Thế giới

Ngỡ ngàng kỳ quan Panama kiếm 5 tỷ USD mỗi năm

30/01/2020, 06:31

Dù phải trả phí qua kênh khá cao nhưng các chủ tàu vẫn lựa chọn, vì tiết kiệm chi phí thời gian và đặc biệt là tiết kiệm rủi ro hàng hải.

img
Hai phía Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của kênh đào Panama

Có hai điều thôi thúc tôi đi Panama, một là muốn đặt chân đến kênh đào Panama nổi tiếng, hai là vì quốc gia này miễn thị thực cho công dân Việt Nam.

Hàng vạn người hy sinh để có kênh đào Panama

Đọc sách, xem phim tài liệu về kênh đào Panama, chỉ có một điều duy nhất là thán phục trước trí tuệ của con người. Một kiệt tác xây dựng mang đến lợi ích kinh tế to lớn không chỉ cho Panama mà cho cả nhân loại.

Nhưng cảm xúc bùng nổ là khi đứng trên tầng cao của kênh đào, nhìn tận mắt toàn bộ không gian xa xa hai bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, với những con tàu đồ sộ đi qua kênh an toàn tuyệt đối. Thật đau đầu để trả lời câu hỏi vì sao ở thế kỷ thứ 19, con người có thể nghĩ ra và thực hiện được một công trình được đánh giá là lớn và khó khăn nhất từ trước đến nay. Năm 1994, kênh đào được Hiệp hội Kỹ sư xây dựng Hoa Kỳ công nhận là 1 trong 7 thành tựu kỹ thuật xây dựng lớn nhất của thế kỷ 20, hay còn gọi là 1 trong 7 kỳ quan thế giới hiện đại.

Sự vĩ đại của kênh đào Panama không chỉ là chính bản thân nó, mà nguồn năng lượng tinh thần sinh ra từ thành tựu khoa học kỹ thuật chấn động này. Thành công của kênh đào Panama khiến cho con người có niềm tin và khát vọng làm ra những công trình khác, đưa nhân loại bước đến những chân trời khoa học mới. Những đúc kết kỹ thuật xây dựng và kiến thức khoa học từ kênh đào Panama, con người có thể tìm ra cho mình đường đi mới trên sự kế thừa tri thức cũ, vì thế mới có những thành tựu rất đáng tự hào về sau.

Trong 7 kỳ quan thế giới hiện đại, tất cả đều ra đời sau kênh đào Panama và chắc chắn, các công trình này có cảm hứng cũng như kế thừa kho kinh nghiệm quý giá của kênh đào Panama. Ví dụ như, đường hầm eo biển Manche, phần dưới biển dài nhất của bất kỳ đường hầm nào trên thế giới. Đường hầm này khởi công xây dựng năm 1987, hoàn thành năm 1994. Hay như công trình đê đập được đánh giá là dự án kỹ thuật thủy lực lớn nhất được thực hiện bởi Hà Lan, khởi công năm 1920 và hoàn thành năm 1997.

Thực ra, ý tưởng làm kênh đào Panama có từ năm 1534, từ bộ óc của Hoàng đến La Mã Charles V và Vua Tây Ban Nha. Có điều, khoa học kỹ thuật thời đó chưa đủ sức để giải quyết một dự án kinh thiên động địa như vậy. Mặc dù chỉ là hạt bụi vô ích, nhưng tôi thầm cúi đầu biết ơn những trí tuệ siêu việt và những con người đã hy sinh để làm nên con kênh đào này. Không biết ơn sao được khi để xây dựng 77km chiều dài kênh đào Panama, đã phải trả giá khoảng 27.500 công nhân, họ chết vì bệnh tật và bị lở đất.

Tham quan bảo tàng kênh đào Panama, qua những tài liệu, hình ảnh, thước phim ghi lại được, mới thấy con người đã cống hiến cho thành tựu xây dựng này như thế nào. Với 44.000 nhân công ban đầu khi khởi công vào năm 1880, họ đã xẻ núi, bẻ sông. Và tiếp theo là di dời hơn 120 triệu tấn đất đá, vét và dọn hàng trăm tấn bùn và đá lở. Chưa kể vào thời điểm đó, dịch bệnh bùng phát, sốt rét khiến cho khoảng 350 công nhân chết mỗi tháng, Panama lúc đó được gọi tên “bờ biển sốt”.

Người Pháp thất bại thì người Mỹ đến, các giải pháp kỹ thuật tiến bộ hơn đã được áp dụng để giải quyết các bế tắc trước đó. Các tiến bộ về y khoa cũng giúp hạn chế người chết vì lý do sức khỏe, nhưng cái giá để trả cũng rất khủng khiếp, khoảng 5.600 công nhân chết từ năm 1904 - 1914. Có điều, từ đó con người có thể khẳng định rằng, phải dám nghĩ đến những điều còn hơn cả sức tưởng tượng và dám làm. Bằng trí tuệ, ý chí, con người chinh phục được những đỉnh cao khoa học để đem đến những lợi ích to lớn cho quốc gia của họ và đóng góp cho nhân loại.

