Hàng không

Vận tải hàng hóa - "lối ra" cho doanh nghiệp hàng không mùa dịch

16/07/2021, 16:02

Trước khi "vua hàng hiệu" Jonathan Hạnh Nguyễn đề xuất lập hãng vận tải hàng hóa, từ 4 năm trước, Vietnam Airlines đã manh nha ý tưởng này.

Tháo ghế chở hàng

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện các hãng hàng không Việt Nam gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines đều đã được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không (bao gồm cả việc chở hành khách và hàng hóa).

Các hãng đều đang triển khai thực hiện các chuyến bay chuyên chở hàng hóa, gồm cả việc chở hàng trên khoang hành khách nhằm tăng thêm năng lực vận chuyển hàng hóa và có thêm nguồn thu để bù đắp thiệt hại do dịch Covid-19.
img

Vietnam Airlines tăng cường vận tải hàng hoá trong mùa dịch

Về đề xuất lập hãng vận tải hàng hoá IPP Air Cargo của ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Bộ GTVT vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét cho phép thành lập hãng hàng không mới trong giai đoạn hiện nay (bao gồm cả việc thành lập hãng hàng không chuyên chở hàng hóa) vì đây là một trong các biện pháp hạn chế tối đa khả năng mất cân đối cung/cầu của thị trường, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Bộ GTVT sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thị trường, ảnh hưởng của dịch bệnh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về khả năng thành lập hãng hàng không mới vào thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến 2022).

Số liệu của Cục Hàng không VN cho thấy, sau khi dịch Covid-19 bùng phát, tỷ trọng doanh thu vận tải hàng hoá của các hãng hàng không nội địa đã tăng gấp 3 so với thời điểm trước dịch.

Cụ thể, tỷ trọng doanh thu từ vận tải hàng hoá của Vietnam Airlines tăng từ 11,1% lên 31,4%. Con số tương ứng của Vietjet là 3% và 10%. Tương tự, số liệu này Bamboo Airways cũng tăng từ 2,7% lên 8,2%.

Tính đến 28/6/2021, các hãng hàng không đã hoán đổi 9 tàu bay sang chở hàng theo hình thức tháo ghế hành khách để chở hàng trên khoang. Trong đó, Vietnam Airlines hoán đổi 5 tàu bay (2 tàu bay A321 và 3 tàu bay A350), Vietjet Air hoán đổi 4 tàu bay A321.

Ngoài ra, một số tàu bay khác (chưa tháo ghế) cũng được chở hàng trên khoang hành khách với điều kiện không chở khách trên cùng chuyến bay.

Lập hãng vận tải hàng hoá, cơ hội trong mùa dịch

Liên quan đến việc vận tải hàng hóa đang giữ vai trò chủ lực và đem lại nguồn doanh thu trợ lực lớn cho các hãng bay, nhất là trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, hãng đang xây đề án và hoàn thiện đề án hãng hàng không hàng hóa ngay sau dịch bệnh Covid-19.

“Chúng tôi đã nghiên cứu từ cách đây 4 năm nay nhằm khai thác vận tải hàng hóa riêng biệt. Tuy nhiên, việc tổ chức hãng hàng không hàng hóa cần đảm bảo quy mô đủ lớn (gồm đội tàu bay, mạng bay) để khai thác các nguồn hàng, chân hàng cho các luồng hàng luân chuyển giữa Việt Nam và các nước trên thế giới”, ông Hà nói và dẫn ví dụ về các hãng bay vận tải hàng hóa như Korean Air và China Air vốn mạng đường bay và đội bay đủ lớn nên mới có thể mang lại hiệu quả.

Mặc dù vậy, rõ ràng việc IPP Air Cargo đẩy nhanh tiến độ gia nhập thị trường hàng không vận tải hàng hóa đã khiến các hãng hàng không nội địa đang phải cân nhắc điều chỉnh chiến lược kinh doanh.

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết sẽ bắt tay vào việc thành lập hãng hàng không hàng hóa sau 4 năm nghiên cứu, chuẩn bị đội ngũ khai thác vận tải hàng hóa riêng biệt, thay vì sử dụng đội bay hiện tại để kết hợp giữa chở khách và chở hàng như hiện nay.

Cần phải nói thêm rằng, vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của Việt Nam tuy chỉ chiếm khoảng 0,2% tổng khối lượng, nhưng chiếm đến 25 - 30% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước do đây đều hàng có giá trị cao.

Covid-19 dù tác động bất lợi cho kinh tế toàn cầu, nhưng cũng là cơ hội cho các ngành nghề mới phát triển. Covid-19 khiến chi phí vận tải tăng cao kỷ lục, trong đó cước vận tải biển tăng gấp 6 lần trong năm 2020 và có thể tiếp tục tăng, sẽ kéo theo giá cước vận chuyển hàng không tăng đột biến.

Thực tế trong khu vực cho thấy, nhu cầu thuê máy bay theo chuyến chở hàng tăng vọt, dẫn tới chi phí hàng hóa, nguyên vật liệu tăng theo, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, phát triển kinh tế.

Hiện IPP Air Cargo đã ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Boeing về việc đặt mua 10 tàu bay B10 B777 Freighter vận chuyển hàng hóa trị giá khoảng 3,5 tỷ USD.

“Nếu thương vụ này được thực hiện thành công, IPP Air Cargo sẽ có năng lực vận tải hàng hóa bằng đường hàng không lớn bậc nhất khu vực Đông Nam Á”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đánh giá.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.