Thế giới

Nghi vấn Ukraine che giấu hồ sơ bí mật về MH17

25/07/2014, 16:31

Hộp đen thứ hai chứa đoạn ghi âm cuộc trao đổi giữa phi công với điều phối viên không lưu. Tuy nhiên, Nga vẫn cho rằng EU và Mỹ nên yêu cầu Ukraine công khai ngay hồ sơ bí mật về vụ MH17.

Các chuyên viên phòng thí nghiệm Farnborough (Anh) cho biết, hộp đen thứ hai có chứa thiết bị ghi âm giọng nói trong buồng lái và cuộc trao đổi với điều phối viên không lưu. Các chuyên gia hứa sẽ giải mã hộp đen thứ hai của chiếc máy bay MH17 bị rơi ở Ukraine.

Toàn cảnh vụ máy bay MH17 bị bắn hạ tại Ukraine

Ảnh: RIA Novosti
Các chuyên gia cho rằng, dữ liệu trong hộp đen thứ hai của MH17 sẽ làm sáng tỏ nguyên nhân của thảm hoa. Ảnh: RIA Novosti


Theo thông tin từ phòng thí nghiệm Farnborough, trong bộ phận ghi âm buồng lái có cuộc trao đổi giữa các phi công, có thể xác nhận hay phủ nhận một trong những giả thuyết chính về vụ tai nạn máy bay Boeing MH17.

Theo giả thuyết này, máy bay MH17 đã bị tấn công bởi một tên lửa bắn từ máy bay. Trước đó, phía Nga nói chỉ ra rằng máy bay chiến đấu Su-25 của không quân Ukraine bị phát hiện khi đang bay gần chiếc MH17 ngay trước vụ tai nạn. Chiếc máy bay chiến đấu của Ukraine đã xuất hiện gần MH17 vào thời điểm khi chiếc phi cơ của Malaysia bay chệch hành trình với độ lệch 14km theo hướng Su-25.

Do đó, dữ liệu trong hộp đen thứ hai có thể làm sáng tỏ nguyên nhân động thái này của phi công MH17.

Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, cựu Tham mưu trưởng Không quân Nga Vladimir Mikhailov đưa ra giả thuyết, chiếc máy bay của Malaysia đã bị bắn rơi bởi tên lửa từ máy bay chiến đấu Su-25 của không quân Ukraine, dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Điều phối Không Lưu ở Dnepropetrovsk.

Ông Mikhailov cho rằng, Su-25 nhất định phải bị phát hiện nếu lọt vào tuyến đường bay quốc tế, do đó Trung tâm điều phối không lưu ở Dnepropetrovsk đã yêu cầu phi công MH17 đi chệch khỏi tuyến đường bay, kết quả là máy bay MH17 đến gần với Su-25.

Máy bay Boeing MH17 bay với tốc độ 900 km/giờ ở độ cao 10.000 km. Còn Su-25 không thể bay với tốc độ như vậy nhưng có đủ khả năng bắn trúng mục tiêu nếu tiếp cận mục tiêu dù trong thời gian ngắn. Vào thời điểm đó, đầu đạn R-60 sẽ bắt bám và tiêu diệt mục tiêu.

Trong trường hợp này, cự ly tối ưu là từ 3-5 km. Đó chính là khoảng cách giữa MH17 và Su-25 mà các phương tiện kiểm soát khách quan của Nga đã ghi nhận được. Bộ Quốc phòng Nga đã công bố dữ liệu này và chuyển giao cho các chuyên gia EU.

Ông Mihaylov nói, phía Ukraine đã có ý định để chiếc MH17 rơi vào lãnh thổ Nga, từ đó có thể cáo buộc Nga vi phạm tội ác này.

Ông này cũng cho rằng, để làm sáng tỏ nguyên nhân thực sự của vụ tai nạn, giả mã các hộp đen là chưa đủ. Bởi tại hiện trường vụ tai nạn, các chuyên gia phải xác định chiếc MH17 bị bắn trúng bởi tên lửa loại nào.

Tổng biên tập tạp chí Quân sự và công nghiệp (Nga) Michael Khodorenok cho biết: “Trước hết phải có sự tham gia của các chuyên gia về các loại vũ khí, bởi vì ngay cả các chuyên gia trình độ cao của ICAO cũng không thể xác định loại tên lửa nào đã bắn trúng chiếc Boeing. Đó có thể là đầu đạn của tên lửa R-60 có sẵn trên Su-25, hoặc tên lửa đất đối không Buk”.

Phía Nga cho rằng, các nhà chức trách Ukraine đang cố gắng kìm hãm quá trình điều tra như che giấu bản ghi các cuộc trao đổi giữa các điều phối viên không lưu với phi hành đoàn cũng như các cuộc trao đổi giữa các pháo đội phòng không của lực lượng vũ trang Ukraine. Vì thế, Nga cho rằng nếu EU và Mỹ quan tâm đến việc điều tra một cách khách quan thì nên yêu cầu Ukraine phải ngay lập tức công khai hóa hồ sơ này.

Cao Sơn (theo RIA Novosti)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.