Vận tải

Nghịch lý giá dịch vụ cảng nước sâu Việt Nam chưa bằng cảng sông nước bạn

04/08/2020, 20:54

Các doanh nghiệp cảng biển đều cho rằng, giá dịch vụ xếp dỡ hàng hóa container tại cảng biển Việt Nam cần sớm điều chỉnh để tiệm cận khu vực...

img
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công chỉ đạo cuộc họp trực tuyến chiều nay (4/8)

"Đội sổ" khu vực về giá xếp dỡ container

Chiều nay (4/8), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về việc nắm bắt và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (DN) thuộc lĩnh vực hàng hải và khung giá dịch vụ tại cảng biển.

Tại Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 54/2018, cơ quan chức năng cũng đã bổ sung một số điểm mới như: Bổ sung tuyến Vân Phong, Ba Ngòi, Nhà máy nhiệt điện Duyên hải vào tuyến đặc thù; Bổ sung tàu thuyền vào, rời cảng để tránh trú bão theo lệnh điều động hoặc được cơ quan nhà nước chấp thuận) vào đối tượng tính giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải, cầu, bến, phao neo với mức giá bằng 50% giá DN niêm yết theo quy định.

Ông Phạm Quốc Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải cho biết, hiện nay, mức giá tại khu vực I (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định) đang thấp nhất cả nước, bằng 72% khu vực II (cảng biển khu vực từ Thanh Hóa, Nghệ An đến Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) và bằng 80% khu vực III (TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu…), bằng 30 - 60% các nước trong khu vực.

Đặc biệt, giá bốc xếp container xuất nhập khẩu tại cảng nước sâu của Việt Nam theo Thông tư 54/2018 của Bộ GTVT về Ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam đang rất thấp (bằng 45 - 80%) khi so với những cảng chuyển tải lớn như Hongkong, Singapore hay Malaysia, Trung Quốc, Singapore... thậm chí là cảng Phompenh (Campuchia) - một cảng sông với mức đầu tư không lớn (Thái Lan 59 USD/cont20’, 91 USD/cont40’, Campuchia 65 USD/cont20’, 99 USD/cont40’, Singapore 111 USD/cont20’, 159 USD/cont40’).

Trên cơ sở đó, các DN cảng biển Việt Nam đã đề xuất hai phương án điều chỉnh giá dịch vụ bốc dỡ container đối với cảng biển khu vực 1 (không bao gồm Lạch Huyện).

Cụ thể, phương án 1, điều chỉnh giá dịch vụ lên 10%, từ 33 USD/cont’ 20 feet, 50 USD/cont’ 40 feet lên 36 USD/cont’ 20 feet, 55 USD/cont’ 40 feet, 63 USD/cont40 feet, giá shipside bằng 90% giá CY. Thời gian thực hiện từ 01/01/2021.

Phương án 2 là tiếp tục tăng 10% năm 2022 (40 USD/cont’ 20 feet, 61 USD/cont’ 40 feet, 69 USD/cont trên 40 feet) và 10% năm 2023 (44 USD/cont’ 20 feet, 67 USD/cont’ 40 feet, 76 USD/cont trên 40 feet). Giá shipside bằng 90% giá CY. Phương án tăng 10% giá dịch vụ, DN đề xuất áp dụng cả với khu vực 2 và khu vực 3.

Đối với khung giá dịch vụ bốc dỡ container XNK khu vực Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải, các DN cảng biển cũng đề xuất 2 phương án tăng giá.

Trong đó, phương án 1 là tăng 10% giá dịch vụ, từ 52 - 60 USD/cont’ 20 feet lên 57 - 66 USD/cont’ 20 feet; container 40 feet tăng từ khung 77 - 88 USD lên 85 - 97 USD. Container trên 40 feet tăng từ 85 - 98 USD lên 94 - 108 USD. Thời gian áp dụng từ 01/01/2021.

Phương án 2 là tiếp tục tăng 10% năm 2022 (63 - 73 USD/cont’ 20 feet; container 40 feet 93 - 107 USD. Container trên 40 feet 103 - 119 USD) và 10% năm 2023 (69 - 80 USD/cont’ 20 feet; container 40 feet 102 - 118 USD, container trên 40 feet 113 - 131 USD).

img
Giá dich vụ xếp dỡ hàng hóa container XNK tại cảng biển Việt Nam hiện vẫn "đội sổ" trong khu vực - Ảnh minh họa

Vẫn khó xác định lộ trình tăng giá dài hạn

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho rằng, tại Thông tư 54/2018, giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam đã tăng nhưng vẫn có khoảng cách khá xa so với giá dịch vụ cảng biển trong khu vực, đặc biệt là Campuchia.

