Góc nhìn

Ngoại trưởng Tillerson cảnh báo gì trước khi mất chức?

26/03/2018, 07:34

Lời cảnh báo của ông Rex Tillerson, cựu Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến công du tới châu Phi trước khi bị sa thải...

36

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson

Lời cảnh báo của ông Rex Tillerson, cựu Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến công du tới châu Phi trước khi bị sa thải được cho là những tuyên bố đầy cảnh giác nhằm vào sự ảnh hưởng đang gia tăng không ngừng của Trung Quốc.

Ảnh hưởng của Trung Quốc

Một trong những cảnh báo cuối cùng của ông Tillerson trong chuyến công du lần đầu tiên đến châu Phi là về những nguy cơ khi các quốc gia nghèo hoặc đang phát triển bị cuốn hút bởi các khoản vay từ Trung Quốc trong “Sáng kiến Vành đai và con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sáng kiến đầy tham vọng này được kỳ vọng sẽ cung cấp đường cao tốc, đường sắt, đường ống, cảng biển và các nhà máy năng lượng vốn vô cùng cần thiết ở các nước nghèo, nhưng theo ông Tillerson thì không hoàn toàn như vậy.

“Chúng tôi không có ý muốn ngăn dòng tiền của Trung Quốc đổ vào châu Phi, nhưng các nước châu Phi cần phải cân nhắc kỹ lưỡng các điều khoản của những thỏa thuận cho vay (mà họ ký với Trung Quốc) để không đánh mất chủ quyền của mình”, ông Tillerson phát biểu ngày 8/3.

Khi đó, vị cựu Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, việc hỗ trợ vốn này thực tế là đánh đổi những lợi ích thương mại ngắn hạn cho sự phụ thuộc lâu dài. Tuy nhiên, theo báo chí Trung Quốc, “lời cảnh báo này lại chỉ cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc đối với lục địa đen ngày càng tăng”.

Dù Washington viện trợ nhân đạo rất nhiều cho châu Phi nhưng Trung Quốc mới là bạn hàng lớn nhất của châu lục này, vị trí mà Bắc Kinh nắm giữ kể từ sau khi soán ngôi Mỹ năm 2009. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump mới đây cũng đề xuất cắt giảm ngân sách dành cho Liên hợp quốc và các cơ quan viện trợ quốc tế (USAID) đối với châu Phi.

Ở một số góc độ nào đó, ý kiến ​​của ông Tillerson có sức thuyết phục. Học giả John Hurley tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu (ở Washington) đưa ra nghiên cứu về vấn đề này và kết luận rằng, 23 quốc gia trong số các nền kinh tế được tiếp nhận vốn bởi “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” có nguy cơ vỡ nợ; và 8 nước trong số này (Pakistan, Lào, Maldives, Mông Cổ, Djibouti, Montenegro, Tajikistan và Kyrgyzstan) thuộc diện tài chính phụ thuộc vào sáng kiến của Trung Quốc sẽ bị tăng đáng kể rủi ro về nợ nần.

Học giả người Mỹ cũng cho biết: “Một sáng kiến ​​trị giá 8 nghìn tỷ USD trong vòng 2 thập kỷ sẽ khiến các quốc gia nợ nần chồng chất, gây cản trở đầu tư công và tăng trưởng kinh tế vững chắc. Đặc biệt, rủi ro sẽ càng cao nếu các dự án được thực hiện nhanh chóng và được tài trợ với khoản vay hoặc bảo lãnh vốn chủ sở hữu”.

Trung Quốc đáp trả gì?

Về phần mình, một số ít các nhà phân tích - những người bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc đã lật ngược lại vấn đề đối với các khoản vay từ “người khổng lồ châu Á”. Theo họ, xét chi tiết các điều khoản tài chính trong dự án thuộc "Sáng kiến Vành đai và Con đường" thì không có bằng chứng đây là kiểu “cho vay tống tiền”.

Lấy ví dụ như, tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào trị giá 6 tỷ USD được hỗ trợ bởi khoản vay 465 triệu USD trong 25 năm với lãi suất 2,3% và thời gian ân hạn 5 năm ban đầu.

Như vậy, Trung Quốc sẵn sàng cung cấp tín dụng bổ sung để tránh tình trạng vỡ nợ cho các nước đi vay, mà ví dụ cụ thể là khoản vay trị giá 15 tỷ nhân dân tệ (2,3 tỷ USD) cho Mông Cổ năm ngoái. Vì thế, đối với các nước nghèo đang cần nhu cầu về đầu tư cơ sở hạ tầng, “miếng bánh” của Trung Quốc đưa ra vẫn rất hấp dẫn, miễn sao các nền kinh tế tính toán dùng tiền vào những dự án có lợi nhất và đảm bảo tài chính phù hợp.

Theo các chuyên gia, một vấn đề còn lớn hơn nhiều là khoản nợ “khủng” được tích lũy trên toàn thế giới trong suốt một thập kỷ qua sau khi thị trường tài chính sụp đổ tại Mỹ năm 2008 mà Washington có phần trách nhiệm.

Nhìn lại năm 2008, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ suy thoái, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thực hiện các chính sách “nới lỏng tiền tệ”, cắt giảm lãi suất xuống gần bằng 0 và duy trì mức lãi suất này trong 7 năm. Số nợ khổng lồ đã được đổ vào nền kinh tế toàn cầu. Tổng nợ toàn cầu tăng hơn gấp đôi trong vòng 10 năm, chạm ngưỡng 233 nghìn tỷ USD cuối năm 2017, tương đương mức nợ khoảng 30.000 USD/người trên toàn hành tinh.

Thời gian gần đây, chứng kiến sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ, FED lại liên tục tăng lãi suất. Văn phòng Ngân sách của Quốc hội Mỹ cho biết, chi phí lãi suất ở Mỹ sẽ tăng gấp ba trong thập kỷ tới, từ 269 tỷ USD năm 2017 lên 818 tỷ USD vào năm 2027. Thế nhưng, lãi suất tăng lại khiến gánh nặng nợ tại nhiều quốc gia trở nên trầm trọng hơn. “Khoản nợ tăng vọt có thể là bước khởi đầu của một quá trình phá sản tư nhân chưa từng có”, theo cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Như vậy, chính sách của FED và ảnh hưởng phát sinh sau vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 tại Mỹ có thể sẽ gây ra tình trạng “nguy khốn” còn hơn cả "Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường" của Trung Quốc trong hai thập kỷ tới. Và báo giới ngờ rằng, cảnh báo cuối cùng của ông Tillerson đang cố gắng khiến mọi người phân tâm khỏi xu hướng này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.