Doanh nghiệp

Nghi vấn siêu thị Con Cưng quảng cáo lừa khách

25/07/2018, 07:21

Chỉ trong ngày đầu tiên kiểm tra tại hệ thống Con Cưng, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng loạt sai phạm...

15

Hệ thống cửa hàng Con Cưng tại TP.HCM vẫn hoạt động bình thường 

Nhập nhằng xuất xứ về sữa

Sau lùm xùm nghi vấn chuỗi siêu thị Con Cưng có dấu hiệu thay tem, nhãn trên quần áo, lừa dối người tiêu dùng buộc hệ thống siêu thị này phải ra thông cáo thanh minh thì mới đây lại xôn xao trước thông tin sữa Meiji dành cho bà bầu do Con Cưng phân phối cũng có nghi vấn về nhãn mác, xuất xứ.

Con Cưng hiện là chuỗi có quy mô lớn trên thị trường với 318 siêu thị trên toàn quốc, bao gồm 288 siêu thị với thương hiệu Con Cưng và 30 cửa hàng ToyCity. Chuỗi này được thành lập từ năm 2011, tập trung chủ yếu ở TP HCM và các tỉnh phía Nam. Đầu năm 2017, Con Cưng đã nhận khoản đầu tư từ Daiwa-SSIAM II và bắt đầu giai đoạn đánh mạnh vào thị phần khi liên tục mở rộng địa bàn.

Cụ thể, trên homepage của Con Cưng, phần giới thiệu sữa Meiji bằng tiếng Việt cho biết: Sữa Meiji dành cho bà bầu (Meiji Mama Milk 350g) chính hãng được nhập khẩu trực tiếp nguyên hộp từ Nhật Bản, cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết, hỗ trợ sức khỏe cho mẹ mang thai và cho con bú cũng như sức khỏe và sự tăng trưởng của thai nhi và trẻ sơ sinh… Phần thông tin sản phẩm cũng khẳng định thương hiệu Meiji xuất xứ Nhật Bản.

Thế nhưng hình ảnh hộp sữa Meiji Mama Milk 350g kể trên đăng trên chính homepage của Con Cưng nhưng được giới thiệu bằng tiếng Anh lại ghi sản phẩm được sản xuất tại Đan Mạch, theo giấy phép của Meiji Co., Ltd, có địa chỉ tại 1-2-10, Shinsuna, Koto-ku, Tokyo, Nhật Bản.

Để làm rõ những thông tin bất thường kể trên, Báo Giao thông liên lạc với đại diện Con Cưng để làm rõ các thông tin nói trên song không được.

PV Báo Giao thông tìm cách liên hệ với Công ty CP Sóng Thần Hà Nội, đơn vị nhập khẩu sản phẩm sữa Meiji cho Con Cưng, cũng là đơn vị độc quyền phân phối thương hiệu Meiji Nhật Bản tại Việt Nam. Đại diện Công ty CP Sóng Thần Hà Nội cũng chỉ hứa sẽ sắp xếp để trả lời các nội dung được dư luận quan tâm.

Tạm giữ gần 5.000 sản phẩm sai phạm

Thông tin với PV Báo Giao thông ngày 24/7, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công thương Trần Hùng cho biết: Tổ công tác chuyên trách 334 do ông làm tổ trưởng dẫn đầu đã phối hợp cùng Chi cục QLTT TP HCM kiểm tra hàng loạt cửa hàng của Công ty CP Con Cưng tại TP.HCM trong hai ngày 22-23/7.

Theo báo cáo nhanh, ba cửa hàng được kiểm tra trong ngày đầu là điểm kinh doanh số 20 (địa chỉ số 933-835 Hồng Bàng, P.9, Q.6, TP.HCM), điểm kinh doanh số 16 (số 424 Nguyễn Thị Minh Khai, P.5, Q.3, TP HCM) và điểm kinh doanh 233 (số 78 Tôn Thất Tùng, P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM) đều phát hiện nhiều sai phạm tại hầu hết các mặt hàng.

Đơn cử, với mặt hàng mỹ phẩm kem massage bụng hiệu TitiOne, 350g, ngày sản xuất 14/6/2018, hạn sử dụng 14/6/2021. Mặt hàng này có nhãn tiếng Việt in trực tiếp trên bao bì nhưng sau đó lại được dán miếng giấy ghi nội dung: “Sản xuất bởi: Công ty TNHH Mỹ phẩm TITION” chồng lên thông tin in sẵn nằm dưới có nội dung “Sản xuất bởi Công ty TNHH G&C, VP: 413 Đường số 1, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam”. Hay với sản phẩm phấn, sữa tắm, sữa tắm - gội, sữa dưỡng da, nước hoa… hiệu Jonhson’s và Jonhson’s baby do Thái Lan, Philippines, Malaysia sản xuất lại có nhãn hàng hóa dán trên sản phẩm không thể hiện số lô, số công bố mỹ phẩm theo quy định.

Còn riêng với 224 sản phẩm quần áo trẻ em các loại hiệu CF, concung.com, Laluna, Lebe’, Starter’s trên nhãn ghi xuất xứ made in Thailand, nhãn gốc hàng hóa bằng tiếng nước ngoài in trực tiếp lên sản phẩm (riêng hiệu concung.com không có nhãn gốc hàng hóa) và nhãn phụ tiếng Việt Nam không đính kèm sản phẩm hàng hóa mà treo trên móc treo sản phẩm. Sau ngày đầu tiên kiểm tra, Tổ công tác đã tạm giữ khoảng 5.000 sản phẩm các loại của Công ty CP Con Cưng, trị giá gần 500 triệu đồng.

Trong ngày 23/7, Chi cục QLTT tiếp tục kiểm tra đồng loạt 70 điểm kinh doanh thuộc hệ thống Con Cưng tại TP HCM, kết quả là 70 cửa hàng đều có dấu hiệu vi phạm. Lực lượng QLTT đã lập biên bản tạm giữ các sản phẩm không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ. Chi tiết kết quả kiểm tra các điểm kinh doanh này sẽ được Báo Giao thông cập nhật tới bạn đọc.

Chuỗi siêu thị Con Cưng vẫn hoạt động bình thường

Trong khi đó, khảo sát của Báo Giao thông sáng 24/7 tại nhiều siêu thị Con Cưng trên địa bàn TP HCM (Q.1, Q.3, Q.Tân Bình…) cho thấy vẫn mở cửa và bán hàng bình thường.

Nhân viên của siêu thị Con Cưng tại 424 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3 cho hay, lượng khách đến mua sắm tại siêu thị những ngày qua không có gì thay đổi. Khi PV hỏi về những dấu hiệu sai phạm vừa qua, nhân viên này giải thích chỉ là lỗi kỹ thuật chứ chất lượng sản phẩm vẫn được đảm bảo. “Các mặt hàng ở siêu thị đều có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng nên việc bán hàng vẫn diễn ra bình thường, có gì đâu mà sợ”, nhân viên này bình thản trả lời.

Một khách hàng đang lựa đồ chơi cho con tại siêu thị này cho biết, không nắm rõ thông tin liên quan đến những dấu hiệu sai phạm ở cửa hàng Con Cưng.

Tại cửa hàng Con Cưng ở Q. Tân Bình, vào khung giờ trưa khá vắng khách. Nhân viên cửa hàng này cũng cho hay, lượng khách hàng đến mua không có gì bất thường. Một số khách quen cũng hỏi về vụ nhãn mác trên quần áo vừa qua nhưng đã được giải thích hàng có nguồn gốc, chỉ lỗi kỹ thuật mà thôi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.