Hạ tầng

Ngổn ngang dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội

26/04/2019, 10:00

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội tiếp tục có nguy cơ trễ hẹn và đang đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc...

img
Đoạn đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội tại nút giao Mai Dịch. Ảnh: Khánh Linh

Bước sang năm thứ 13 thi công, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dù được tách đoạn đi trên cao để hoàn thiện và khai thác trước vào cuối năm 2020, nhưng nay tiếp tục có nguy cơ trễ hẹn và đang đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc...

Thiếu vốn, bị đòi bồi thường

Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại công trường dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội tháng 4/2019, đoạn tuyến 8,5km trên cao từ khu Depot đến Kim Mã đã xong kết cấu nền đường, cơ bản lắp đặt xong lan can hai bên và kết cấu bên dưới ray. Các nhà xưởng, nhà cao tầng tại khu Depot đã xong phần thô.

Hiện, dự án đang thi công lắp đặt ray, mái che nhà ga đoạn trên cao, đào giếng để chuẩn bị mặt bằng ngầm thi công ga ngầm Kim Mã, Cát Linh; còn lại các ga ngầm Quốc Tử Giám, ga Hà Nội chưa được rào chắn để phục vụ thi công.

“Đến hết tháng 3/2019, toàn dự án đạt 48,6% khối lượng xây lắp, trong đó riêng đoạn tuyến đi trên cao đạt hơn 98% khối lượng, các nhà ga đạt hơn 60%. Khu vực Depot hoàn thành 98% các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và 53,5% các công trình tòa nhà, vật tư ray, thang máy, thiết bị phòng cháy, chữa cháy đã được tập kết đủ tại dự án hoặc đưa về nước”, Ban Quản lý dự án thông tin.

Cũng theo Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, do tiến độ thi công đoạn ngầm chậm hơn so với đoạn trên cao nên dự án đã tách riêng tiến độ hoàn thành đoạn trên cao và đoạn đi ngầm. Trong đó, đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) sẽ đưa vào khai thác vào cuối năm 2020, còn đoạn đi ngầm (Kim Mã - ga Hà Nội) khai thác vào cuối năm 2022.

Với tiến độ đoạn tuyến trên cao đạt đến 98%, người dân kỳ vọng năm 2020, tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội sẽ đưa vào khai thác một phần để cải thiện giao thông công cộng trên trục QL32 từ cửa ngõ phía Tây vào thành phố. Tuy nhiên, tìm hiểu của PV, hiện vẫn còn hàng loạt yếu tố bất lợi, gây nguy cơ kéo chậm tiến độ đoạn trên cao, trong đó khó khăn nhất là thiếu vốn.

Ông Nguyễn Cao Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, tiến độ dự án đến nay cơ bản bám sát theo mục tiêu hoàn thành, khai thác đoạn trên cao vào cuối năm 2020, song hiện đang gặp khó khăn lớn nhất là thiếu vốn.

“Dự án cần 1.300 tỷ đồng nữa, nhưng từ đầu năm 2019 đến nay mới được bố trí 84 tỷ đồng. Chúng tôi kỳ vọng tháng 1-2 năm nay sẽ được bố trí vốn để phục vụ thi công, nhưng đã bị trễ, giờ sắp qua 30/4 rồi vẫn chưa có. Do đó, dù nhà thầu vẫn triển khai thi công nhưng có hạng mục chỉ thi công cầm chừng và cũng rất khó để đốc thúc đẩy nhanh tiến độ”, ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, đến nay dự án vẫn chưa được bố trí kế hoạch vốn cấp phát năm 2019, do đó, đơn vị này không có khả năng thanh toán cho các hóa đơn của tư vấn và các nhà thầu. Hiện, dự án đang nợ tư vấn và các nhà thầu 299 tỷ đồng.

Ngoài khó khăn về vốn, cuối tháng 3/2019, liên danh nhà thầu thi công nước ngoài (Liên danh Hyundai - Ghell) còn yêu cầu chủ đầu tư bồi thường khoảng 81 triệu USD do chậm thanh toán và bàn giao mặt bằng thi công các ga gầm, khiến thiết bị, máy móc, nhân lực phải nằm chờ.

“Hiện, các kiến nghị, yêu cầu đòi bồi thường đang được đơn vị tư vấn giám sát xem xét, sau đó chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu cùng bàn bạc cách thức giải quyết”, đại diện Ban QLDA đường sắt đô thị Hà Nội thông tin và cho biết, nhà thầu trên đã nhiều lần đưa ra yêu cầu bồi thường do quá thời hạn bàn giao mặt bằng, dù chưa lần nào dự án phải bồi thường nhưng cũng gây áp lực, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.

Liên quan đến nguồn vốn và tổng mức đầu tư của dự án, theo Bộ KH&ĐT, dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được khởi công từ năm 2006, sử dụng nguồn vốn vay ODA của Pháp, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với tổng mức đầu tư ban đầu từ 783 triệu EUR và điều chỉnh tăng lên 1.176 triệu EUR, tương đương đội vốn 393 triệu EUR (khoảng 10.400 tỷ đồng).

Được biết, ngày 1/4/2019 Bộ KH&ĐT có văn bản trình Thủ tướng về điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2016-2020 cho các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong đó đề xuất bổ sung hơn 2.208 tỷ đồng cho dự án này.

