70 năm truyền thống ngành GTVT

Nghiệp công đoàn và những chuyến đi “bão táp”

25/08/2016, 14:05

Ngày ấy, khi tôi còn là chủ tịch công đoàn cơ sở, mỗi chuyến đi của chúng tôi là một kỷ niệm khó quên...

10

Đèo Mã Pí Lèng, Mèo Vạc, Đồng Văn, Hà Giang - Ảnh: Tạ Tôn

Ngày ấy, khi tôi còn là chủ tịch công đoàn cơ sở, mỗi chuyến đi của chúng tôi là một kỷ niệm khó quên, dù vất vả, gian nan. Mạng sống chênh vênh lắm, lơ mơ là xe lao xuống vực sâu ngay, tính mạng phải hoàn toàn trông cậy vào tay nghề của lái xe…

Có xe để đến với người lao động là hạnh phúc rồi

Thời bao cấp, lại đang diễn ra chiến tranh biên giới phía Bắc, kinh tế đất nước rất khó khăn. Các cơ quan, đơn vị, DN nói chung và ngành GTVT cũng vậy, quy mô khá nhỏ. Các đơn vị trong ngành GTVT vốn gắn chặt với cây cầu, con đường, có mặt ở khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc. Nhưng ngày đó đi lại rất khó khăn, xe cộ không có nhiều như bây giờ. Cả DN khá lắm có khi được vài con xe, đa phần là cà rịch, cà tàng.

Giai đoạn ấy, đang làm chủ tịch công đoàn của một công ty trong ngành GTVT nhưng tôi cũng chưa được bố trí xe riêng. Nếu đi công tác, công ty có xe thì bố trí đi còn không phải đi nhờ. Khi thì kết hợp xe con 4 chỗ của giám đốc, phó giám đốc hoặc bí thư đảng ủy; Khi thì công đoàn, thanh niên phối hợp xin một chuyến xe tải chở vật tư, vật liệu xuống công trường; Cũng có lúc kết hợp xin xe đi chiếu phim phục vụ công nhân.

Bây giờ nhờ kinh tế đất nước phát triển, đi công tác sướng thật, xe chạy băng băng một mạch từ Hà Nội đi Điện Biên, hay đi Lào Cai, người vẫn khỏe re, quần áo comple vẫn tinh tươm, tới nơi là làm việc được ngay. Thành ra, nhớ lại những chuyến công tác gian khổ một thời vừa tự hào nhưng cũng là để trân trọng những thuận lợi hôm nay mà người cán bộ công đoàn cần nhiệt huyết, tận tâm vì người lao động hơn nữa.

Công ty tôi ngày ấy đóng quân ở Sơn La, công đoàn được nước bạn Cuba tặng một bộ máy chiếu phim lưu động; Hàng tháng, chúng tôi xuống đơn vị phục vụ người lao động. Vì thế, khi có chương trình công tác, chúng tôi lên kế hoạch phục vụ và xin xe, báo cho phòng điều độ công ty xin một chuyến xe tải riêng. Có thể là xe thùng hoặc xe BEL để đến với cơ sở và người lao động.

Nhớ những năm tháng mới lên đóng quân trên Tây Bắc (1978-1992), đường miền núi còn xấu lắm, có chặng toàn đường cấp phối, mùa khô bụi mù, mùa mưa trơn lầy, xe luôn bị pa-ti-ne (đứng một chỗ nhưng bánh xe quay tít). Mùa mưa, đường sụt lở, có đoạn chỉ vừa mỗi thân xe nên mọi người ngồi trên xe sợ đến thót tim, đành xuống đi bộ, qua chỗ nguy hiểm mới tiếp tục lên xe. Những ngày mưa lũ lớn, bị tắc đường, phải nhờ xe bạn hoặc nằm chờ máy ủi đến kéo mới qua được. Lúc ấy, chúng tôi phải mua sắn hoặc ngô, xin nước của dân bản ven đường để lót dạ, mọi người chỉ mong qua cơn đói là tốt rồi.

Tôi nhớ những lần đi công tác xe bị hỏng xe hoặc tắc đường giữa lưng đèo, không có nhà dân cũng chẳng có hàng quán, thế là bị đói hoa cả mắt, chỉ mong có người dân hoặc có đi xe qua nhờ giúp đỡ. Còn nằm đường, nằm bản 2-3 ngày là chuyện thường.

Mỗi đợt đi công tác rất gọn nhẹ, chỉ từ 3 - 5 người, người ngồi trong cabin, người phải ngồi trên thùng xe. Nhưng người ngồi trên thùng xe là khổ nhất, mưa nắng thất thường, gặp mưa ướt như chuột lột, gặp trời nắng và gió Lào, mặt mũi đen thui nhưng vẫn cố vượt qua vì có xe đi công tác là sướng rồi, còn hơn phải cuốc bộ hàng chục km đường núi, cực nhọc hơn.

Lơ mơ là bỏ mạng vì những cung đường đèo

Ai đã đi Tây Bắc là nhớ đến các đèo cao, vực sâu thăm thẳm như: Đèo Pha Đin, đèo Thu Cúc, đèo Lũng Lô, đèo Chẹn, đèo Sơn La, đèo Hoa và các “cổng trời”… quanh năm mây phủ. Vì đường đèo hiểm trở quá, lại xấu, sẩy tay lái là lao xuống vực ngay, nên xe qua mà hồi hộp đến thót tim. Hơn nữa, xe lại cà cộ, lốp yếu, máy kêu, thực sự ngồi trên xe không an tâm chút nào. Cứ mỗi lần xe vượt qua một đèo cao, vượt qua một cổng trời là… biết mình còn sống.

Mỗi chuyến đi của chúng tôi ngày ấy là một kỷ niệm khó quên, dù vất vả, gian nan. Mạng sống chênh vênh lắm, lơ mơ là xe lao xuống vực sâu ngay, hoàn toàn trông cậy vào tay nghề của lái xe. Bản thân tôi và 4 đồng nghiệp của công ty đã một lần bị xe lao xuống vực ở Bãi Sang (Mộc Châu), ơn giời và tổ tiên thương tình nên chúng tôi, những người mở đường lên biên giới phía Bắc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc tháng 2/1979 ấy còn sống, thoát chết trở về. Còn nhiều lần khác như chuyện xe mất phanh lao xuống hồ Thuận Châu - Sơn La, xe đang đi bị rơi bánh trước lúc 8, 9h tối ở đèo Mộc Châu, hoặc đang đi xe xoay ngang giữa đường… Thậm chí, có lần xe chiếu phim của chúng tôi đang leo đèo Lũng Lô (Phù Yên - Sơn La) đi phục vụ đội 1, dưới gầm xe bốc lửa, chỉ tích tắc là đi tong cả người và xe, may mà có người đi đường trông thấy, đập cửa cứu.

Hoạt động công đoàn khó khăn, vất vả, thậm chí nguy hiểm cả tính mạng như thế nhưng chúng tôi vẫn vui, yêu đời và say mê công tác. Thoát được chuyến xe “bão táp”, tới nơi là chúng tôi lao vào công việc: Bắc máy chiếu phim, tuyên truyền nghị quyết của Đảng, của Bộ GTVT, tổ chức thi đấu thể thao - văn nghệ cho người lao động công trường vui chơi… cũng như tổ chức các hoạt động khác theo kế hoạch đã định. Gian khổ, nguy hiểm như vậy mà vẫn vui… như Tết.

Nguyên Phó chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.