Điều tra

Nghi vấn trục lợi từ khai thác “đất hiếm” trái phép tại Bắc Giang?

04/01/2020, 13:24
image

​​​​​​​Thời gian gần đây đã xuất hiện các đối tượng lạ mặt về thôn Trại Cá, xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang khai thác “đất hiếm”.

img
Hiện trường khai thác tại thôn Trại Cá, xã Tân Quang.

Theo phản ánh của người dân xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho thấy, nhiều tháng nay, tại thôn Trại Cá, xã Tân Quang xuất hiện điểm khai thác khoáng sản trái phép, hoạt động rầm rộ.

Theo đó, cả quả đồi cao, rộng trong thôn đã bị các đối tượng lạ mặt san hạ, khoét thành lòng ao để lấy khoáng sản có màu xanh lam trong vùng lõi. Sau đó, loại “đất hiếm”, chưa từng ghi nhận trên địa bàn này được tập kết, đóng gói, vận chuyển đến các địa phương khác tiêu thụ.

Clip hiện trường điểm khai thác khoáng sản trái phép tại thôn Trại Cá, xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn.

“Hàng ngày, các máy múc, ô tô hoạt động rầm rộ, một lượng lớn đất xanh đã được vận chuyển đi nơi khác bán. Thực tế khoáng sản trên là gì thì người dân ở đây đều không hay biết; tất cả chỉ gọi là "đất hiếm" vì chưa từng được ghi nhận trên địa bàn. Trong lõi quả đồi này vẫn còn hàng chục nghìn m3 loại đất này. Quá trình những người trên khai thác, vận chuyển đều có mùi hắc, khó chịu nên chẳng mấy khi người dân đến gần”, ông N.V.T, một người dân địa phương cho biết.

Cũng theo ông N.V.T thì nhiều lần ông có nghe những người ở đây nói chuyện, đàm phán hợp đồng với nhau, loại đất trên có giá hơn 1.000.000 đồng/m3? Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các cơ sở sản xuất đồ gốm sứ cao cấp trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

img
Các máy múc công suất lớn được huy động, khai thác tại hiện trường.

Nhằm kiểm chứng, có thêm thông tin về loại khoáng sản trên, chúng tôi đã tìm đến thôn Trại Cá “mục sở thị” điểm khai thác này. Theo quan sát, vị trí khai thác nằm tại khu vực đồi cao trong thôn; hiện trường cho thấy đã có hàng nghìn m3 đất, đá được khai thác, vận chuyển đi nơi khác để lộ ra vùng đất màu xanh đen trong lòng núi đang tiếp tục được các máy múc cỡ lớn xúc ngoạm, chất lên thùng xe tải, vận chuyển ra khỏi hiện trường.

Những người giới thiệu là lái máy, quản lý ở đây cho biết, họ đang hạ thấp độ cao núi để xây dựng ao chứa nước cho người dân trong vùng. Quá trình thi công đã ghi nhận lượng lớn cao lanh đen nên được khai thác, vận chuyển về TP Bắc Giang bán cho các cơ sở sản xuất phân bón với giá 150.000 đồng/tấn. Việc làm trên là tự phát, chưa được trình báo, xin phép các cơ quan có thẩm quyền...

img
Một số lán trại "dã chiến" được lập ngay tại hiện trường phục vụ việc trông coi, chỉ đạo khai thác khoáng sản.

Đem những thông tin ghi nhận được trên phản ánh đến các ông Nguyễn Việt Oanh, Bí thư Huyện ủy; Lê Bá Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn được biết, Huyện ủy và UBND huyện Lục Ngạn chưa nắm được thông tin điểm khai thác khoáng sản trên. Các đơn vị sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định.

Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.