Quản lý

Nghịch lý Nhà nước bỏ tiền mua vật liệu làm cao tốc

Mỏ vật liệu là tài nguyên của quốc gia, tuy nhiên lâu nay được các địa phương bán, đấu giá hoặc giao cho tư nhân khai thác.

Khi thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia, Nhà nước lại phải bỏ tiền ra để mua lại vật liệu với giá cao từ tư nhân, đây là điều rất vô lý.

img

Dự án cao tốc đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu cần 8,5 triệu m3 đất đắp nền đường, 1,1 triệu m3 cát, tuy nhiên vì nhiều lý do giá vật liệu ở địa phương đang bị đẩy lên cao. Ảnh: Văn Thanh

Kỳ 1: Nhà thầu gặp khó, chủ mỏ “ăn dày”

Nhà thầu hoàn toàn bị động về giá vật liệu, trong khi giá bỏ thầu đã ấn định từ trước. Trên thực tế, giá vật liệu khác xa so với giá địa phương công bố khiến chủ mỏ lãi đậm, còn tiền Nhà nước thu được từ việc giao mỏ chẳng đáng là bao.

Mỏ 700.000m3, Nhà nước chỉ thu được 600 triệu

Ghi nhận tại dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đến nay các gói thầu đồng loạt thi công sau Tết. Tuy nhiên, tại 2 gói thầu XL05 và XL06 đoạn qua huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên- Huế) vẫn còn khá ngổn ngang vì thiếu đất đắp.

Theo ông Tạ Gia Mạnh Hưng, Trưởng phòng Điều hành Dự án 2 (Ban QLDA đường HCM), 2 gói này thiếu khoảng 500.00m3 đất đắp.

“Để giải quyết đủ đất đắp, chúng tôi đang chờ tỉnh cấp phép khai thác cho mỏ Vùng Chòi và mở rộng mỏ Hiền Sĩ”, ông Hưng nói.

Khan hiếm vật liệu đất đắp dai dẳng thời gian qua là một trong những nguyên do cản tiến độ gói XL05, 06, đồng thời đẩy giá thị trường vật liệu đất đắp trên địa bàn. Nhà thầu méo mặt “bù lỗ’, trong khi các chủ mỏ thu lợi nhuận.

Tìm hiểu PV, giá vật liệu đất đắp các gói thầu này được phê duyệt tăng từ hơn 27 nghìn/m3 lên 31,5 nghìn/m3, nhưng thấp hơn nhiều so với giá bán thực tế.

Trong vai đơn vị thi công cần mua đất san lấp, PV đã được phía Công ty CP Lâm nghiệp 1-5 gửi thông báo giá (có hiệu lực kể từ ngày 21/9/2020), nêu rõ đất san lấp 35.000 đồng/m3, đất cấp phối K95 là 50.000 đồng/m3 và đất cấp phối K98 là 55.000 đồng/m3.

Đơn giá này mới chỉ bao gồm phí múc đất lên xe, thuế VAT 10%, thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường, chưa kể chi phí vận chuyển đến công trình.

Đáng kể, mức giá này cao hơn nhiều so với mức giá để tính quyền khai thác, thuế phí môi trường của UBND Thừa Thiên- Huế.

Đơn cử, ngày 26/4/2021, tỉnh đã cấp giấy phép cho Công ty TNHH Quý Hưng khai thác đất bằng phương pháp lộ thiên tại thôn Hiền Sỹ, huyện Phong Điền (phục vụ thi công xây dựng các dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, mở rộng Nhà ga hành khách T2 - CHK quốc tế Phú Bài và dự án Chương trình Phát triển các Đô thị loại II (Các đô thị Xanh).

Theo đó, mỏ này có trữ lượng thiết kế khai thác hơn 700.000m3. Công suất khai thác 280.000m3/năm.

Đặc biệt, giá tính tiền cấp quyền khai thác tại thời điểm phê duyệt (tháng 4/2021) chỉ ở mức 27.000 đồng/m3, với tổng số tiền nộp 1 lần hơn 600 triệu đồng.

