Showbiz

Nghị định 38: “Bóp nghẹt” hầu bao của báo điện tử

28/05/2021, 17:02

Quy định về xử lý vi phạm quảng cáo trên báo điện tử trong Nghị định 38 có những điểm được đánh giá thiếu thực tế, lỗi thời.

img

Thực trạng báo chí hiện nay đã thay đổi, nhưng một số điểm trong Nghị định 38 không thay đổi so với Nghị định 158 và Luật Quảng Cáo ban hành từ năm 2013

Quảng cáo chỉ được hiển thị 1,5 giây

Nghị định 38/2021/ NĐ - CP của Chính phủ ban hành ngày 29/3/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6. Tuy nhiên, một số nội dung của Nghị định này được phản ánh gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước khi cạnh tranh với các nền tảng xuyên biên giới.

Trong đó, tại Khoản 2, điều 38, Mục 2, Chương III của Nghị định có 2 quy định xử phạt “Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây” và “Thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào nội dung tin bài”. Điều này được cho là rào cản đối với các doanh nghiệp quảng cáo và các cơ quan báo chí.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho biết, Nghị định 38 thực chất không khác gì Nghị định 158, cũng không khác gì Luật Quảng cáo được ban hành từ năm 2013.

Đáng nói, Luật Quảng cáo được soạn thảo từ năm 2012, đó là thời điểm mạng internet chưa quá phát triển, quảng cáo trên mạng ở các nền tảng như YouTube, Google, Facebook rất ít. Do đó, các doanh nghiệp chủ yếu đặt quảng cáo trên báo in, truyền hình của Việt Nam.

Báo chí Việt Nam khi đó cũng là cơ quan ngôn luận tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước. Mô hình báo chí theo cơ chế thị trường mới chớm nở nên các nhà soạn luật đưa ra luật quảng cáo chỉ được phát dưới 1,5 giây để bảo vệ bạn đọc. Và vì quảng cáo khi đó chủ yếu trên báo in, truyền hình nên quy định này không gây ảnh hưởng nhiều. Thêm nữa, ở Nghị định 158 ban hành năm 2013 không đưa ra chế tài cụ thể đối với các quy định trên.

Nhưng tình hình hiện tại đã có sự thay đổi. Các nền tảng mạng xã hội lớn như Google, Facebook, YouTube phát triển ảnh hưởng tới môi trường báo chí, trong đó có hoạt động quảng cáo. 80% doanh thu quảng cáo hiện nay rơi vào Google, Facebook. Trong khi đó, những nền tảng xuyên biên giới này không tuân thủ theo Luật Quảng cáo của Việt Nam và ở ta cũng chưa có chế tài để xử lý.

tem-quote-9-right-text-img-left

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam

“Nếu siết chặt các quy định về quảng cáo trên báo chí và trang thông tin điện tử Việt Nam như trong Nghị định 38, các nhãn hàng và cơ quan báo chí sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Chúng ta cần phải tăng doanh thu quảng cáo cho các cơ quan báo chí trong nước. Nếu chỉ cho phép quảng cáo hiển thị trong 1,5 giây sẽ không thể nào truyền tải được thông điệp gì và điều đó cũng khiến các nhãn hàng thiệt thòi”, ông Sơn phân tích.

Cũng theo ông Sơn, đối với các nền tảng nước ngoài, người xem chỉ có thể bỏ qua quảng cáo sau ít nhất 5 giây. Đây là lợi thế lớn cho các nền tảng này khi các nhãn hàng xem xét việc đặt quảng cáo.

Do đó, việc Nghị định 38 vẫn giữ nguyên quy định sẽ làm ảnh hưởng đến các cơ quan báo chí và mạng xã hội của Việt Nam, tạo ra sự mất cân đối về cạnh tranh so với các nền tảng nước ngoài. Để tạo sự công bằng với các nền tảng mạng xã hội quốc tế thì Việt Nam nên cho phép quảng cáo hiển thị tối thiểu 5 giây.

Quy định cần phù hợp với thực tế

Ngoài ra, liên quan tới quy định không được “Thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào nội dung tin bài”, Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng trước đây chỉ có báo in nên độc giả phải trả tiền mua báo để lấy thông tin. Còn hiện tại, mạng xã hội phát triển nên người đọc được xem thông tin miễn phí và với họ, đọc miễn phí là điều hiển nhiên.

Trong khi đó, các cơ quan báo chí phải bỏ tiền ra mới làm được thông tin, muốn có thông tin chất lượng phải có tiền. Nguồn thu chính của các cơ quan báo chí chính là quảng cáo. Quy định trên là góp phần “bóp nghẹt” hầu bao từ quảng cáo của các cơ quan báo chí.

“Báo chí đã cho đọc miễn phí thì độc giả phải hình thành thói quen tiếp nhận các quảng cáo xen vào bài. Các quy định cũng cần phải cơi nới, để cơ quan báo chí có được nhiều tiền hơn thông qua quảng cáo, để lấy tiền phục vụ phát triển tờ báo, làm những tác phẩm chất lượng hơn”, ông Sơn nói.

“Do Nghị định là văn bản dưới Luật, chỉ được ban hành để hướng dẫn thực hiện Luật chứ không thể thay đổi Luật được. Do đó, chúng ta cần xem xét lại để điều chỉnh Luật đã lỗi thời, để làm sao các cơ quan báo chí chủ yếu sống bằng nguồn quảng cáo có thể tồn tại được, cạnh tranh công bằng với các nền tảng xuyên quốc gia”, Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.