Xã hội

Ngỡ ngàng về lại “điểm nóng” Thái Bình sau 19 năm

26/03/2016, 14:34

Hàng nghìn người dân xã An Ninh đã đập phá trụ sở, đốt phá tài sản của hàng loạt gia đình cán bộ xã.

điểm nóng Thái Bình
Trụ sở UBND xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình

Kể lại vụ việc xảy ra tại Thái Bình năm 1997, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt cho rằng, bài học lớn nhất rút ra và không bao giờ cũ là chính quyền đừng bao giờ giữ khoảng cách quá xa với người dân.

Chúng tôi về xã An Ninh, Quỳnh Phụ, Thái Bình trong một ngày mưa xuân cuối tháng 3. Con đường vào xã được trải bê tông nhựa, rộng rãi, sạch đẹp, khắp làng trên xóm dưới nhà cao tầng mọc san sát, xe cộ tấp nập như mắc cửi. Có lẽ không ai mường tượng được rằng, cách đây gần 20 năm, chính nơi này và một số xã khác ở các huyện Đông Hưng, Thái Thụy... đã diễn ra một sự kiện chấn động dư luận cả nước.

Hồi ức không thể quên

Nhắc về sự kiện tháng 6 năm 1997, ông Đỗ Văn Nam, Chủ tịch UBND xã An Ninh trầm ngâm: “Lúc đó tôi đang là Bí thư Chi bộ thôn 2 nên toàn bộ diễn biến của sự việc tôi nắm rất rõ”.

Ông Nam cho biết, thời gian trước khi xảy ra sự việc, xã An Ninh được coi là lá cờ đầu của huyện Quỳnh Phụ, một điển hình tiên tiến trong nhiều lĩnh vực mà nhiều địa phương khác phải học hỏi… Tuy nhiên, đang ở trên đỉnh cao thì chính nơi đây lại xuất hiện những mâu thuẫn cực kỳ nguy hại xuất phát từ việc nôn nóng phát triển nhưng cách quản lý không khoa học đã dẫn đến việc lạm dụng thu chi, thiếu dân chủ. Những đóng góp vượt khả năng của người dân, cùng những bất bình khi chứng kiến một số cán bộ xã giàu lên bất thường đã khiến cho mâu thuẫn giữa người dân và chính quyền bùng phát.

Ban đầu là những lá đơn khiếu kiện không được trả lời thỏa đáng, cách trả lời thường là sự im lặng kéo dài, hoặc lờ đi, hoặc thanh tra công khai nhưng kết quả không có gì. Mâu thuẫn lên đỉnh điểm dẫn tới các cuộc biểu tình có xu hướng bạo lực từ cả chính quyền địa phương lẫn phía người dân. Đỉnh điểm của sự việc diễn ra vào tối 26/6/1997, hàng nghìn người dân xã An Ninh đã đập phá trụ sở xã, đốt phá tài sản của hàng loạt gia đình cán bộ xã. “Sự việc đi quá xa nên  lãnh đạo tỉnh và T.Ư vào cuộc một cách quyết liệt nhằm ổn định tình hình.

Sau vụ việc đó, hàng loạt cán bộ xã đã bị xử lý nghiêm khắc, người bị cách chức, người bị kỷ luật, người bị chuyển công tác. Đáng buồn nhất là có đến 11 người dân bị truy tố vì tội gây rối trật tự công cộng và phá hoạt tài sản XHCN. Suốt một thời gian dài xã An Ninh chìm trong u ám. Chúng tôi không bao giờ quên được những ngày tháng ấy bởi đó luôn là bài học chính quyền và nhân dân cần phải nhìn vào để cùng rút kinh nghiệm”, ông Nam nói.

Vững bước xây dựng nông thôn mới

điểm nóng thái bình 1
Đường vào xã An Ninh khang trang, tấp nập xe cộ

Ông Nam cho biết, chỉ vì không kiềm chế được và đấu tranh không đúng cách mà nhiều người nông dân hiền lành, chất phác phải vướng vào lao lý, người nặng nhất bị phạt tù 11 năm, người nhẹ cũng 3 năm. Sau khi mãn hạn trở về, 11 nông dân năm xưa đều chăm chỉ làm ăn lương thiện, có người đi làm ăn xa, người ở lại quê hương làm ruộng, kinh doanh nhưng hiện tại họ đều có cuộc sống ổn định.

“Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để giúp đỡ những trường hợp này khi họ về địa phương. Nhiều trường hợp tu chí làm ăn đã có của ăn của để, thậm chí thu nhập cao hơn mặt bằng dân trong xã”, ông Nam phấn khởi cho biết.

Chúng tôi tìm đến nhà anh Phạm Thế Lâm, SN 1979 hiện đang sinh sống tại thôn Dục Linh 2, một trong số 11 người vướng vòng lao lý năm ấy, giờ đã là chủ một trang trại lớn. Nhắc lại sự việc cách đây 19 năm, anh không ngần ngại chia sẻ: “Năm đó, tôi mới có 18 tuổi, việc đập phá trụ sở nói vì a dua thì cũng không đúng bởi lúc đó, thực sự chứng kiến những việc làm sai trái của một số lãnh đạo tôi quá bức xúc. Sự bồng bột của tuổi trẻ đã khiến tôi không đủ tỉnh táo dẫn tới hành động sai lầm. Tôi phải chịu án tù 11 năm. Suốt 7 năm 8 tháng 13 ngày ở trại, tôi mới thấm thía về hành động sai lầm của mình”.

Theo chân anh Lâm ra ngoài trang trại, trước mắt chúng tôi là ao cá và ruộng hoa màu rộng tới 3,7 mẫu. “Sau những bồng bột tôi đã hiểu ra nhiều rồi, bây giờ tôi chỉ chí thú làm ăn. Hiện tại, tôi tập trung nuôi cá và vịt dưới ao, bên trên thì trồng rau nên cũng chỉ đủ ăn nhưng 5 năm nữa thôi nếu các nhà báo quay lại đây sẽ thấy cơ ngơi của tôi khác nhiều”, anh Lâm bộc bạch.

Bài học gần dân

Nhắc về sự việc cách đây gần 20 năm, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, lúc đó đang là Trưởng Ban Dân vận T.Ư kể: “Vào thời điểm năm 1997, hàng trăm người dân Thái Bình ở các xã, huyện tụ tập, kéo cả lên tỉnh phản đối chính quyền rồi bắt giữ một số cán bộ. Điển hình có những cuộc đến 600-700 người tụ tập ở xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ hay ở các xã thuộc huyện Đông Hưng. Nhận được thông tin về vụ việc, tôi với tư cách là Trưởng ban Dân vận cùng với đồng chí Quách Lê Thanh ở Ban Nội chính T.Ư phải xuống tận nơi nắm tình hình. Lúc đó chính quyền, công an lo lắng, sợ tôi xuống sẽ bị người dân bắt, nhưng tôi tin không có chuyện đó”.

Xuống đến nơi, ông Duyệt chưa kết luận gì cả mà triệu tập 28 cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh để nghe báo cáo sự việc. “Sau đó, tôi cho mời 400 cán bộ từ xã tới huyện của Đông Hưng, cả những người đã nghỉ hưu về họp. Tiếp đến, mời 300 cán bộ chủ chốt của huyện Thái Thụy báo cáo. Nghe xong tất cả, nắm được tình hình vẫn xuất phát từ những nguyên nhân trên. Ngay sau đó, tôi triệu tập khối dân vận và cho họp toàn bộ khối gồm mặt trận, cựu chiến binh, thanh niên, phụ nữ… Tất cả đều rất hăng hái, nói rất thẳng thắn”, ông Duyệt nhớ lại.

Họp xong ở các địa phương, đã xác định được hướng giải quyết, ông Duyệt quay trở lại T.Ư, mời hơn 100 cán bộ trung, cao cấp là những người xuất thân từ Thái Bình họp ở T.Ư Hội Nông dân…“. Khi ấy, tổ công tác gồm 11 người do tôi làm tổ trưởng về Thái Bình, đại diện cho Đảng giải quyết công việc. Tôi xuống tận nơi và trực tiếp nói chuyện với người dân. Có xã 500- 600 người kéo đến, chúng tôi ở bên trong nói chuyện với các lão thành Cách mạng, ở ngoài dân mít tinh, gọi loa ầm ầm. Tôi cho người ra báo bà con cử 10 người đại diện vào nói chuyện.

