Thời sự

Nghỉ hưu vẫn hưởng lương cao hơn Chủ tịch Quốc hội

23/10/2014, 20:51

"Nếu được hưởng lương hưu bằng 75% của 5 năm hoặc 10 năm cuối trước khi nghỉ sẽ xảy ra trường hợp như ông Nguyễn Minh, nguyên TGĐ Công ty bia Huda hiện hưởng lương hưu 65 triệu đồng/tháng".

ĐB Trần Thanh Hải (Tp. HCM) phát biểu thảo luận chiều 23/10 - ảnh Lã Anh
ĐB Trần Thanh Hải (Tp. HCM) phát biểu thảo luận chiều 23/10 - ảnh Lã Anh

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua lần này có nhiều điểm mới như: đã bổ sung đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ 1 tháng đến dưới 3 tháng và đối tượng người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

Dự thảo Luật cũng mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo hướng không khống chế tuổi trần tham gia, có chính sách hỗ trợ tiền đóng nhằm khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Đi tù vẫn được hưởng lương hưu?

Nguyên tắc của BHXH là đóng và hưởng tương ứng với nhau. Trước khi chấp hành hình phạt tù, người lao động có trách nhiệm đóng BHXH. Trên cơ sở đó, bản thân người lao động đóng thì họ đương nhiên phải được hưởng. Họ bị phạt tù không phải do vi phạm quy định của Luật BHXH mà là căn cứ theo các điều khoản quy định khác của pháp luật.

Tôi nghĩ, dự thảo luật nên bỏ quy định tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp khi chấp hành hình phạt tù. Ban soạn thảo nên nghiên cứu cho phép những người chấp hành hình phạt tù nhưng vẫn được hưởng lương hưu, trợ cấp để cuộc sống gia đình đỡ khó khăn hơn, con cái họ được học hành, gia đình họ được chăm lo.

(Đại biểu Cù Thị Hậu, tỉnh Hưng Yên)

Quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cũng được bổ sung. Cụ thể, từ năm 2016 đối với cán bộ, công chức, viên chức và từ năm 2020 đối với các nhóm đối tượng còn lại, theo lộ trình cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.

Riêng đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên tuổi nghỉ hưu vẫn thực hiện như quy định hiện hành....

Công thức tính hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng được sửa đổi để đảm bảo cân đối giữa mức đóng góp và mức thụ hưởng, công bằng giữa các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội ở các khu vực, thành phần kinh tế khác nhau, đảm bảo bình đẳng giữa nam và nữ.

Liên quan đến phương án tính lương hưu mới, cơ quan soạn thảo dự án luật đề xuất 2 phương án: Phương án 1: điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam (theo lộ trình từ 2018 đến năm 2022). Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Phương án 2: số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên cách tính lương hưu như hiện nay. "Theo dự thảo, nam phải mất 35 năm, nữ phải 30 năm mới được hưởng tối đa 75%, trong khi bình quân hiện nay là nam 30 năm và nữ 25 năm. Ngoài ra, nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018 sẽ bị giảm 30% so với nghỉ từ 31/12/2017", ĐB Trần Thanh Hải (Tp. Hồ Chí Minh) đề nghị.

ĐB Y Khút Niê (Đắk Lắk) cũng đồng tình cho biết các cử tri trên địa bàn không nhất trí với cách tính lương hưu mới vì quy định vậy là làm giảm lương hưu một cách vô lý, làm mất sức hấp dẫn của BHXH với người lao động và giảm tính công bằng của người nghỉ hưu trước và sau 2018, nhất là sau 2022 thì chênh nhau hơn 30% mức lương hưu được hưởng. Theo cách tính mới, người lao động khó có thể đạt được mức lương hưu tối đa 75% khi nghỉ hưu đủ điều kiện.

Thậm chí, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) còn cho rằng, nếu tính lương hưu theo cách mới như trong dự thảo luật thì coi như một bước “thụt lùi” vì phải đóng BHXH nhiều hơn nhưng mức hưởng hàng tháng khi về hưu lại giảm đi.

Tuy nhiên, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, cách tính lương hưu hiện hành sẽ xuất hiện những bất cập. "Nếu được hưởng lương hưu bằng 75% của 5 năm hoặc 10 năm cuối trước khi nghỉ sẽ xảy ra trường hợp như ông Nguyễn Minh, nguyên Tổng giám đốc Công ty bia Huda hiện hưởng lương hưu 65 triệu đồng/tháng - cao hơn rất nhiều lương của Chủ tịch Quốc hội hiện nay", ông Lợi ví von.

Bình Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.