Hàng hải

Nghiên cứu hồ sơ cảng biển gần 1,5 tỷ USD tại Nam Định

20/06/2022, 11:59

Cục Hàng hải Việt Nam đang nghiên cứu hồ sơ dự án xây cảng biển chuyên dùng Xuân Thiện Nam Định.

Xây dựng cảng phục vụ riêng cho nhà máy

Cuối tháng 4/2022, Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định số 552 về việc công bố danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam.

Theo đó, có 10 bến cảng mới được bổ sung vào danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam, nâng tổng số bến cảng toàn quốc lên con số 296.

img

Cảng biển Xuân Thiện Nam Định được đề xuất xây dựng để phục vụ tổ hợp dự án Nhà máy thép xanh. Ảnh minh họa

Trong các bến cảng mới được bổ sung, bên cạnh các cảng thương mại, còn có nhiều bến cảng chuyên dùng được đưa vào sử dụng.

Tại Hải Phòng, bến cảng VIMC Đình Vũ và bến cảng chuyên dùng FGG cũng được bổ sung vào danh mục lần này.

Một số khu vực cảng biển có số bến cảng lớn, gồm Hải Phòng có 52 bến, Vũng Tàu có 48 bến…

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, với hệ thống bến cảng trải dài từ Bắc vào Nam, cảng biển Việt Nam đã và đang phát huy tốt vai trò đầu mối thông thương hàng hóa trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của đất nước.

Tại Nam Định, đề xuất xây dựng cảng Xuân Thiện Nam Định nằm trong tổ hợp dự án Nhà máy thép xanh đang nhận được sự quan tâm. Đây là đề xuất của CTCP Xuân Thiện Nam Định, với mức đầu tư dự kiến lên đến 35.000 tỷ đồng (tương đương gần 1,5 tỷ USD).

Ngoài ra, cảng chuyên dùng Xuân Thiện Nam Định được đề xuất xây dựng để phục vụ cho riêng dự án Nhà máy thép xanh của Tập đoàn Xuân Thiện chứ không phải cảng thương mại truyền thống ở nhiều địa phương phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng.

Cụ thể, khu bến cảng biển chuyên dùng Xuân Thiện Nam Định quy mô đến năm 2030 đáp ứng lượng hàng thông qua từ 42,6 đến 48,1 triệu tấn (trong đó 32,6 đến 33,1 triệu tấn phục vụ nhà máy thép xanh số 1 công suất 7,5 triệu tấn/năm, nhà máy thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng công suất 2,0 triệu tấn/năm; và khoảng 10-15 triệu tấn clinker phục vụ xuất khẩu cho các nhà máy xi măng thuộc Tập đoàn Xuân Thiện).

Không khả thi nếu vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ

img

Phối cảnh dự án tổ hợp Nhà máy thép xanh đã được UBND tỉnh Nam Định chấp thuận

Chia sẻ với Báo Giao thông, một chuyên gia về hạ tầng hàng hải cho hay: Hiện nay ở khu vực phía Bắc, có nhiều cảng thương mại nhưng số lượng cảng chuyên dùng không nhiều nên cần tính toán kỹ.

“Nếu đầu tư xây dựng cảng biển ở Nam Định phải nghiên cứu rất kỹ về thủy văn, địa chất, thủy triều, kết nối giao thông, nguồn hàng… Đồng thời phải nghiên cứu kỹ khi triển khai thực hiện dự án vì đặc thù cảng chuyên dùng có nhiều điểm khác biệt so với cảng thương mại”, vị này nhận định.

Liên quan tới đề xuất xây dựng cảng biển của CTCP Xuân Thiện Nam Định, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam đã cho biết mới nhận được hồ sơ của doanh nghiệp và Cục đang nghiên cứu hồ sơ về dự án.

Trước đó, UBND tỉnh Nam Định đã có ý kiến đề nghị Bộ GTVT xem xét cập nhật, bổ sung bến cảng biển chuyên dùng Xuân Thiện vào Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển phía Bắc thời kỳ 2021-2030 và Quy hoạch chi tiết các Nhóm cảng biển và Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Nam Định thời kỳ 2021-2030.

Theo đề xuất, giai đoạn 1 (đến năm 2030) sẽ quy hoạch 19 bến cảng. Kết cấu bến cảng thiết kế tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải từ 5.000 đến 300.000 DWT, quy mô luồng cho tàu 100.000 DWT (cỡ tàu đến 200.000 DWT, lớn hơn giảm tải và lợi dụng mực nước để hành hải).

Dự kiến đến năm 2030, bến cảng sẽ đáp ứng lượng hàng thông qua từ 42,6 đến 48,1 triệu tấn. Tổng vốn đầu tư trong giai đoạn mở đầu dự kiến khoảng 35.000 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có của công ty và vốn huy động.

Ngoài ra, địa điểm xây dựng cảng được đề xuất là tại khu vực bờ biển huyện Nghĩa Hưng, có vị trí không gian từ cửa Lạch Giang đến cửa Đáy. Phạm vi này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, Quy hoạch tổng thể phát triển Cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, trong đó, vùng đất và vùng nước khu vực Ninh Cơ, từ Cửa Lạch Giang đến Cửa Đáy được quy hoạch chức năng phục vụ phát triển kinh tế biển tỉnh Nam Định có các bến cảng và công trình cơ sở đóng mới, sửa chữa, phá dỡ tàu. Nghiên cứu xây dựng bến cảng Khu kinh tế Ninh Cơ, các cơ sở công nghiệp khi có nhu cầu.

Ông Đào Quý Bình-Trưởng Ban quản lý dự án Tổ hợp Thép - Cảng Xuân Thiện Nam Định cho biết: UBND tỉnh Nam Định đã chấp thuận cho doanh nghiệp này đầu tư xây dựng Nhà máy thép xanh số 1 công suất 7,5 triệu tấn năm.

Xuân Thiện cũng được chấp thuận đầu tư Dự án nhà máy thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng quy mô sản xuất thép thành phẩm với công suất 2 triệu tấn/ năm từ thép phế và sản phẩm chứa sắt bằng lò điện hồ quang và đúc cán liên tục; Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định quy mô 500 nghìn tấn sản phẩm/năm.

Theo lãnh đạo Xuân Thiện Nam Định, khi các nhà máy được đầu tư và đi vào hoạt động, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển phục vụ cho việc vận hành các nhà máy này rất lớn. Việc bổ sung quy hoạch cảng biển chuyên dùng Xuân Thiện Nam Định là rất cần thiết để trên cơ sở đó tiến hành đầu tư xây dựng cảng biển đồng bộ với tiến trình cùng các nhà máy thép là hết sức cấp bách.

“Việc xây dựng cảng chuyên dùng sẽ giúp giảm tải áp lực giao thông đường bộ. Bởi nếu vận chuyển đường bộ cho 9,5-10 triệu tấn sản phẩm thép/năm, hệ số vận chuyển phải nhân ba lần tương đương 30 triệu tấn/năm và vận chuyển vận đường bộ các cảng xa đến sẽ không khả thi và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tắc nghẽn, hư hỏng công trình giao thông đường bộ", ông Đào Quý Bình, Trưởng Ban quản lý dự án Tổ hợp Thép - Cảng Xuân Thiện Nam Định cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.