còn chưa sõi vì gì nhỉ? Tiền ư? Thích đi phượt ư?... thì ông giải thích đơn giản chỉ là vì khán giả”, nghệ sĩ Giang Còi nhớ lại và cho biết, Phạm Bằng là một người rất yêu nghề. Dù tuổi cao nhưng ông luôn giữ tác phong làm việc chuyên nghiệp, chỉn chu đến từng chi tiết. Cách làm việc của ông khiến mọi người phải nhìn lại mình và học tập theo. Sự ra đi của nghệ sĩ Phạm Bằng là một mất mát lớn cho ngành sân khấu và điện ảnh vì bác vẫn còn sức để cống hiến.

Người chồng thủy chung

Trong chương trình Gặp nhau cuối tuần, nghệ sĩ Phạm Bằng đã hóa thân thành những “sếp to”, “sếp nhỏ” cặp với những cô bồ Vân Dung, Thu Hương (Hương Tươi), Kim Oanh, Minh Hằng… Các mối quan hệ trong những vở hài của nghệ sĩ xoay quanh chuyện ghen tuông, nhõng nhẽo của mấy cô vợ trẻ hay chuyện hối lộ, nịnh bợ nơi công sở giữa nhân viên với giám đốc.

Dù trên màn ảnh trăng hoa thế nào thì ngoài đời Phạm Bằng là người chồng rất chung thủy. Người bạn đời ra đi cách đây gần 20 năm và cũng ngần đó năm nghệ sĩ Phạm Bằng sống trong cô quạnh. Vui với đời nghệ sĩ, dốc hết tâm sức cho nghiệp diễn, có lẽ một phần cũng để quên đi những cô đơn trong cuộc sống thực tại và khỏa lấp những trống trải trong đời tư.

Lúc sinh thời, trong câu chuyện của ông luôn có hình ảnh người vợ đã quá cố của mình. “Tôi có thể khẳng định bác Phạm Bằng là người đàn ông chuẩn mực nhất trong giới nghệ thuật. Bác là một người chung thủy, rất trân trọng người bạn đời. Vợ mất sớm, bác ở vậy và vui với nghệ thuật đến cuối đời. Một mẫu người cho tất cả thế hệ chúng tôi coi như một tấm gương. Một người nghệ sĩ giấu mọi thăng trầm trong góc khuất để đem tiếng cười, sự vui tươi đến khán giả…”, nghệ sĩ Quang Tèo hồi tưởng.

Rời xa cõi tạm, nghệ sĩ Phạm Bằng trở về với tiên tổ, với những đồng nghiệp đã từng thân thiết ở thế giới bên kia, để lại tiếng cười sảng khoái, bi hài cho hậu thế.

NSƯT Phạm Bằng sinh năm 1931 tại Hà Nội, ông được xem là nghệ sĩ đa năng khi vừa đóng kịch, đóng phim vừa diễn hài. Ông từng đoạt hai Huy chương Vàng trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc với vai Lý Trưởng trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt và vai Thương trong Mớ đời Thương. Và ông còn nổi tiếng ở những tiểu phẩm Gặp nhau cuối tuần với những vai diễn hài gần gũi.

20h tối 31/10, ông đã qua đời tại bệnh viện vì căn bệnh ung thư. Gia đình đã đưa ông đi chữa bệnh, phẫu thuật hai lần ở Singapore, bệnh tình đã tiến triển nhưng vì tuổi cao, sức yếu nên cuối cùng ông cũng không qua khỏi.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.