Vận tải

Theo Nghị định 10: Grab đăng ký kinh doanh vận tải, không dừng hoạt động

31/03/2020, 11:24

Grab sẽ tiến hành xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho dịch vụ GrabCar theo quy định tại Nghị định 10.

img
Grab sẽ xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Nghị định 10 - Ảnh minh họa

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Grab cho biết đang phối hợp với Bộ GTVT và các sở GTVT để tuân thủ nghiêm túc Nghị định 10 có hiệu lực vào ngày mai (1/4/2020).

Theo đó, Grab sẽ tiến hành xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho dịch vụ GrabCar theo quy định tại Nghị định 10 để có thể tiếp tục phục vụ khách hàng và hợp tác với các đối tác tài xế mà không có bất kỳ sự gián đoạn nào.

Ngoài ra, Grab vẫn đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị vận tải nhằm đảm bảo tất cả đối tác tài xế tuân thủ các quy định liên quan tại Nghị định 10.

"Việc xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Nghị định 10 không tạo ra sự gián đoạn nào với dịch vụ gọi xe công nghệ cũng như hoạt động vận hành của Grab. Grab vẫn tiếp tục mô hình là nền tảng công nghệ cung cấp đa dịch vụ. Hành khách vẫn có thể tiếp tục sử dụng các dịch vụ trên ứng dụng Grab như trước đây. Đối tác tài xế vẫn là thành viên của các đơn vị vận tải và sử dụng ô tô để cung cấp các dịch vụ vận tải hành khách bằng hình thức xe hợp đồng điện tử thông qua ứng dụng Grab", đại diện Grab cho biết.

Đại diện Grab cũng đánh giá, Nghị định 10 tạo hành lang pháp lý chính thức để các nền tảng gọi xe công nghệ có thể hoạt động toàn quốc (ngoài 5 tỉnh, thành phố theo đề án thí điểm thuộc Quyết định 24). Đây là một bước tiến lớn để người dân có thể sử dụng các dịch vụ gọi xe công nghệ an toàn và thuận tiện. Hàng triệu đối tác tài xế, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, sẽ được tạo điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua ứng dụng gọi xe. Bên cạnh đó, các đơn vị vận tải trên cả nước có thể hợp tác cùng các nền tảng gọi xe công nghệ để có thể quản lý tài xế và phương tiện một cách hiệu quả.

"Nghị định số 10/2020 thay thế Nghị định số 86/2014, có hiệu lực kể từ ngày 1/4/2010. Việc ban hành Nghị định này thể hiện quan điểm nhất quán của Chính phủ đối với việc ủng hộ ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực GTVT - một xu hướng tất yếu của xã hội, với định hướng xây dựng nền kinh tế số và thúc đẩy cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0", đại diện Grab đánh giá.

Trước đó, Bộ GTVT đã ban hành quyết định dừng kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (theo Quyết định 24/2016) kể từ ngày 1/4/2020 để thực hiện theo quy định tại Nghị định 10/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, trước đây thị trường kinh doanh vận tải xuất hiện loại hình xe kết nối vận tải hành khách thông qua phần mềm ứng dụng nên Bộ GTVT đã có quyết định 24 cho phép thí điểm.

Sau thời gian thí điểm, đã có hành lang pháp lý mới là Nghị định 10/2020 thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải có hiệu lực thi hành từ 1/4/2020. Vì vậy, việc dừng thí điểm là để thực hiện theo quy định mới là Nghị định 10. Các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với đơn vị mình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.