Tương tự, cuối năm 2020, mỏ đất 1-5 của Công ty CP Lâm Nghiệp 1-5 được UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt bổ sung tiền cấp quyền khai thác trữ lượng địa chất còn lại (308.018 m3) với mức giá thời điểm phê duyệt 27.000 đồng/m3, tổng số tiền nộp 1 lần hơn 275 triệu đồng.

Trao đổi PV, nhiều đơn vị khai thác, nhà thầu xây lắp cho biết, dù tỉnh chỉ đạo, Công an và ngành chức năng địa phương vào cuộc để tránh hành vi đẩy giá bán vật liệu đất đắp.

Tuy nhiên, nhiều chủ mỏ “lách” bằng cách gộp chi phí máy xúc, đào lên xe tại mỏ để đẩy giá vật liệu lên rất cao so với giá được tính cấp quyền khai thác.

Chủ mỏ tha hồ hét giá

img

Các mỏ cát được cấp phép nhiều, nhưng trữ lượng khai thác và chất lượng cát tại thời điểm triển khai dự án không đảm bảo (Trong ảnh: Tư vấn và nhà thầu lấy mẫu thí nghiệm cát tại mỏ phục vụ thi công cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu). Ảnh: Văn Thanh

Tại Bình Thuận, đầu năm 2019, UBND tỉnh điều chỉnh mỏ khoáng sản từ quy hoạch dự trữ sang quy hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở 20 khu vực, tổng diện tích 561,2ha, phân bố đều ở các huyện trên địa bàn tỉnh.

Thực tế khi các tuyến cao tốc vào cao điểm thi công nền đường đòi hỏi khối lượng đất đắp rất lớn.

Lúc này xảy ra tình trạng nhà thầu phải “tranh mua, tranh bán” dẫn đến khan hiếm vật liệu, giá cả tăng cao bất thường so với giá công bố của Sở Xây dựng.

Điều này không khiến dư luận ngờ vực về tình trạng găm hàng, làm giá vật liệu tăng cao của một số chủ mỏ vật liệu của địa phương.

Cách đây 1 năm, tài liệu PV thu thập được cho thấy tính tại thời điểm tháng 1/2021, các chủ mỏ cung cấp đất san lấp chào giá bán cao hơn so với thông báo giá của địa phương khoảng 30.000 - 50.000 đồng/m3 (từ 90.000đ/m3 tăng lên từ 140.000 đồng/m3 hoặc 190.000 đồng/m3).

Theo một bảng báo giá sản phẩm hàng hóa - Vật liệu xây dựng được công bố vào tháng 5/2020 của Công ty Khai thác khoáng sản B.T (là doanh nghiệp sở hữu nhiều mỏ đá, vật liệu trên địa bàn tỉnh) giá đất tầng phủ theo đơn giá bán lẻ được công bố là 90.000 đồng/m3 (đã có VAT) tại mỏ.

Các nhà thầu phản ánh giá vật liệu thực tế khác xa và bị đội lên so với giá công bố nêu trên. Cụ thể, theo phiếu báo giá ngày 20/1/2021 của một công ty có trụ sở tại TP Phan Thiết, giá đất đắp là 170.000 đồng/m3 (đã có VAT, gồm chi phí vận chuyển đến công trường - khu vực huyện Bắc Bình).

Tạm tính nếu trừ chi phí vận chuyển và thuế VAT thì vẫn còn chênh lệch từ 40.000 - 50.000 đồng/m3.

Thời điểm này chủ các mỏ vật liệu (đã có giấy phép qua đấu giá) “hét” giá rất cao so với dự toán của các nhà thầu. Trước tháng 6/2020 (trước khi khởi công hai tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây), các mỏ đều tính giá khoảng 90.000m3 đất tầng phủ (đủ điều kiện đắp nền đường) nay giá đã đội lên thêm 30.000-90.000 đồng/m3 (thời điểm tháng 1/2021).

Như vậy nếu tính mức giá này sau khi trừ thuế VAT với khối lượng cung cấp hàng triệu m3 đất là khoáng sản của Nhà nước qua tay tư nhân thì các chủ mỏ vật liệu vẫn lãi đậm…

Tại Nghệ An, từ trước năm 2021, toàn tỉnh này có 169 mỏ tài nguyên các loại, trong đó chỉ có 9 mỏ đất với tổng trữ lượng là 12 triệu m3.

