Xã hội

Nghèo thì có thể du di, cho học sinh đi xe mất an toàn?

“Cứ nói ở quê, rồi nghèo, rồi mắt nhắm mắt mở cho các xe cũ nát chở các cháu đến trường...".

Liên tiếp các tai nạn đau lòng khi xe chở học sinh gặp sự cố mà cụ thể là vụ việc một bé gái rơi xuống khỏi xe tử vong tại Sơn La vừa qua khiến dư luận không thể không lên tiếng về tình trạng chính quyền địa phương buông lỏng quản lý.

Đường dây nóng của Báo Giao thông nhận nhiều phản ánh của độc giả gửi về đề nghị phải truy trách nhiệm các cơ quan chức năng tại địa phương đã không kiểm soát hoặc ngăn chặn tình trạng dùng xe cũ nát, không đảm bảo an toàn kỹ thuật đưa đón học sinh.

img

Toàn cảnh hiện trường vụ xe đưa đón học sinh 16 chỗ bị rơi cánh cửa làm 2 nữ sinh ở Sơn La thương vong.

Bạn đọc Hòa An (Thanh Hóa) viết: “Tài xế ô tô chở học sinh 4 năm liền mà không hề có giấy phép lái xe, vậy ai là người quản lý dịch vụ này ở địa phương? Nhà trường, Sở GTVT, CSGT hay chính quyền sở tại? Trách nhiệm thì truy vòng quanh, chỉ người chết là thiệt”.

Bạn đọc Minh Đào (Cẩm Xuyên, Phú Thọ) cho biết: “Ở quê tôi các bậc phụ huynh mừng như bắt được vàng khi có một gia đình mua xe làm dịch vụ đưa đón học sinh. Có 350 nghìn đồng/tháng, ngày 4 lần đưa đi đón về từ nhà đến trường quãng đường hơn 1km.

Bố mẹ yên tâm không lo con đạp xe gặp tai nạn, cũng không mất thời gian đưa đón hàng ngày. Xe chở các cháu cũ tý cũng được, chẳng mấy ai quan tâm. Ai dè, một hôm công an thông báo xe không đảm bảo, cấm gia đình này kinh doanh chở học sinh.

Từ đó đến nay, chưa có nhà nào làm dịch vụ này. Nghe nói, nếu mua xe mới, đủ tiêu chuẩn thì mỗi tháng phải thu một cháu 600 nghìn đồng. Như thế, lại chả mấy nhà có điều kiện”.

Bạn đọc Nam Lanh (Hải Dương) thì kịch liệt phản đối quan điểm trên: “Cứ nói ở quê, rồi nghèo, rồi mắt nhắm mắt mở cho các xe cũ nát chở các cháu đến trường.

Tai nạn xảy ra, mất con, mất cháu có đổ cho đói nghèo được đâu. Giá mà có chính sách hỗ trợ cho những ai làm nghề đưa đón trẻ.

Một dạo dấy lên chuyện trợ giá cho buýt học sinh ở thành phố nhưng rồi cũng trôi qua. Mà đó là ở các thành phố lớn, ở quê càng cần trợ giá hơn. Để con trẻ tự đạp xe trên quốc lộ đến trường lo lắm mà không có cách gì khác được”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.