Thời sự Quốc tế

Nghiên cứu mới chỉ ra nguyên nhân gây viêm gan bí ẩn ở trẻ em

26/07/2022, 14:23

Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh cho thấy đợt bùng phát các trường hợp viêm gan ở trẻ em có thể do nhiễm đồng thời 2 virus.

Kể từ khi bùng phát các ca viêm gan bí ẩn ở trẻ em tại nhiều quốc gia trên thế giới vào tháng 10/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận ít nhất 1.010 ca nghi nhiễm, trong đó có 46 ca cần ghép gan và 22 ca tử vong.

Các giả thuyết trước đây tập trung vào adenovirus được phát hiện trong nhiều ca bệnh. Tuy nhiên, trong 2 nghiên cứu mới tiến hành cùng lúc nhưng độc lập tại Scotland và London, các nhà khoa học phát hiện virus AAV2 (adeno-associated virus 2) xuất hiện tại 96% số bệnh nhân tham gia nghiên cứu.

Virus AAV2 thường không gây bệnh và không có khả năng nhân bản nếu không có sự kết hợp của virus khác.

img

Bệnh viêm gan bí ẩn xuất hiện ở trẻ em tại nhiều quốc gia trên thế giới từ tháng 10/2021. Ảnh - AFP

Cả hai nhóm nghiên cứu kết luận rằng việc nhiễm đồng thời virus AAV2 và adenovirus hoặc với virus HHV6 có thể là nguyên nhân dẫn tới các ca viêm gan nghiêm trọng ở trẻ.

Giáo sư bệnh truyền nhiễm Emma Thomson thuộc Đại học Glasgow - người đứng đầu nhóm nghiên cứu tại Scotland, cho rằng virus AAV2 có liên quan tới bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em dù chưa thể kết luận chắc chắn loại virus này là nguyên nhân gây bệnh hay chỉ là dấu vết sinh học từ của một loại adenovirus khác khó phát hiện hơn nhưng đó mới là “mầm bệnh” chính.

Bà Thomson nhấn mạnh cần tìm hiểu thêm về vòng tuần hoàn theo mùa của virus AAV2 - loại virus vốn không thường được các chuyên gia y tế theo dõi. Bà Thomson đưa ra giả thiết đợt bùng phát virus AAV2 trùng thời điểm với đợt bùng phát adenovirus nên đã dẫn tới các ca viêm gan bí ẩn ở các trường hợp trẻ dễ bị nhiễm bệnh.

Cả hai nghiên cứu so sánh các bệnh nhân bị viêm gan với người không mắc và đều phát hiện virus AAV2 chủ yếu xuất hiện ở các trường hợp viêm gan. Hai nghiên cứu cũng loại trừ khả năng đang nhiễm hoặc từng bị nhiễm virus SARS-CoV-2 là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ khi không phát hiện loại virus này trong gan các bệnh nhân.

Hai nghiên cứu kết luận các đợt phong tỏa để phòng dịch Covid-19 có thể là yếu tố dẫn tới việc suy giảm miễn dịch ở trẻ hoặc thay đổi chu kỳ tuần hoàn của virus - những yếu tố có thể liên quan tới đợt bùng phát bệnh viêm gan ở trẻ.

Hai nghiên cứu vẫn còn cần được các chuyên gia trong ngành đánh giá trước khi đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành.

Giáo sư chuyên khoa bệnh gan ở trẻ em Deirdre Kelly tại Đại học Birmingham (không tham gia nghiên cứu) cho rằng việc nhiễm đồng thời 2 loại virus có thể là cách giải thích hợp lý cho các ca viêm gan bí ẩn ở trẻ. Nhưng theo bà Kelly, vẫn cần có thêm nghiên cứu để lý giải tại sao một số trẻ em xuất hiện triệu chứng viêm gan nặng và cần ghép gan.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.