Rút ngắn cung đường ngàn dặm

img
Hướng dẫn viên giải thích vị trí của kênh đào Panama trên bản đồ

José, anh bạn hướng dẫn viên người Panama chỉ tay về hướng Thái Bình Dương, nơi có một con tàu đang chuẩn bị đi qua kênh. Nhìn từ xa, con tàu nhỏ xíu như món đồ chơi trên vùng nước mênh mông. Con tàu tiến qua kênh đào rất chậm, bởi vì phải theo các bước kỹ thuật cực kỳ phức tạp. Con tàu đi vào từng âu tàu, dừng lại khá lâu, có các thiết bị để hỗ trợ chuyển tàu từ âu tàu này sang âu tàu khác. Lý do là vì mực nước ở Thái Bình Dương cao hơn mực nước ở Đại Tây Dương.

17 âu tàu cùng hai hồ nước nhân tạo giúp đưa tàu thuyền sang các mức nước khác nhau, nhưng luôn ở tình trạng cân bằng, lên và xuống như đi từng bậc thang, cho đến khi ra tới phía bờ bên kia. Viết ra chỉ mấy dòng thôi, nhưng giải pháp kỹ thuật thì vô cùng khó khăn, nó được tính toán bởi nhiều kỹ sư hàng đầu thời bấy giờ. Ban đầu là do Pháp thực hiện, tiếp theo là người Mỹ, họ đã hoàn thành xuất sắc công trình vĩ đại này và đưa vào khai thác năm 1914.

José cầm tấm bản đồ kênh đào Panama và vùng Nam Mỹ, vừa chỉ tay trên bản đồ, vừa chỉ các hướng trên thực địa, để cho tôi hình dung về trí tuệ của các bộ óc thiên tài. José giải thích nếu chiếc tàu đang ở trong âu tàu trước mắt đó, không đi qua kênh đào Panama, thì sẽ đi qua eo biển Drake và mũi Cape Horn ở cực Nam của châu lục này. Ví dụ, từ New York đi Vancouver hay từ New York đi San Francisco, nếu không có kênh đào Panama, đoạn đường sẽ dài hơn gấp đôi và phải trả giá với rất nhiều hiểm nguy trên đại dương khi đi qua vùng biển phía Nam. Chưa kể, có những đoạn được rút ngắn gấp nhiều lần, như từ New York đến Valparaiso, đi qua kênh chỉ 1.627 dặm, trong khi đi vòng là 8.337 dặm.

Thu hút 2 triệu du khách mỗi năm

Tôi chợt nghĩ, hai thế kỷ trước, người ta đã làm nên những công trình có giá trị kinh tế to lớn như kênh đào Panama, vậy mà hôm nay, chúng ta vẫn loanh quanh tô phở vĩ đại, bánh chưng kỷ lục. Tại vì sao não trạng vẫn cứ nghĩ đến miếng ăn cho to, thay vì làm ra những sản phẩm có giá trị sáng tạo và cống hiến. Phải thay đổi tư duy và khát vọng để hành động.


Chính vì vậy, cho dù phải trả phí qua kênh khá cao, nhưng các chủ tàu vẫn lựa chọn, vì tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian và đặc biệt là tiết kiệm rủi ro hàng hải. Càng nhiều tàu qua lại thì kênh đào thu hút nhiều lao động, từ kỹ sư cho đến công nhân kỹ thuật. José cho biết, hiện nay có 10.000 người làm việc tại kênh đào Panama, phục vụ khoảng 14.000 tàu đi qua mỗi năm, đem đến cho quốc gia Trung Mỹ này 5 tỷ USD mỗi năm.

Và không chỉ thế, nhờ kiệt tác xây dựng kênh đào nổi tiếng, mỗi năm Panama thu hút khoảng 2 triệu khách du khách quốc tế. Nhiều người mơ ước một lần đặt chân đến kênh đào để xem những con tàu đi qua những âu thuyền như thế nào. Tất nhiên, rất thú vị, bởi vì cảm xúc thật, xem trên phim ảnh không bao giờ có được. Nhưng cũng từ mục đích ban đầu đến xem kênh đào, du khách lại khám phá nhiều nơi tuyệt vời của Panama, như phố cổ Casco Viejo, phế tích cố đô Panama Viejo hay các vườn quốc gia thơm lừng hương cây cỏ. Hóa ra, Panama không chỉ có kênh đào. Và cũng hóa ra, kênh đào không chỉ làm lợi trực tiếp từ hoạt động hàng hải, mà là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch cho đất nước Panama.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.