Quản lý

Nghị định 10 và 100 được xây dựng, triển khai quyết liệt, công tâm

01/07/2020, 09:03

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình biểu dương Bộ GTVT xây dựng hai Nghị định 100 và Nghị định 10 một cách quyết liệt và công tâm.

img
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc hội nghị

Nghị định 100 và Nghị định 10 là điểm sáng chỉ đạo của Chính phủ

Phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến ATGT 6 tháng đầu năm với các địa phương diễn ra sáng 1/7, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình nhấn mạnh: 6 tháng đầu năm cả nước chung tay phòng chống dịch bệnh, thực hiện giãn cách xã hội, nhất là trong tháng 3 và tháng 4 nên mật độ giao thông không cao.

6 tháng đầu năm cũng là thời điểm triển khai Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt và Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải nên ATGT có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông được nâng cao. Bên cạnh đó, việc kiểm soát chặt chẽ của lực lượng CSGT, kiên quyết xử lý vi phạm kết hợp với tuyên truyền, nên vi phạm nồng độ cồn đã giảm mạnh, mức xử phạt đã đủ sức răn đe.

Có được kết quả trên, Phó Thủ tướng biểu dương Bộ GTVT đã chủ trì phối hợp với Bộ Công an xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định 100 và Nghị định 10 một cách quyết liệt và công tâm.

"Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ATGT có chuyển biến tốt. Việc triển khai thực hiện 2 Nghị định là điểm sáng trong chỉ đạo của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, ATGT vẫn còn diễn biến phức tạp, còn nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người gây lo lắng cho nhân dân, khiến chúng ta chưa thể yên tâm. Điển hình như vụ TNGT tại Đắc Lắk ngày 13/6 và Quảng Ninh này 17/6. Ngoài ra, vi phạm tải trọng vẫn diễn ra ở nhiều nơi, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chưa được giải quyết và có xu hướng gia tăng.

Trước thực trạng đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các đại biểu cần đánh giá đúng thực trạng, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp thiết thực, khả thi nhằm tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông thời gian tới.

img
Vi phạm nồng độ cồn 6 tháng đầu năm đã giảm mạnh - Ảnh minh họa

Giảm gần 600 người chết vì tai nạn giao thông

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, 6 tháng đầu năm giảm sâu nhất trong nhiều năm qua cả về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ (mức độ giảm số người chết vì TNGT sâu nhất trong nhiều năm trở lại đây với mức giảm gần 15%). Năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp cao điểm Lễ, Tết.

Cụ thể: 6 tháng đầu năm (tính từ ngày 15/12/2019 đến 14/6/2020), toàn quốc xảy ra gần 6.800 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết trên 3.200 người, bị thương gần 5.000 người. So với cùng kỳ, số vụ TNGT giảm gần 1.600 vụ, số người chết giảm 568 người, số người bị thương giảm trên 1.400 người.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, vẫn còn 14 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2019, trong đó 8 tỉnh tăng trên 15% là: Đăk Nông, Ninh Thuận, Hòa Bình, Bạc Liêu, Kon Tum, Bến Tre, Phú Yên, An Giang. TNGT giảm sâu nhưng tai nạn do xe tải nặng, ô tô đầu kéo, xe chở container tăng đột biến so với cùng kỳ. Điển hình vụ xe tải chở quá tải trọng va chạm liên hoàn gây TNGT tại Đăk Nông ngày 13/6 làm 5 người chết. Xe đầu kéo chở container đựng vật liệu xây dựng vi phạm quy định gây TNGT tại Quảng Ninh ngày 18/6 làm 3 người chết.

"TNGT do phương tiện dân sinh, phương tiện đánh bắt hải sản hoạt động trên tuyến luồng đường thủy nội địa, hàng hải lại tăng cao, còn xảy ra một số vụ đặc biệt nghiêm trọng đường thủy. Điển hình như tại Quảng Nam xảy ra 2 vụ làm chết 11 người; vẫn còn 8 tỉnh có số người chết tăng trên 15%; lĩnh vực hàng không có 2 sự cố nghiêm trọng", ông Hùng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.