“Vì vậy, việc tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp là cần thiết. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, giá xếp dỡ container XNK tại cảng biển Việt Nam cần phải bằng 60 - 70% so với giá xếp dỡ trong khu vực. Đến một thời điểm nào đó sau 2025, phải tiệm cận bằng giá dịch vụ trong khu vực, ít nhất bằng Campuchia”, Thứ trưởng nói và đề nghị Cục Hàng hải VN phải tiếp tục nghiên cứu đề xuất của DN để hình thành được một khung giá hợp lý nhất, đảm bảo cho DN tăng được nguồn thu để tái đầu tư, nâng cấp hạ tầng.

Riêng đối với khung giá dịch vụ đối với hành khách thông qua cảng tàu khách chuyên dụng, Thứ trưởng nhấn mạnh, nếu các DN muốn đề xuất tăng mức giá tối đa lên hơn 5 USD/hành khách, Bộ GTVT vẫn ủng hộ. Song, DN phải đảm bảo chất lượng dịch vụ tương đồng với giá dịch vụ thu về.

Liên quan đến đề xuất quy định tăng giá dịch vụ theo lộ trình 10%/năm trong năm 2022 và 2023, theo bà Nguyễn Thị Thương, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Vận tải và Dịch vụ Hàng hải (Cục Hàng hải VN) cho biết, hiện đề xuất này còn khó khả thi do DN cảng biển chưa xây dựng cơ cấu giá thành đối với mức giá đề xuấ tăng trong năm 2022 và 2023; Tổng cục Thống kê cũng chưa có đánh giá tác động chỉ số giá tiêu dùng đối với việc điều chỉnh giá năm 2022 và 2023.

Mặt khác, tại văn bản số 251 của Văn phòng Chính phủ về thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá Chính phủ 01/7/2020, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, cập nhập các kịch bản điều hành giá phù hợp với mục tiêu đề ra. Trong điều kiện thực sự cần thiết, có thể điều hành ở mức tiệm cận nhưng không được cao hơn 4% để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế.

“Đối với dịch vụ hàng không, dịch vụ vận tải, dịch vụ logistics, Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT chỉ đạo việc kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá; trong đó phải giảm giá một số dịch vụ để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay… Vì vậy, việc quy định lộ trình tăng giá dịch vụ phải được cân nhắc và xem xét thật kỹ lưỡng”, bà Thương nói.

Bà Mai Phương Hồng, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính) thì cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 54/2018 là thật sự cần thiết trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu của khách hàng đã có nhiều thay đổi.

“Tuy nhiên, trong trường hợp ban hành và áp dụng trong thời điểm gần trong bối cảnh hiện nay khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc điều chỉnh giá phải tính toán rõ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và chỉ số giá tiêu dùng để đảm bảo lợi ích của DN và mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ qua từng năm”, bà Hồng nói.

Theo đánh giá của Hiệp hội Đại lý và Môi giới Hàng hải cùng một số DN cảng: Gemadept, Nam Hải cũng cho biết, hiện tại, tại Hải Phòng đang tồn tại 2 phương thức bốc xếp, gồm: Phương thức bốc xếp giữa Tàu/sà lan ↔ Bãi cảng (CY) và Phương thức bốc xếp Shipside giữa Tàu/Sà lan ↔ Ôtô/toa xe.

Trong đó, phương thức shipside (đưa container ra bãi ngoài) hiện trên thế giới chỉ còn duy nhất áp dụng duy nhất tại Hải Phòng. Phương thức này đang tồn tại rất nhiều hạn chế như: không kiểm soát được trọng tải theo công ước quốc tế, làm ảnh hưởng đến an toàn khi chất xếp hàng hóa, chậm tiến độ giải phóng tàu, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại các khu vực cảng,…

Trên cơ sở đó, các DN kiến nghị từ năm 2021, điều chỉnh tăng giá shipside tiệm cận với giá CY để đảm bảo quyền lợi cho DN, tránh sự “biến tướng” về giá khi thực hiện cùng một tác nghiệp bốc dỡ.

Từ năm 2022 trở đi, đề xuất tăng giá shipside tiến đến bằng với giá bốc xếp giữa Tàu/sà lan ↔ Bãi cảng (CY), tiến tới bãi bỏ tác nghiệp shipside tại Hải Phòng

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.