Góc nhìn

Nghi án IS đứng sau thảm sát tại Tunisia

20/03/2015, 13:04

Hôm qua (19/3), Chính phủ Tunisia ráo riết truy lùng ba nghi phạm có liên quan tới vụ tấn công khủng bố.

112
Khách du lịch được giải cứu từ bảo tàng Bardo

Thủ phạm người Hồi giáo

Vụ tấn công xảy ra vào ngày 18/3 và tính đến chiều tối qua (19/3), số người thiệt mạng đã là 23 (chủ yếu là du khách các nước: Colombia, Pháp, Italia, Nhật, Ba Lan, Tây Ban Nha và một cảnh sát Tunisia). Ngoài ra, 20 khách du lịch nước ngoài, hai người dân Tunisia bị thương. Tuy nhiên, kênh truyền hình Aljazeera (Qatar) cho biết, số người bị thương lên tới 40 người. Thủ tướng Tunisia Habib Essid cho biết, hai kẻ tấn công mặc đồng phục quân đội bị lực lượng an ninh Tunisia bắn chết, ba nghi phạm khác vẫn còn lẩn trốn. Tuy nhiên, có 9 người liên quan đến vụ tấn công khủng bố đã bị cảnh sát bắt giữ.

Một số nhận định ban đầu cho rằng, bọn khủng bố âm mưu tấn công tòa nhà Quốc hội nhưng không thành vì an ninh chặt chẽ, nên chuyển hướng sang tấn công viện bảo tàng - địa điểm du lịch nổi tiếng ngay gần đó. Đang trong giữa cuộc họp, các nghị sĩ nghe thấy tiếng súng. Họ nằm rạp xuống sàn nhà khi nổ ra đấu súng giữa cảnh sát và những kẻ tấn công. Nghị sĩ Mehrezia Labidi nói: “Khách du lịch hoảng loạn, chạy tứ phía. Chúng tôi mở cửa để họ chạy vào trong Tòa nhà Quốc hội ẩn nấp”.

Đến nay, chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Nội vụ Tunisia - Ali Aroui cho biết, những kẻ tấn công là người Hồi giáo và nhiều khả năng là người Tunisia, ngoài ra không xác nhận gì thêm. Hôm qua, hãng tin AFP dẫn lời Thủ tướng Tunisia Habib Essid nêu đích danh Yassine Abidi và Hatem Khachnaoui là hai tay súng đứng sau vụ tấn công.

Du lịch đóng góp một phần quan trọng trong nền kinh tế Tunisia, với hàng triệu người nước ngoài tới thăm đất nước này mỗi năm. Do đó, cuộc tấn công ngay giữa điểm du lịch nổi tiếng khả năng sẽ gây tác động xấu tới ngành Du lịch. Thủ tướng Tunisia Essid chỉ trích: “Đây là cuộc tấn công hèn hạ nhằm vào nền kinh tế Tunisia. Chúng ta cần đoàn kết để bảo vệ đất nước”. Anh Mohammed Ali Troudi, tài xế taxi làm việc tại Thủ đô Tunis lo ngại bọn khủng bố cố tình đuổi khách du lịch nhằm làm tổn hại tới nền kinh tế. “Chúng đánh vào nguồn sống của chúng tôi”, anh Troudi nói.

Màn ra mắt của IS

Hiện động cơ của các đối tượng khủng bố đang được điều tra làm rõ; song mọi nghi ngờ về tổ chức đứng sau vụ này vẫn đang dồn vào tổ chức IS. Các chuyên gia phân tích cho biết: Tại Tunisia, những người trẻ Hồi giáo thường có tư tưởng quá khích, họ không có nghề nghiệp và đang có xu hướng gia tăng.

Trước đó vài ngày, một chiến binh thánh chiến tự nhận thuộc tổ chức khủng bố Jund al-Khilafah tại Tunisia, thề sẽ trung thành với Abu Bakr al-Baghdadi - lãnh đạo Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Bên cạnh đó, sau khi vụ tấn công xảy ra, những kẻ ủng hộ IS tung hô công khai trên mạng xã hội. Phóng viên CNN phụ trách vấn đề khủng bố Paul Cruickshank cho rằng: “Những nghi vấn trên cho thấy cuộc tấn công tại bảo tàng có thể là một màn “ra mắt” của IS tại Tunisia”. Tuy nhiên, giới chức Tunisia không loại bỏ các khả năng khác.

Tổng thống Tunisia Beij Caid Essebsi thề sẽ chiến đấu chống khủng bố tới “hơi thở cuối cùng”. “Tôi muốn người Tunisia hiểu rằng, chúng ta đang trong cuộc chiến chống khủng bố, những kẻ thiểu số man rợ đó không thể nào đe dọa chúng ta” - ông Essebsi nói trong khi đến thăm các nạn nhân bị thương tại một bệnh viện.

Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và nhiều nhà lãnh đạo các nước có công dân thiệt mạng trong vụ tấn công chỉ trích mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố và đánh giá cao giới chức Tunisia đã phản ứng nhanh chóng khôi phục tình hình.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố và gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết: Mỹ kịch liệt lên án vụ tấn công đẫm máu và sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực đảm bảo an ninh của Tunisia.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.