Đường bộ

Nghiên cứu thu hồi vốn các dự án đầu tư công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam

17/02/2022, 19:00

Bộ GTVT kiến nghị cơ quan chuyên môn sớm báo cáo Chính phủ trình Nghị quyết về cơ chế thu hồi vốn đầu tư công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Hoàn vốn theo cơ chế giá

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính liên quan đến phương án thu hồi vốn Nhà nước đã đầu tư vào các đoạn đường bộ sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

img

Trong số 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 được đầu tư bằng 100% vốn đầu tư công, hiện, dự án đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đã được thông xe

Theo đó, để thu hồi vốn Nhà nước đầu tư trên các đoạn đường bộ sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ GTVT thống nhất đề xuất thực hiện thu hoàn vốn theo cơ chế giá.

Về phương thức khai thác, sau khi được Quốc hội/Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế thu hoàn vốn, Bộ GTVT lập Đề án khai thác, quản lý các đoạn đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở triển khai theo đúng quy định tại Nghị định số 33/2019 của Chính phủ, Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được đầu tư bằng 100% vốn đầu tư công, gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2. Tổng mức đầu tư khoảng hơn 65.200 tỷ đồng.

Về cơ chế thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, Bộ Tài chính đã có ý kiến chọn phương án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc Nhà nước đầu tư thu qua trạm thu phí theo quy định pháp luật về giá.

Bộ GTVT cũng nhìn nhận, hiện nay, một số dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đang khẩn trương thực hiện để đưa vào khai thác (đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đã khánh thành và đưa vào khai thác).

Do đó, để triển khai kịp thời việc thu hồi vốn đã đầu tư của Nhà nước, Bộ GTVT kiến nghị Bộ Tài chính sớm báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội/Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước đối với các đoạn đường bộ sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

img

Theo nhận định của chuyên gia, việc tổ chức thu phí hồi vốn tại các dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam cần nghiên cứu áp dụng hình thức PPP thông qua hợp đồng Vận hành - Quản lý như một số nước phát triển đang áp dụng - Ảnh minh họa

Tổ chức thu phí như nào?

Tìm hiểu của PV, liên quan đến phương thức triển khai thu phí các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư 100% vốn, tại Tờ trình số 160 ngày 30/11/2021, Tổng cục Đường bộ VN chỉ đề xuất một phương thức tổ chức quản lý, khai thác, vận hành duy nhất là cơ quan quản lý nhà nước tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí để tổ chức thu. Tổng cục Đường bộ VN có trách nhiệm giám sát công tác thu phí.

Ủng hộ việc tổ chức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên hệ thống đường cao tốc, theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng, những công trình Nhà nước đầu tư, đặc biệt là những công trình đầu tư nhằm nâng cấp hạ tầng giao thông tốt hơn, hiện đại hơn, so với các phương án giao thông song hành (quốc lộ) thì nên thu phí.

“Ở các nước phát triển như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, họ cũng đầu tư xây dựng đường cao tốc bằng ngân sách Nhà nước, sau đó tổ chức thu phí. Việc thu phí không chỉ tạo nguồn lực phục vụ trực tiếp cho cao tốc (công tác vận hành, quản lý, khai thác, bảo trì) mà còn góp phần đáng kể cho quá trình đầu tư hệ thống đường cao tốc khác trong tương lai”, ông Chủng nói.

Từ bài học kinh nghiệm các nước: Mỹ, Nhật, Trung Quốc đang triển khai hiệu quả, ông Trần Chủng cho rằng, nếu được Quốc hội cho phép, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam và các tuyến đường cao tốc trọng điểm có thể áp dụng Luật Đầu tư công xây dựng công trình, sau đó, áp dụng Luật Đối tác công - tư trong quản lý, khai thác, vận hành để huy động nguồn lực xã hội tham gia thông qua hợp đồng O&M (Vận hành - Quản lý).

"Hợp đồng O&M ngoài việc giúp Nhà nước nhanh chóng thu hồi được một khoản tiền lớn từ còn giúp cho quá trình quản lý, vận hành cao tốc được thông suốt, an toàn khi nhà đầu tư PPP đảm nhận tất cả các khâu từ thu phí đến thực hiện các nghiệp vụ quản lý ATGT trên toàn tuyến (vận hành hệ thống giao thông thông minh, duy tu bảo trì, cứu nạn cứu hộ,…), phát huy được hiệu quả công trình", ông Chủng chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.