Giao thông

Nghiên cứu bỏ trần giá sử dụng đường BOT xây mới

29/11/2018, 06:15

Trong bối cảnh hiện nay, quy định thu phí cào bằng đối với tất cả công trình đường bộ là bất hợp lý.

1

Hầm đường bộ Đèo Cả suất đầu tư lớn, không phải đường độc đạo nhưng hiện vẫn bị khống chế mức phí qua hầm - Ảnh: Mạnh Hưng

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc áp dụng quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ tại các dự án xây dựng tuyến đường BOT độc lập, song song với tuyến đường hiện hữu đang bộc lộ bất cập, cần sớm được sửa đổi...

Đổi cách quản lý về giá vé

Ngày 28/11, báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp giao ban Bộ tháng 11/2018, đại diện Vụ Tài chính cho biết, việc triển khai Nghị định 149 ngày 11/11/2016 của Chính phủ (quy định chi tiết về Luật Giá) và Thông tư 35 ngày 15/11/2016 của Bộ GTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng để kinh doanh (dự án BOT) đang bộc lộ bất cập, gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Theo các quy định trên, các tuyến đường BOT dù được xây dựng mới, song song với tuyến đã có nhưng chỉ được thu với mức giá tối đa cụ thể (theo lượt, tháng, quý) đối với phương tiện. Cơ chế này khiến đường BOT cao tốc, hầm đường bộ không khác quốc lộ do Nhà nước đầu tư, chưa tạo thuận lợi trong đầu tư kinh doanh và khiến nhà đầu tư không chủ động được phương án thu hồi vốn. Một trong những ví dụ là tuyến đường hầm Đèo Cả được xây dựng mới, phương tiện vẫn có lựa chọn đường cũ để đi lại, nhưng chỉ được thu theo khung giá cố định.

Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, trong 11 tháng năm 2018, Bộ GTVT trình Chính phủ 12 nghị định theo chương trình công tác năm 2018 và Chính phủ đã ban hành 13 văn bản do Bộ GTVT trình. Trong 11 tháng qua, Bộ trưởng đã ký ban hành 55 thông tư. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc trình Bộ trưởng 46/46 đề cương văn bản và 74/74 dự thảo văn bản.

“Đường cao tốc và BOT trên quốc lộ hiện hữu có sự khác nhau về bản chất, cao tốc hay hầm Đèo Cả là những công trình mới song hành với quốc lộ. Việc này cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ cho mức giá đường cao tốc và công trình hầm. Cao tốc hay công trình hầm mà quản lý mức giá như hiện nay là không ổn, vì những công trình này có suất đầu tư lớn và người tham gia giao thông có quyền lựa chọn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định, đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ GTVT hoàn thiện dự thảo sửa đổi Thông tư 35 để ban hành trong tháng 12/2018, góp phần tháo gỡ khó khăn cho dự án hầm Đèo Cả.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo khẩn trương báo cáo Chính phủ, đề nghị sửa đổi Nghị định 149 theo hướng những dự án đường BOT làm mới, có đường song song, người dân có sự lựa chọn, sẽ không quy định giá trần mà để doanh nghiệp tự quyết định mức giá.

“Khi đó, doanh nghiệp tự biết cân đối nguồn thu, nếu giá vé hợp lý sẽ nhiều xe hoặc ngược lại để bảm đảo phương án, thời gian hoàn vốn”, Bộ trưởng nói.

Trước đó, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng cho rằng, cách tính vé tháng bằng 30 ngày, một quý bằng 70% của 90 ngày chưa phù hợp. Bởi có ý kiến cho rằng, chỉ khi nào đi hơn 30 ngày mới mua vé tháng, lúc đó phải mua cho 40 hay 45 ngày thay vì 30 ngày. “Từ trước đến nay, chúng ta quy định theo hướng ấn định và cảm tính. Phải thay đổi cách tiếp cận theo hướng thị trường, phải đánh giá, thống kê đưa ra con số thuyết phục”, Thứ trưởng Đông nói.

