Hồ sơ tài liệu

Ngoại giao gấu trúc độc đáo của Trung Quốc

11/09/2021, 08:52

Cuối tháng 8 vừa qua, Singapore đón mừng sự kiện hai chú gấu trúc trưởng thành có tên lần lượt là Kai Kai và Jia Jia sinh con thành công.

Sự kiện không chỉ nhận được lời chúc mừng của Thủ tướng Lý Hiển Long mà còn được truyền thông địa phương ca ngợi mang lại cảm giác lạc quan trong quan hệ song phương Singapore - Trung Quốc.

Đây chính là cặp gấu trúc được Chính phủ Trung Quốc gửi tặng Singapore cách đây 9 năm như một món quà ngoại giao.

img

Thủ tướng Đức Angela Merkel mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm vườn thú nơi chăm sóc cá thể gấu trúc mà Bắc Kinh cho mượn ngoại giao (Chụp tháng 7/2017). Ảnh: AFP

Món quà chỉ dành cho sự kiện ngoại giao đặc biệt

Gấu trúc là loài động vật quý hiếm, được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đưa vào danh sách loài động vật dễ bị tổn thương. Lượng cá thể gấu trúc trong tự nhiên hiện tại chỉ khoảng 1.800 con.

Trong khi đó, phần lớn môi trường sống dành cho gấu trúc đang bị đe dọa.

Vì vậy, loài động vật này được coi là động vật quý hiếm quốc gia và biểu tượng văn hóa của cả đất nước tỷ dân. Về mặt ngoại giao, từ những năm 50 của thế kỷ trước, Bắc Kinh đã coi gấu trúc là biểu tượng của tình bạn và thiện ý khi nước này bước ra thế giới.

Món quà đặc biệt này thường được trao để đánh dấu nhiều điểm nhấn ngoại giao quan trọng của Bắc Kinh trong lịch sử hiện đại.

img

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tặng Hàn Quốc cặp gấu trúc

Lần đầu tiên, Trung Quốc chọn gấu trúc làm quà ngoại giao là vào năm 1957. Bắc Kinh đã tặng một cá thể mang tên Ping Ping cho Liên Xô khi đây là quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ với Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.

Hai năm sau, Trung Quốc gửi thêm 1 chú gấu khổng lồ An An sang Liên Xô để Ping Ping có cặp.

Tương tự, năm 1972, vài tháng sau khi Tổng thống Richard Nixon tới thăm thủ đô Trung Quốc để bình thường hoá quan hệ song phương, Bắc Kinh đã gửi tặng Mỹ cặp gấu Hsing Hsing và Ling Ling. Đáp lại cử chỉ ngoại giao này, Tổng thống Nixon đã tặng Trung Quốc cặp bò xạ hương.

Trung Quốc tiếp tục đưa gấu trúc vào nghệ thuật ngoại giao theo hình thức tặng đến năm 1980. Trong thời gian này, ước tính có 23 con gấu trúc đã được gửi tới 9 quốc gia bao gồm Pháp, Anh, Nhật Bản…

Từ quà tặng đến cho mượn

img

Chú gấu Jia Jia và gấu con đang được chăm sóc tại Singapore. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Singapore

Từ đầu năm 1980, Trung Quốc không thể tiếp tục duy trì chính sách trao tặng vì số lượng cá thể gấu trúc giảm mạnh, đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Chính phủ Trung Quốc đã chuyển từ hình thức tặng quà sang cho mượn.

Theo báo Channel New Asia, mỗi cặp gấu thường được cho mượn theo thời hạn 10 năm/một lần. Các quốc gia nhận gấu trúc của Trung Quốc phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về chăm sóc, nuôi dưỡng đồng thời chi trả tới 1 triệu USD/năm cho đặc quyền này.

Đó là chưa kể nhiều loại phí đáng kể khác nếu cặp gấu trúc sinh con trong thời gian còn thỏa thuận. Nhìn chung, các cặp gấu trúc thường được đưa về nước sau khi hết hạn 10 năm còn các chú gấu con sẽ được đưa về ngay trong 4 năm đầu tiên để tham gia vào chương trình nhân giống quốc gia.

Qua chương trình cho mượn ngoại giao, gấu trúc đã được đưa tới 20 quốc gia. Lần gần đây nhất là tới công viên Copenhagen của Đan Mạch năm 2019. Các quốc gia nhận quà cũng được hưởng lợi lớn qua việc mở cửa cho khách thăm quan gấu trúc.

Trong những năm gần đây, theo Channel New Asia, những thoả thuận tặng/cho mượn gấu trúc không chỉ phản ánh mối quan hệ ngoại giao song phương tốt đẹp mà còn trùng vào thời điểm Bắc Kinh và nước đối tác đạt những sự kiện/kết quả thương mại lớn.

Chẳng hạn, Trung Quốc đã tặng gấu trúc tới Canada, Pháp và Australia sau khi đạt được thoả thuận song phương với các nước này về xuất khẩu Uranium.

Hay khi Trung Quốc gia hạn thoả thuận cho mượn gấu trúc với Thái Lan sau thời điểm hoàn tất thoả thuận thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc vào năm 2010.

Đặc biệt, số lượng gấu trúc được cho mượn tăng cao kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhậm chức cũng như khi Bắc Kinh tăng cường tham vọng “bước ra thế giới”.

Nhà văn và học giả Lin Wen-cheng chỉ ra: “Các sinh vật đáng yêu này có thể dễ dàng thuyết phục trái tim của người nước ngoài, đặc biệt là thế hệ trẻ cũng như tạo thiện cảm tốt hơn cho Trung Quốc”.

Đối với Bắc Kinh, chiến lược tặng/cho mượn gấu trúc mang về nhiều kết quả tích cực trong ngoại giao cũng như nâng cao nhận thức về bảo tồn. Phần lớn số tiền nhận được qua chương trình cho mượn sẽ được trực tiếp đưa vào quỹ cải thiện môi trường tre tự nhiên cho gấu trúc cũng như hỗ trợ những chương trình nhân giống trong tương lai.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.