Điều tra

Nghi vấn cố tình đốt rừng gây ra 2 vụ cháy Vườn quốc gia Hoàng Liên

22/04/2019, 15:37

Vườn Quốc gia Hoàng Liên đang phối hợp với công an huyện Sa Pa khẩn trương điều tra thông tin có đối tượng cố tình đốt rừng trên địa bàn.

img
Cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ nghi vấn có đối tượng cố tình đốt rừng ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa, Lào Cai) trong 2 ngày 19 và 20/4

Chiều 22/4, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho biết, trước thông tin, người dân địa phương phát hiện một số đối tượng cố tình đốt lửa rồi bỏ chạy trước khi các đám cháy bùng phát tại địa bàn vùng đệm của Vườn quốc gia Hoàng Liên thuộc thôn Séo Trung Hồ (xã Bản Hồ, huyện Sa Pa) vào 2 ngày 19 và 20/4, đơn vị kiểm lâm và Vườn quốc gia Hoàng Liên đã báo cáo với chính quyền xã Bản Hồ và công an huyện Sa Pa để phối hợp điều tra, làm rõ.

Trước đó, ngày 11/4, lực lượng kiểm lâm phát hiện đối tượng Vàng A Lềnh (trú tại thôn Séo Trung Hồ, xã Bản Hồ) có hành vi vận chuyển gỗ lậu từ Vườn quốc gia Hoàng Liên ra bên ngoài đã tiến hành thu giữ tại hiện trường hai khúc gỗ pơ mu kích thước 18x28x80cm, một xe máy và lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, tối cùng ngày, Vàng A Lềnh đã kéo người thân, họ hàng đến Trạm Kiểm lâm Seo Mý Tỷ gây áp lực với lực lượng kiểm lâm yêu cầu trả lại tang vật và phương tiện đã bị thu giữ. Đồng thời, tấn công và làm 4 kiểm lâm viên bị thương.

"Vụ việc khiến 2 kiểm lâm viên bị thương nhẹ vào phần mềm hiện đã quay trở lại công tác còn 2 kiểm lâm viên bị nặng hơn phải nhập viện điều trị, đã xuất viện nhưng vẫn còn phải nghỉ ngơi", ông Hạnh nói.

Được biết, ngày 20/4, Công an huyện Sa Pa đã tiến hành khởi tố 5 đối tượng liên quan đến vụ việc trên, trong đó có Vàng A Lềnh.

Liên quan đến công tác phòng cháy, bảo vệ rừng, ông Hạnh cho biết, thời tiết trên địa bàn hiện hanh khô khiến nguy cơ cháy rừng tăng cao, do đó, đơn vị đã lên các kế hoạch trọng điểm vào mùa khô, khi cảnh báo cháy rừng lên tới cấp 4, cấp 5 đã thực hiện theo các nội dung, kế hoạch phương án đó. Đồng thời thực hiện tuyên truyền lưu động tại các vùng trọng điểm, bố trí lực lượng kiểm lâm và người dân địa phương lập các chốt trực cháy rừng, tuần tra kiểm soát kiểm tra chặt chẽ những người dân đi vào rừng.

Trước thực trạng ở Sa Pa đang bị thiếu, mất nước, ông Hạnh cho biết có gây khó khăn nhiều cho việc phòng cháy rừng, nhất là khi có sự cố xảy ra. "Việc cạn kiệt nguồn nước làm khô nhanh vật liệu cháy tạo áp lực của nguy cơ cảnh báo cháy rừng. Hiện đơn vị vẫn tăng cường tuyên truyền là chính, đồng thời, tổ chức ứng trực, kịp thời phát hiện và có kế hoạch chi tiết để thực hiện phòng, cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ", ông Hạnh nói thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.