Theo Thứ trưởng, cần sửa đổi Nghị định 149 để đường cao tốc được đối xử là đường thương mại với việc không quy định giá trần, cũng như có nhiều cơ chế giá khác nhau để người sử dụng có thể dùng đường khác để đi. Bởi hiện quy định áp dụng mức giá vé chung cho quốc lộ và cao tốc là bất hợp lý.

“Đường cao tốc cần cơ chế được tự xác định giá, không nên thu theo quốc lộ. Vì thu phí quốc lộ là theo vé lượt nên không thể áp dụng cho cao tốc. Cao tốc cần có hệ thống thu phí riêng vì an toàn, thuận lợi, lưu thông nhanh hơn thì phải trả phí cao hơn”, Thứ trưởng Đông nêu vấn đề.

Liên quan đến mức giá dịch vụ hầm, đường bộ, trao đổi với PV Báo Giao thông, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, quy định thu phí cào bằng đối với tất cả công trình đường bộ là bất hợp lý. Như công trình hầm đường bộ có chi phí đầu tư thường lớn hơn công trình bình thường do phải thi công ở địa chất phức tạp, chi phí quản lý vận hành cũng phức tạp hơn. Do vậy, cần có một cơ chế đặc thù về giá đối với loại công trình này.

“Để tính toán mức giá tối đa hợp lý cho công trình hầm cần căn cứ vào chi phí đầu tư, thời gian thu hồi vốn và các chi phí khác cho công trình để tính toán mức giá hợp lý”, ông Long nói.

2

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì Hội nghị giao ban Bộ GTVT tháng 11

Siết an ninh hàng không, bảo đảm vận tải Tết

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không VN cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ đưa thêm 32 máy bay, nâng từ 158 chiếc lên hơn 180 chiếc, tăng 20% năng lực vận chuyển hàng không để phục vụ nhân dân đi lại trong dịp Tết.

“Các hãng hàng không đã đăng ký tăng chuyến, dự kiến sẽ tăng thêm 5.800 chuyến. Trong đó Vietnam Arlines tăng 2.000 chuyến, Vietjet 3.500 chuyến, còn lại là các hãng khác. Tăng chuyến giúp tăng thêm trên 1,1 triệu ghế trong dịp cao điểm. Dự kiến, trong dịp Tết sẽ thêm hãng hàng không mới Bamboo Airway hoạt động với 3 máy bay. Mọi phương án chuẩn bị an toàn, an ninh đã được thực hiện chu đáo”, ông Thắng báo cáo.

Đề cập vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, thời gian gần đây xảy ra một số vụ việc gây rối trật tự, an ninh tại sân bay, vì vậy yêu cầu Cục Hàng không VN sát sao hơn trong công tác bảo đảm an ninh hàng không. Cùng với đó, phải có giải pháp để không xảy ra ùn tắc tại sân bay dịp Tết hay tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến.

“Phải có giải pháp chống trễ chuyến, hủy chuyến theo hướng chuyến nào chậm phải xử phạt nặng các hãng để đảm bảo tính răn đe, tránh tình trạng có hàng triệu hành khách bị chậm chuyến. Cục Hàng không VN cũng cần làm việc với các hãng để sắp xếp, điều tiết các chuyến bay đến sân bay Cần Thơ để người dân lân cận không phải qua Sài Gòn, giảm ùn tắc giao thông”, Bộ trưởng gợi ý.

Đối với sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) chuẩn bị đưa vào khai thác, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, đánh giá kỹ lưỡng quy trình vận hành bảo đảm an toàn tuyệt đối khi đưa vào khai thác.

Không chỉ hàng không, Bộ trưởng yêu cầu các lĩnh vực vận tải khác phải có kế hoạch tăng chuyến, dự phòng phương tiện và triển khai phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, không để bất cứ hành khách nào bị lỡ kỳ nghỉ do thiếu tàu xe.

Riêng trong lĩnh vực đường bộ, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN ứng dụng công nghệ hiện đại tạo thuận lợi trong việc mua, bán vé xe; kiểm soát giá vé, đồng thời đánh giá về việc cứ vào dịp Tết các hãng xe phía Nam lại tăng giá vận tải ô tô để bảo vệ quyền lợi hành khách.