Khi 10 người dân đại diện vào, chúng tôi nghe họ trình bày và ôn hòa giải thích, đưa ra hướng giải quyết để họ ra truyền đạt lại với những người khác. Khi họ ra thông tin lại thì người dân hoan nghênh, vỗ tay ầm ầm. Lúc tôi ra ô tô về còn vỗ vào xe tôi và nói: “Bác Duyệt ơi, đừng bảo chúng tôi cực đoan nhé!”, ông Duyệt kể.

Ông Duyệt còn cho biết hồi ấy, mấy trăm người của lực lượng quân đội cũng được đưa vào đóng trong khu vực công cộng như trường học, Ủy ban với mục đích tiếp cận và tuyên truyền cho dân. Lúc đầu thấy bộ đội xuống, dân ra xua đuổi, giằng balo vứt xuống ao, nhưng lực lượng bộ đội chỉ cười và nói thấy bà con khó khăn nên đến sát cánh cùng bà con. Dần dần, họ tiếp cận với nhân dân, nghe nhân dân giãi bày, vận động và tuyên truyền giải thích pháp luật nên bà con cũng lắng nghe.

Khi giải quyết tình hình mất ổn định ở Thái Bình, ông Duyệt có những đợt 15 ngày liền không về nhà. Tổ công tác khi ấy gồm nhiều thành phần tham gia, nhưng không quyết trực tiếp vấn đề gì mà cùng bàn bạc, sau đó về báo cáo Bộ Chính trị. Sau 2 năm, từ năm 1997 đến giữa năm 1999, Bộ Chính trị mới ký quyết định giải thể tổ công tác.

Trong khoảng 2 năm ấy, ông liên tục đi về Thái Bình khoảng 50 lần. Hướng giải quyết khi đó là làm rõ khuyết điểm, quy trách nhiệm cho từng người cụ thể. Trước tiên, người đứng đầu tỉnh là Bí thư, Chủ tịch phải xin thôi giữ chức. Sau đó, các cán bộ bên dưới cũng phải tự kiểm điểm. Trong vụ việc ấy, tổng số xử lý gần 1.300 cán bộ tính từ trưởng thôn trở lên. Sau mấy tháng tình hình ổn định thì quyết định điều động Bí thư Hải Dương sang làm Bí thư Thái Bình.

“Nguyên nhân do ở trên quan liêu, ở dưới cũng quan liêu, đánh giá không đúng tình hình. Cán bộ ở dưới thì phô trương báo cáo thành tích nhiều, cán bộ ở trên thì đánh giá bên dưới cái gì cũng tốt, nhưng nhân dân Thái Bình lại không nghĩ thế. Thực tế, trong mối quan hệ giữa lãnh đạo với nhân dân Thái Bình khi ấy còn khoảng cách rất xa”, ông Duyệt nhắc lại bài học được rút ra là gần dân, hiểu dân sau vụ việc, có lẽ không bao giờ cũ.

Chia sẻ thêm về tình hình phát triển kinh tế, chăm lo đời sống người dân trong xã, Chủ tịch UBND xã Đỗ Văn Nam cho hay, từ năm 2007 đến nay, xã An Ninh đạt danh hiệu là địa phương 4 năm liền dẫn đầu tất cả các phong trào toàn huyện.

Đảng bộ luôn đạt danh hiệu Trong sạch - vững mạnh. Tháng 11/2014, xã An Ninh đã đạt đủ 19 tiêu chí và được tỉnh Thái Bình công nhận là xã đạt chuẩn Quốc gia về nông thôn mới, thu nhập bình quân 35 triệu đồng/người/năm.

Ngày 18/2/1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Chỉ thị nêu rõ, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là mục tiêu, đồng thời là động lực bảo đảm cho thắng lợi của Cách mạng, của công cuộc đổi mới.

Tuy nhiên, nhìn chung, quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực; tệ quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân vẫn đang phổ biến và nghiêm trọng. Vì vậy, khâu quan trọng và cấp bách trước mắt là phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là nơi cần thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.