Số lượng mỏ ít lại nằm rải rác ở nhiều nơi nên khi các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam triển khai đã xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu và giá vật liệu tăng cao khiến cho nhà thầu gặp khó.

Theo tìm hiểu của PV, việc giá vật liệu tăng cao ở Nghệ An chủ yếu do thời điểm cao tốc triển khai không có những mỏ vật liệu ở gần phạm vi công trường.

Hầu hết, đất, cát đều phải vận chuyển xa từ 20 - 40km, dẫn đến giá bị đội lên. Ngay cả thời điểm này, khi tỉnh Nghệ An đã cấp thêm 22 mỏ đất với trữ lượng 35,9 triệu m3 thì bài toán giá vật liệu vẫn khiến nhà thầu đau đầu.

Nhà thầu hoàn toàn bị động về giá vật liệu

Một nhà thầu gói XL03 dự án cao tốc đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu cho biết, giá vật liệu nhà thầu hoàn toàn bị động, trong khi giá bỏ thầu đã ấn định rồi. Đơn cử như đất đắp, giá bỏ thầu gói XL03 là 100.000 đồng/m3, cát là 188.000 đồng/m3. Khi mua đất đắp đường công vụ và đường gom của dự án, các đơn vị phải mua từ mỏ Nghĩa Thận (ở huyện Nghĩa Đàn) và mỏ Đồi Chanh (TX Hoàng Mai) với giá đến chân công trình là 95.000 - 110.000 đồng/m3.

“Mà đây là đất rời, chứ tính vật liệu chặt sau lu như thầu, đơn vị thi công sẽ bị lỗ khoảng 40.000 đồng/m3. Nếu tính đất đắp toàn gói XL03 là 2,7 triệu m3, mà nhà thầu vẫn phải mua với giá như trên thì các nhà thầu phải chịu lỗ cả trăm tỷ đồng”, vị này cho biết.

Tương tự với cát, giá hiện nay dao động từ 120.000 - 140.000 đồng/m3. Nếu tính cả chi phí quản lý và hao hụt thì giá này nhà thầu cũng không có lời, thậm chí quản lý không tốt nhà thầu còn lỗ tiếp.

Thiếu 15 triệu m3 vật liệu, 15/3 phải giải quyết xong

Chính phủ vừa tổ chức hội nghị trực tuyến giao ban tình hình triển khai các dự án thành phần trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Tại hội nghị, Bộ GTVT đã báo cáo nhanh tiến độ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Theo Bộ GTVT có 4 dự án phải hoàn thành trong năm 2022 gồm: Dự án Cam Lộ - La Sơn khối lượng thi công còn lại hơn 25%.

Dự án Mai Sơn - QL45 hiện nay đã hoàn thành 45% khối lượng, sẽ hoàn thành đúng tiến độ trong năm nay. Đối với dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết dự án thiếu trầm trọng vật liệu đắp nền hiện tiến độ thi công đạt khoảng 24% tiến độ. Dự án Phan Thiết - Dầu Giây đến nay tiến độ đạt được 30%.

Bộ GTVT cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn vật liệu xây dựng ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án.

Theo đó, nhu cầu của dự án còn thiếu là 50 triệu m3 đất, trong tháng 1/2022 đã giải quyết được 35 triệu m3, còn thiếu 15 triệu m3. Hiện, các địa phương tập trung giải quyết đáp ứng nhu cầu vật liệu phục vụ thi công dự án.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh mục tiêu từ nay đến năm 2025 phải hoàn thành 654km tuyến cao tốc Bắc - Nam đã được bố trí nguồn vốn.

Phó Thủ tướng yêu cầu để đảm bảo vật liệu các đồng chí lãnh đạo địa phương phải đảm bảo cam kết 15/3 giải quyết dứt điểm theo đúng cam kết về cung cấp vật liệu xây dựng, kiên quyết không để thiếu vật liệu xây dựng. Nếu không hoàn thành Chính phủ sẽ có văn bản nhắc nhở các địa phương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.