Nhiều hạng mục chưa sẵn sàng

Dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến Nhổn - ga Hà Nội khởi công năm 2006, dự kiến hoàn thành năm 2010. Sau đó dừng triển khai và đến tháng 9/2010 tiếp tục khởi công lần 2, với mục tiêu hoàn thành năm 2015. Cuối năm 2018, dự án tách tiến độ phần đi trên cao hoàn thành vào cuối năm 2020, đoạn đi ngầm hoàn thành cuối năm 2022.
Dự án có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm, với 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Đoạn trên cao chạy dọc các tuyến đường theo trục QL32 đến đầu phố Kim Mã bắt đầu đi ngầm, nối với các nhà ga ngầm Kim Mã, Cát Linh, Quốc Tử Giám và ga Hà Nội. Dự án có 10 đoàn tàu, mỗi đoàn gồm 4 toa, sức chở 230 người/toa, tổng sức chở 920 người/đoàn tàu.
Hiện, tổng tiến độ thi công các ga ngầm mới đạt khoảng hơn 4%, còn đoạn hầm ngầm chưa thi công. Máy đào hầm của dự án đang trong giai đoạn thiết kế, chế tạo tại nước ngoài, phải sau năm 2019 mới xong để đưa về dự án.
Dự án khởi công năm 2006, dự kiến hoàn thành năm 2010. Sau nhiều lần dừng triển khai, lùi tiến độ đến sau năm 2021, tổng mức đầu tư dự án cũng tăng từ 783 triệu EUR tăng lên 1.176 triệu EUR (khoảng 10.400 tỷ đồng).


Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội sau nhiều lần lỡ hẹn và đặt mục tiêu khai thác đoạn trên cao vào cuối năm 2020 là tín hiệu mừng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đường sắt, dự án này gồm nhiều hạng mục phức tạp, ngoài hạng mục xây lắp, đường ray còn nhiều hạng mục kỹ thuật phức tạp khác như: Thông tin tín hiệu, điện lực, thẻ vé, phòng cháy, chữa cháy, đào tạo nhân lực quản lý và vận hành dự án. Vì thế, nếu với tiến độ thi công như thực địa hiện nay, rất khó đáp ứng đủ điều kiện vận hành vào năm 2020.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Ân, chuyên gia đường sắt nói: “Tôi thường xuyên đi qua, quan sát đoạn tuyến trên cao và Depot nhưng thấy kết quả tiến độ thi công khá chậm, không làm nhanh hơn sẽ khó đáp ứng đủ điều kiện để vận hành vào năm 2020. Để có thể vận hành được, ít ra cuối năm nay phải đưa được các đoàn tàu về dự án, phải xong Depot, lực lượng nhân sự cũng phải được chuẩn bị sẵn sàng. Trước khi đưa vào khai thác còn phải có thời gian vận hành thử nghiệm”.

Cũng theo ông Ân, muốn khai thác trong năm 2020, nhất thiết trong năm 2019 này phải xong được Depot và đưa đoàn tàu về nước. “Có Depot rồi để có nơi chứa đoàn tàu, sẵn sàng cho công tác vận hành. Depot là một đại công trường về đêm, làm công việc kiểm tra an toàn, bảo dưỡng, sửa chữa, vệ sinh để sáng sớm hôm sau các đoàn tàu được đưa lên tuyến”, ông Ân nói thêm.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, dự kiến hết năm 2019 mới lắp đặt xong ray cung cấp điện, đến quý III/2020 mới hoàn thành công trình Depot. Các đầu máy, toa xe đường sắt cũng đang trong giai đoạn thiết kế, sản xuất và khoảng quý II/2019 mới có thể đưa về dự án; Còn hợp đồng tổng thể của gói thầu hệ thống thu soát vé tự động đến nay chưa được ký kết và được đề xuất điều chỉnh thực hiện đến hết năm 2019.

“Ban Ban QLDA đường sắt đô thị Hà Nội đang phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo nhân sự để vận hành dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội”, đại diện Ban Quản lý dự án và Công ty Metro Hà Nội thông tin.

Đang thiết kế, chế tạo máy đào hầm ở nước ngoài

img
Đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội đoạn trước cổng Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Ảnh: Khánh Linh

Ban Quản lý dự án cho biết, gói thầu đào 4km hầm và 4 ga ngầm (Kim Mã, Cát Linh, Quốc Tử Giám, ga Hà Nội) hiện mới đạt 4,2% tổng tiến độ. Đến nay, các nhà thầu mới rào chắn thi công tại khu vực dốc hạ ngầm, ga Kim Mã và một phần ga Cát Linh; còn ga Quốc Tử Giám và ga Hà Nội đang khẩn trương phá dỡ và làm các thủ tục chuẩn bị bàn giao mặt bằng cho nhà thầu trong tháng 5/2019. Hiện, chưa ga nào thu hồi xong hoàn toàn mặt bằng, tỷ lệ mặt bằng còn phải thu hồi tại các ga từ gần 2% đến gần 19%.

Cũng theo Ban Quản lý dự án, hiện máy thiết kế máy đào hầm dự án đang được thiết kế, chế tạo ở nước ngoài và dự kiến đưa về dự án sau năm 2019 để thi công. Máy đào được thiết kế theo công nghệ TBM (Tunnel Boring Machine, dạng robot điều khiển giống máy khoan hình trụ nằm ngang), phù hợp với đường ống đường hầm có rộng 6,3m. Dự kiến, hạng mục thi công đường hầm hoàn thành vào quý II/2022 và vận hành vào quý IV/2022.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.