Doanh nghiệp

Ngỡ ngàng ý chí vượt khó của những doanh nhân khuyết tật

17/04/2018, 07:35

Kém may mắn từ khi sinh ra, nên để trở thành chủ một doanh nghiệp, những người khuyết tật (NKT) phải nhẫn nại hơn...

21

Đã 37 tuổi nhưng chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - dịch vụ và thương mại Suri chỉ cao 88cm

Biến kém may mắn thành lợi thế

Chào đời trong tình trạng bị bại liệt toàn thân bẩm sinh, chỉ có hai ngón tay cử động được, anh Nguyễn Quốc Toàn (SN 1979, Giám đốc Công ty TNHH NQT) chưa được một ngày đến trường, chỉ ở nhà tự học chữ với sự trợ giúp của bố mẹ. Đến năm 9 tuổi, Toàn đã gần như đọc hết các bộ sách quý của Việt Nam và Trung Quốc. Nhận thấy hạn chế của bản thân, Toàn quyết lựa chọn công nghệ thông tin làm lối đi cho mình. Vượt qua rất nhiều khó khăn ban đầu, đến nay Công ty NQT đã trở thành doanh nghiệp ổn định với doanh thu hàng năm đạt 6-8 tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều NKT.

Anh Toàn là một trong 50 doanh nhân là NKT - lần đầu tiên được ghi nhận, tôn vinh trong chương trình tổ chức ngày 16/4 tại Hà Nội. Mỗi người mang một khuyết tật từ khi sinh ra, song đều nỗ lực vượt qua hoàn cảnh, không những không phụ thuộc vào gia đình, người thân, mà còn trở thành những chủ doanh nghiệp.

"Những hình ảnh của gần 50 giám đốc NKT trong chương trình “Hội ngộ doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất là NKT” cho thấy, họ là những người giàu tri thức, ham học hỏi, không ngừng nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu công việc, quyết tâm theo đuổi đam mê. Họ không chỉ thoát nghèo mà làm giàu chính đáng, tạo được chỗ đứng vững chắc trong xã hội, xây dựng sự nghiệp cho bản thân và giúp đỡ cả người lành lặn và NKT khác”.

Ông Lương Phan Cừ
Chủ tịch Trung ương Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi Việt Nam

Như chị Nguyễn Thị Thu Hiền (Thanh Hóa), năm nay đã 37 tuổi song chỉ cao 88cm, đôi bàn tay bé xíu và đôi chân chỉ có thể tập tễnh bước đi những bước ngắn như đứa trẻ lên 3. “Tuổi thơ của tôi trôi qua trong sự chế nhạo của bạn bè đồng trang lứa, nhưng điều đó càng làm tôi tăng thêm khát vọng được sống, được hòa nhập”, chị Hiền tâm sự.

Miệt mài học, thi đỗ cao đẳng kế toán, rồi liên thông đại học, chị Hiền xin tập sự không lương làm báo cáo thuế tại một doanh nghiệp tư nhân. Ròng rã một thời gian, thấy đủ vững, chị Hiền lập Công ty TNHH Sản xuất - dịch vụ và thương mại Suri do chị làm giám đốc, chuyên sản xuất các mặt hàng bê tông đúc sẵn, bàn ghế granite, san lấp mặt bằng, vận chuyển đất đá thải nội bộ… Năm 2011, chị tiếp tục mở thêm một câu lạc bộ giải trí bi-a. Hiện, công ty của chị Hiền có 16 lao động chính và gần 10 lao động thời vụ, với mức lương trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.

Hay anh Điêu Chính Quốc Tuấn (Bình Phước), dù khiếm thị song vẫn tìm đủ nghề để sống, từ xay đậu hũ, bán tạo hoá nhỏ. Sau thấy vợ nấu ăn ngon, anh nảy ra ý tưởng mở dịch vụ nấu ăn. Trải qua nhiều khó khăn, năm 2008, anh thành lập Hoa Viên Thanh Yến chuyên kinh doanh việc làm được nhiều người biết đến, tạo việc làm cho 40 lao động thường xuyên…

Vốn là NKT, khi đã thành công, các giám đốc người khuyết tật đều nhiệt tâm dạy nghề và truyền nghề cho người khác. Chị Hoàng Thị Khương (Hà Nội), Giám đốc Công ty TNHH Thêu tranh ảnh cao cấp Hoàng Thị Khương mỗi năm dạy nghề cho khoảng 50 NKT, công ty đang tiếp nhận 20 lao động khuyết tật làm việc, thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng. Chị Phạm Thị Tơ (Vĩnh Long), Giám đốc HTX Thủ công mỹ nghệ Quyết Thắng, riêng năm 2017 đã mở lớp dạy nghề cho 129 lao động nữ. Ông Hoàng Văn Trung (Hà Nội), Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Hoa Sơn trong 13 năm qua đã đào tạo nghề cho hơn 800 người…

“Truyền nghề cho người khác, đặc biệt là người đồng cảnh, với mong muốn con đường các em đi sẽ ngắn hơn, bớt chông chênh hơn con đường mình đã đi”, chị Hoàng Thị Khương thủ thỉ.

“Vì thiệt thòi mà kiên cường hơn, nhẫn nại hơn”

Tại cuộc hội ngộ lần đầu tiên được tổ chức này, 48 giám đốc các doanh nghiệp đều là NKT đã cùng nhau chia sẻ nhiều kinh nghiệm vươn lên trong cuộc sống, vượt qua khó khăn để phát triển. Ngoài ý chí vươn lên, không cam chịu số phận, nhiều giám đốc khuyết tật chia sẻ, họ thành công là nhờ sự tự tin, kiên trì, say mê và biết chọn lựa đúng ngành nghề phù hợp.

Anh Nguyễn Quốc Toàn, Giám đốc Công ty TNHH NQT cho hay, lĩnh vực công nghệ thông tin khá phù hợp với điều kiện sức khỏe của NKT. “Khi mở công ty, tôi tâm niệm phải hết lòng vì khách hàng. Máy điện thoại và máy tính của tôi online 24/24h. Có khi, 2h đêm khách hàng điện chỉ để hỏi vì sao máy tính không nghe được nhạc, tôi vẫn tận tình tư vấn, hướng dẫn khách. Hay có trường hợp đã 22h, khách vẫn điện yêu cầu phải lắp đặt camera tại nhà ngay trong đêm, đích thân tôi cùng anh em đến triển khai ngay cho khách. Đấy là thế mạnh của chúng tôi”, anh Toàn tự tin nói.

Anh Nguyễn Vũ Hội, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phương (Bắc Giang) cho biết, trong công việc, anh luôn tự tin ngẩng cao đầu và không cho phép ai nhìn mình với ánh mắt thương hại. “Tôi là NKT, phải ngồi xe lăn, nhưng tôi là đối tác của anh, tôi cần đánh giá bằng chất lượng và hiệu quả công việc”, anh Hội khẳng định và cho hay, đến nay công ty có 45 lao động, doanh thu đạt trên 30 tỷ đồng/năm.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (Quảng Nam), Giám đốc Công ty TNHH Quang Toàn chuyên mua bán, sửa chữa các loại máy cơ khí, đồng thời là chủ Thẩm mỹ viện Tuyết Mai chia sẻ, NKT có những thiệt thòi riêng, nhưng bù lại họ có niềm say mê, kiên trì và nhẫn nại vô cùng. “Bởi những thiệt thòi mà số phận sắp đặt vô hình trung khiến chúng tôi trở nên kiên cường hơn, nhẫn nại hơn, khó đầu hàng hơn”, chị Mai nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.