Trong nước

Nghiệp thể thao: Vinh quang chốc lát, bạc bẽo đeo đẳng

03/03/2016, 07:24

Tới 70% trong con số VĐV “khủng” hàng đầu khu vực này đang có một cuộc sống dưới mặt chung xã hội.

Nguyen Thi Nu

Nguyễn Thị Nụ khi đang là “cô gái vàng” của TTVN tại SEA Games 22

Ở tuổi 31, sau 5 năm đeo đuổi vô vọng giấc mơ làm thầy, nhà vô địch điền kinh SEA Games Nguyễn Thị Nụ nuốt nước mắt xin thôi việc. Chị và cả nghìn VĐV khác không chỉ đánh mất tuổi xuân, sức khỏe, thậm chí mang thương tật suốt đời, mà còn phải gánh chịu một sự bạc bẽo vì nghiệp thể thao.

Nghìn VĐV giải nghệ chỉ một người may

Chân chạy giành HCV SEA Games Nguyễn Thị Nụ thuộc lứa VĐV nổi trội đã giúp Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn lịch sử tại SEA Games 2003 trên sân nhà. Sau 17 năm gắn bó với đường chạy, 5 năm phấn đấu bất thành cho mục tiêu tưởng như rất đơn giản có một việc làm ổn định ở đội điền kinh, Nụ coi như rơi vào cảnh tay trắng. Người phụ nữ 31 tuổi vừa viết đơn xin thôi việc để vào đời lại mà chẳng biết bắt đầu từ đâu, trong cảnh không tiền, không nghề, cùng chấn thương đầu gối nặng.

Đáng nói hơn, cả hàng nghìn tuyển thủ quốc gia trước, cùng và cả sau thời của Nụ cũng đều chung một cuộc sống bấp bênh, khốn khó, bế tắc, gắn với câu chuyện đãi ngộ và đầu ra. Ngay trung tâm thể thao số 1 cả nước là Hà Nội, mới chỉ thấy có duy nhất một võ sĩ wushu Nguyễn Thúy Hiền được thưởng một căn hộ chung cư, rồi đặc cách vào biên chế. Bản thân Hiền cũng thừa nhận mình đã may mắn vì được quan tâm đặc biệt. Còn lại, không biết bao nhiêu đàn anh, đồng đội, chứ chưa nói đến đàn em của Hiền đều phải vừa tự bỏ tiền học Đại học, vừa huấn luyện rồi làm đủ thứ việc, kể cả nhặt cỏ, bê dụng cụ trong nhiều năm với mong muốn trở thành HLV mà không thành. Hàng loạt ngôi sao đình đám hiện tại như: Thạch Kim Tuấn (VĐV cử tạ, TP HCM), Vương Thị Phương (canoeing, Vĩnh Phúc), Nguyễn Mai Phương (HLV wushu)… đều đang chỉ được ký những bản hợp đồng ngắn hạn.

Rất nhiều tài năng chia tay nghiệp đấu cũng đồng nghĩa với việc quay lại làm “lao động tự do”. Đến giờ người ta vẫn không khỏi nhói lòng khi nhắc đến số phận bi thảm của tượng đài làng bơi Trần Xuân Hiền, kình ngư đã ra đi ở tuổi 33 vì một tai nạn giao thông, để lại người vợ trẻ cùng 2 con thơ. Sau khi giải nghệ, anh từng phải đi phụ hồ, bảo vệ khách sạn mưu sinh. Khi Hiền gặp nạn, gia đình anh vẫn đang ở trọ trong căn phòng vài m2, học dở chương trình Đại học TDTT tại chức, và nghèo đến mức phải nhờ tới bạn bè mới có đủ tiền đưa anh về quê an nghỉ.

Mãi là nghiệp bạc?

Hiện tại, thể thao Việt Nam đang duy trì một hệ thống gồm 40 môn đỉnh cao với trên 10.000 VĐV các tuyến. Theo một thống kê từ Viện Khoa học TDTT, có tới 70% trong con số VĐV “khủng” hàng đầu khu vực này đang có một cuộc sống dưới mặt chung xã hội. Tình trạng phổ biến kéo dài với các VĐV là không có công việc ổn định, hầu hết là HLV hay hướng dẫn viên hợp đồng tại các cơ sở thể thao Nhà nước và tư nhân với mức thu nhập xê dịch ở mức 3-4 triệu đồng/tháng. Khoảng 20% thậm chí còn rơi vào cảnh thất nghiệp.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, nguyên nhân một phần vì đặc thù quá khắc nghiệt của thể thao, một phần do điều kiện và chính sách đãi ngộ đối với VĐV còn nhiều hạn chế. “Thể thao luôn có tính đào thải và thay thế rất cao, VĐV liên tục phải đối mặt với các nguy cơ từ thành tích, phong độ, chấn thương. Ngành thể thao lại chỉ có thể đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu về đầu ra, như ước tính tối đa chỉ 15%”.

Ông Thắng cũng cho hay ngoài các chế độ hỗ trợ theo quy định chung của Nhà nước, khi VĐV giải nghệ chưa hề có một khoản nào coi như “lương hưu” tương xứng cho thâm niên tập luyện, thi đấu và đóng góp. Hay VĐV phải chia tay nghiệp đấu vì lý do bất khả kháng, điển hình như chấn thương nặng, cũng không có khoản nào để giúp họ có điều kiện đảm bảo để được học nghề, tìm việc mới.

Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao thẳng thắn nhìn nhận: “Thể thao Việt Nam đang phát triển “nóng” với quy mô đào tạo ngày càng bung nở, song nguồn kinh phí đầu tư, khả năng xã hội hóa, chế độ đãi ngộ vẫn đang giậm chân tại chỗ, nếu không muốn nói còn kém hơn trước. Chính các VĐV sẽ phải gánh chịu hậu quả từ nghịch lý này. Nếu không sớm tạo ra bước đột phá, sẽ ngày càng có nhiều trẻ em có năng khiếu, thậm chí đã thành tài “nói không” với thể thao”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.