Xem - ăn - chơi

Ngũ biến gây tò mò về hầu đồng nghệ thuật

09/01/2017, 09:16
image

Thành công của Ngũ biến, Tứ phủ chính là ở chỗ vừa tạo cảm giác gần gũi nhất với khán giả Việt.

vo dien Ngu bien

Vở diễn “Ngũ biến”.

Ngay sau khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại, vở diễn xướng nghi lễ dân gian hầu đồng Ngũ biến của Nhà hát Kịch Việt Nam được công chiếu tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 6/1 vừa qua thu hút sự tò mò của dư luận.

Ngũ biến tỏa sáng trên sân khấu

Thoạt nghe tên, người yêu sân khấu dễ nhầm với một vở diễn nổi tiếng của tuồng cổ cùng tên kể về một nữ nghĩa quân đã nhanh trí, khôn khéo cải dạng 5 lần vượt qua cửa ải quân giặc, trở về căn cứ để tiếp tục chiến đấu. Nhưng thực ra, đạo diễn Anh Tú đã “mượn” hình ảnh biến hình ấy cho một chương trình được cấu trúc từ các giá chầu của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Theo đạo diễn này, Ngũ biến chọn 5 giá chầu: Đệ Nhị Mẫu, Ông Hoàng Mười, Cô Bé, Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh, Cô Bơ để dàn dựng. Dù thời lượng trình diễn chỉ 40 phút nhưng vẫn đầy đủ màn trình diễn ấn tượng, đẹp mắt nhất.

Ngũ biến được dàn dựng tháng 5/2016 với nguồn kinh phí xã hội hóa và được luyện tập trong một tháng để tham dự Liên hoan Sân khấu Trung Quốc - ASEAN 2016 tại Nam Ninh vào tháng 9/2016. Tiết mục do NSND Lệ Ngọc biểu diễn với sự cộng tác của NSƯT Lâm Tùng và các diễn viên khác như: Quang Đạo, Lâm Cương, Minh Trí. Toàn bộ phần âm nhạc trong vở diễn đã được làm lại hoàn toàn, cắt bớt và làm ngắn nhưng vẫn rất đặc sắc. Đây là tiết mục “vedette” mở màn tại liên hoan được BTC, bạn bè quốc tế đánh giá cao. Màn độc diễn của NSND Lệ Ngọc đã đoạt giải thưởng Hoa dâm bụt - Nữ diễn viên Xuất sắc và Vở diễn xuất sắc nhất.

Xem thêm video:

“Vở diễn đã chinh phục khán giả của 31 nước tham gia. Họ đã bị biểu tượng hành lễ của tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt mà dân gian gọi là hầu đồng mê hoặc”, nghệ sĩ Lệ Ngọc chia sẻ.

“Ngũ biến cố gắng gìn giữ tính tổng hợp và nét diễn vô cùng trong sáng, lộng lẫy của đạo Mẫu dân tộc để giúp khán giả thêm hiểu và yêu quý nền văn hóa nghệ thuật dân gian độc đáo của chúng ta. Mỗi một giá chầu là hàng loạt chi tiết cần nhớ, thần thái cần thổi vào và một kỹ năng biểu diễn chuyên nghiệp để tương tác với các hầu dâng và khán giả. Như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần từ các giá chầu, bà đã không ngừng trau chuốt, làm đẹp và đem lại vẻ lịch lãm, sang trọng cho chương trình”, đạo diễn Anh Tú tiếp lời.

Quảng bá nét văn hóa Việt

Năm 2015, Nhà hát Chèo Việt Nam đã dựng vở diễn dài về tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn Bắc Lệ đền Thiêng, dựng từ tích Bà chúa Thượng Ngàn. Đầu năm 2016, đạo diễn Việt Tú đưa Tứ phủ trở thành tác phẩm được trình diễn thường xuyên ở 42 Tràng Tiền, Hà Nội. Tứ phủ lấy cảm hứng từ nghi lễ lên đồng trong tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam, lập tức gây ngỡ ngàng cho những người làm nghệ thuật. Cũng trong năm này, tại liveshow Kẻ chọc cười dân dã, danh hài Xuân Hinh đã có màn hầu đồng lớn nhất trên sấn khấu Việt Nam.

Anh biểu diễn Giá Cô Sáu lục cung trong 36 giá đồng với đại cảnh hoành tráng. Cách biểu diễn, phục trang ma mị của Xuân Hinh khiến khán giả choáng ngợp. Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - PGS.TS. Nguyễn Thị Hiền cho rằng, ngày nay có một xu hướng mới nảy sinh các nghi lễ hát chầu văn, lên đồng được thực hiện ngoài đền thờ Mẫu, đó là trên sân khấu, trong các nhà hát. Đây là hình thức phát triển mới, nhằm nhấn mạnh nghệ thuật của hát văn, nhảy múa, lên đồng và quảng bá di sản ra thế giới.

Đạo diễn Việt Tú, Giám đốc chương trình Tứ phủ cho biết, đạo Mẫu là một tín ngưỡng vô cùng quan trọng và đặc biệt với văn hóa và lịch sử Việt Nam. Đó là một tổng thể lộng lẫy tinh tế và đại diện cho văn hóa dân tộc trong mọi hoạt động quảng bá cho văn hóa Việt Nam trên toàn thế giới. Trong một năm qua, Tứ Phủ đã vinh dự được trình diễn cho nhiều đoàn khách quốc tế, trong đó có nhiều vị đại sứ, tùy viên văn hóa các nước như: Pháp, Anh, Italia, Ba Lan, Hy Lạp, Canada, Argentina, Hungari, Bỉ, UNICEF... Trong khi đó, đạo diễn Anh Tú cho hay: “Văn hóa dân tộc cần phải luôn được đề cao, được ứng dụng trong các vở diễn trên sân khấu để quảng bá văn hóa Việt Nam”.

Thành công của Ngũ biến, Tứ phủ chính là ở chỗ vừa tạo cảm giác gần gũi nhất với khán giả Việt, trong khi khách nước ngoài xem thêm hiểu văn hóa của Việt Nam, hấp dẫn họ. Đó cũng là niềm vui của những nghệ sĩ khi được góp phần quảng bá di sản nước nhà, tôn vinh văn hóa dân tộc của người Việt.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.