“Ở miền Bắc vào dịp Tết thường không tăng giá vé xe khách nhưng trong miền Nam lại tăng đến 30-40% chiều rỗng. Phải xem xét việc tăng này có chính đáng hay không, có gây thiệt thòi cho hành khách hay không?”, Bộ trưởng nêu vấn đề.

Khẩn trương hoàn thiện nghị định quản lý tài sản hạ tầng giao thông

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, các nghị định về quản lý kết cấu hạ tầng giao thông có vai trò quan trọng để cụ thể hoá luật, nên cần khẩn trương hoàn thành đảm bảo chất lượng. Muốn làm được điều này, lãnh đạo các đơn vị phải trực tiếp “xắn tay” vào việc, rà soát từng nội dung trong Nghị định, tránh tình trạng khi ban hành còn thiếu sót.

Trong đó, cần đặc biệt chú ý hai lĩnh vực là đường sắt và hàng không vì có nhiều tài sản Nhà nước. Đường sắt cần phân định rõ trách nhiệm giữa Cục Đường sắt và Tổng công ty Đường sắt VN. Đối với hàng không, khu bay là tài sản của Nhà nước cũng cần đặc biệt quan tâm. Còn đường bộ, tuy tài sản Nhà nước trong hạ tầng đường bộ ít hơn nhưng cũng cần khẩn trương hoàn thành nghị định.

Lãnh đạo Bộ trực tiếp thị sát, đôn đốc thi công

Ông Nguyễn Trí Đức, Chánh văn phòng Bộ GTVT cho biết, trong tháng 11/2018, lãnh đạo Bộ GTVT đã trực tiếp kiểm tra chất lượng công trình và đôn đốc tiến độ thi công một số dự án như: Tuyến tránh Pleiku, Chư Sê và QL25, tuyến tránh Kon Tum; Dự án Đèo Con, đường Hồ Chí Minh qua Quảng Bình; Dự án La Sơn - Túy Loan, cầu Thịnh Long, đường Mai Dịch - Nam Thăng Long, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cầu Thái Hà...; khắc phục sự cố sau TNGT tại cầu Ngòi Thủ thuộc tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Bộ GTVT cũng ban hành Công điện chỉ đạo khẩn trương khắc phục sự cố sập cầu tạm tại công trình cầu 20, tỉnh Đắk Nông; Đẩy nhanh công tác GPMB đơn nguyên cầu 110 tỉnh Đắk Lắk, Dự án ĐTXD mở rộng QL1 đoạn Km1027 - Km 1045+780 tỉnh Quảng Ngãi…

Các dự án quan trọng của ngành như: đường bộ cao tốc Bắc - Nam, CHK quốc tế Long Thành, Tân Sơn Nhất, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, thu phí tự động không dừng... được lãnh đạo Bộ tập trung chỉ đạo quyết liệt, các cơ quan, đơn vị nỗ lực triển khai theo kế hoạch.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng chỉ đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông tham mưu, đề xuất Bộ thành lập đoàn kiểm tra liên bộ, ngành để kiểm tra, đánh giá tình hình thực tế các công trình, dự án giao thông được dư luận đề cập, trong đó có việc khắc phục, xử lý các sự cố kỹ thuật.

Lập đề án tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch

Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự ATGT trong dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán 2019. Trong đó, yêu cầu các đơn vị lập danh sách và phân công lãnh đạo trực, công bố điện thoại đường dây nóng và thường trực 24/24 để tiếp nhận xử lý thông tin liên quan đến nhiệm vụ của đơn vị mình; Xây dựng kế hoạch phục vụ vận tải đảm bảo đáp ứng kịp thời khi nhu cầu vận tải phát sinh tăng cao, đặc biệt tại các đầu mối giao thông, bảo đảm giải tỏa hành khách và hạn chế tối đa ùn tắc giao thông.

Trong tháng 11/2018, Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ đề án Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch và đề án Kiểm soát chất lượng dịch vụ và bảo đảm ATGT cho khách du lịch nhằm nâng chất lượng dịch vụ và quản lý tốt hơn các vấn đề liên quan.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.