Làm báo cùng Giao thông

Nghĩ từ chuyện “ông Chủ tịch lớp 1”

17/07/2015, 15:01

Mấy hôm nay, dự thảo Điều lệ trường tiểu học do Bộ GD&ĐT đưa ra khiến dư luận xôn xao.

Mấy hôm nay, dự thảo Điều lệ trường tiểu học do Bộ GD&ĐT đưa ra khiến dư luận xôn xao. Đương nhiên các ông bố, bà mẹ không thể thờ ơ khi nghĩ đến cảnh cậu ấm ở nhà thỉnh thoảng còn tè dầm bỗng chốc có thể làm Chủ tịch. Dù chỉ là Chủ tịch hội đồng tự quản với các thành viên tham gia bỏ phiếu không quá 35 người (sĩ số học sinh một lớp theo quy định - NV).

Vấn đề là, chức danh Chủ tịch ấy, cũng theo quy định, có thể do cô giáo chỉ định hoặc do tập thể lớp bầu. Mà ở đời, cứ có bỏ phiếu ắt có cạnh tranh. Việc bầu bán có thể khiến các em thấy được dân chủ và tự tin hơn khi tham gia các hoạt động ở lớp như lý giải của ai đó. Nhưng cũng có thể khiến các em không được bầu gặp phải những cú sốc tâm lý đầu đời.

Chưa kể, việc trao "chức tước" ngay từ khi mới 6 - 7 tuổi sẽ tạo cho các bé ý thức về quyền lực trong khi chưa đủ nhận thức để hiểu hết vai trò của mình. Tôi có thể lấy ngay ví dụ ở lớp học của con mình. Ngay từ lớp 3, cô bé lớp trưởng đã có ý thức chia bè phái, những ai cô bé không thích sẽ lập tức bị cô lập. Con gái tôi đã phát khóc khi không có ai chơi cùng, chỉ vì bạn lớp trưởng “ra lệnh như thế”. Khi lớp con gái tôi áp dụng việc bỏ phiếu bầu lớp trưởng, con bé tâm sự với tôi thế này: “Con không dám không bỏ phiếu cho bạn ý, nếu làm khác đi, có thể con sẽ lại bị tẩy chay”.

Hơn nữa, việc bầu bán nếu có, ắt hẳn cũng phải dựa trên những tiêu chí nhất định kiểu như học giỏi, được bạn bè yêu mến, có sức khỏe… Mà điều này lại càng phản tác dụng ở độ tuổi của các con. Bạn bè tôi có con học tiểu học ở nước ngoài nói rằng, cô giáo không bao giờ công khai kết quả học tập của con ở lớp, lại càng không công bố bảng xếp hạng ai đứng đầu, ai đội sổ. Bởi điều đó sẽ gây sức ép lên các con, những bạn học đuối hơn sẽ có khả năng bị kỳ thị. Định kỳ họp phụ huynh, mỗi bé sẽ có một bảng kết quả học tập cho thấy có tiến bộ hay không? Mọi đánh giá về học lực cô giáo chỉ trao đổi riêng với gia đình. Tôi chắc không phải ngẫu nhiên mà nền giáo dục phương Tây chấp nhận phương thức trao đổi đó ở cấp tiểu học.

Quay lại chuyện bầu Chủ tịch Hội đồng tự quản hay bầu lớp trưởng, tôi cho rằng bản chất không nằm ở cái tên, Chủ tịch hay lớp trưởng cũng thế mà thôi. Vấn đề mà ngành Giáo dục cần nhận ra và có giải pháp đồng bộ để giải quyết là phải tạo cho học sinh một môi trường bình đẳng và văn minh ngay từ nhỏ chứ không phải là những cải cách mỗi năm mỗi “sáng kiến” như bỏ chấm điểm, bỏ thi tuyển, xét tuyển, bỏ phiếu bầu “chức danh quản lý” lớp…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.