Xã hội

Nghị trường "nóng" chuyện lãng phí, đại biểu đề nghị truy rõ trách nhiệm

31/10/2022, 17:10

Đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị phải làm rõ ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại, tổn thất, lãng phí.

Chỉ đúng bệnh để kê đơn, bốc thuốc trị bệnh

Chiều 31/10, tham giao thảo luận tại phiên họp bàn về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) cho biết qua báo cáo đã cho thấy tình hình lãng phí, thất thoát các nguồn lực của đất nước về tài chính, ngân sách, tài sản công, đất đai, tài nguyên khoáng sản, thời gian lao động về nguồn lực rất lớn và nghiêm trọng.

img

Đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa)

Tuy nhiên, đại biểu Trí cho rằng, báo cáo vẫn chưa phản ánh đầy đủ bức tranh về thực trạng lãng phí, thất thoát trong xã hội của đất nước ta hiện nay.

"Ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại, tổn thất, lãng phí đó; giải pháp để xử lý tiếp theo các tồn tại đó như thế nào?", ông Trí nêu câu hỏi.

Đại biểu Trí mong muốn Quốc hội, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo làm rõ các vi phạm, thất thoát, lãng phí, trong đó cần thiết phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các phương án khắc phục, xử lý.

Đồng thời, đề nghị Đoàn giám sát Quốc hội bổ sung nội dung lãng phí chưa được đề cập trong báo cáo đó là vấn đề sách giáo khoa các cấp học phổ thông đã gây ra sự lãng phí lớn của xã hội; đổi mới chương trình giảng dạy...

"Việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật trong thực hành tiết kiệm chưa nghiêm, sự lãng phí trên nhiều lĩnh vực ngày càng nghiêm trọng hơn. Điều đó cho thấy hệ thống pháp luật, chính sách, biện pháp tổ chức thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí chưa bảo đảm tính pháp chế, tính kỷ luật, kỷ cương và chưa đạt hiệu quả", đại biểu Trí nhìn nhận và đề nghị Chính phủ cần sớm rà soát, hoàn thiện các chính sách, pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

img

Đại biểu Bế Trung Anh (đoàn Trà Vinh)

Tham gia thảo luận, đại biểu Bế Trung Anh (đoàn Trà Vinh) cho rằng: "Không chỉ đúng nguyên nhân của bệnh thì không thể kê đơn thuốc chính xác và cũng không thể trị bệnh".

Dẫn lại lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại biểu Bế Trung Anh nêu rõ giáo dục và y tế của chúng ta không thấp như chúng ta nghĩ. Các cháu sinh viên tham dự các kỳ thi luôn đạt thành tích cao trong khu vực và thế giới. Các công nhân của chúng ta thi tay nghề luôn đạt các giải đặc biệt.

Thế nhưng, năng suất lao động của chúng ta thấp, rất thấp. Các con số về năng suất lao động hàng năm cho thấy một dự báo rằng sẽ không bao giờ chúng ta đuổi kịp được các nước ở trong khu vực.

Từ dẫn chứng trên, đại biểu kiến nghị cần tìm chính xác các nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế; nên cải cách thể chế theo định hướng tăng năng suất chịu trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

img

Đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị)

Ai sẽ chịu trách nhiệm?

Tham gia thảo luận, đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) bày tỏ quan tâm đến việc trong thời gian tới việc khắc phục, sửa đổi những tồn tại hạn chế trên sẽ được thực hiện ra sao? Và đặt vấn đề tới đây, chúng ta có quyết liệt triển khai các biện pháp phù hợp để tháo gỡ các vướng mắc trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hay không?

Đối với vấn đề đất đai, đại biểu chỉ ra rằng, ở rất nhiều địa phương chứ không chỉ riêng địa phương nào còn rất nhiều dự án không đáp ứng yêu cầu; hàng loạt các lô đất vàng vẫn đang còn có những bất cập trong quản lý và sử dụng.

"Vậy tới đây sửa đổi Luật Đất đai có khắc phục được tình trạng này không? Các Bộ, ngành có phối hợp để phân tích thấu đáo và giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở lĩnh vực quản lý đất đai hay không?", đại biểu Minh đặt câu hỏi.

Đối với vấn đề đầu tư xây dựng, sử dụng quản lý các trụ sở cơ quan nhà nước, đại biểu cho rằng, có một số công trình tuy vẫn sử dụng tốt nhưng cơ quan, địa phương vẫn bỏ hoang hoặc đập bỏ để xây mới, hoặc có những trường hợp không cộng tác trong việc chuyển giao cho chính quyền địa phương.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ, ngành cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để nhìn nhận rõ những bất cập, chồng chéo, qua đó sửa đổi để đảm bảo việc sử dụng hợp lý trụ sở, chuyển giao theo đúng quy định phải thực hiện thường xuyên, liên tục, chứ không phải chỉ làm tốt sau những kỳ giám sát.

Chính phủ cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát để thấy trách nhiệm của mình trong từng ngành, lĩnh vực, để những báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong những năm sau không còn nhắc lại những tồn tại, hạn chế đã nhiều lần nhắc đến, góp phần thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm không chỉ ở khu vực công, mà cả ở khu vực tư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.