Đường sắt

Ngũ đại đồng đường nghề hỏa xa

11/10/2016, 13:08
image

Cụ Phạn nhớ như in cứ ở đâu báo máy bay vừa bỏ bom, hỏng cầu đường, nhà ga là cụ lên đường ngay...

6

Cụ Nguyễn Văn Phạn và cháu nội Nguyễn Thị Thủy

Từ người chỉ huy trên công trình đảm bảo giao thông

Đến thăm gia đình cụ Nguyễn Văn Phạn một ngày đầu thu tại xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, thấy mừng vì dù tuổi đã cao, sức yếu nhưng cụ vẫn rất minh mẫn. Nhắc đến truyền thống gia đình và những năm tháng còn công tác, mắt cụ sáng lên và hồ hởi kể như đang được sống lại những năm tháng đẹp đẽ, cống hiến thời trẻ.

“Ông nội tôi là Nguyễn Văn Tặn, sinh năm 1881, làm cai đường sắt trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng thời Pháp còn đô hộ. Rồi đến cụ thân sinh ra tôi là Nguyễn Văn Cúc, sinh năm 1907 cũng theo cha vào ngành Hỏa xa. Những năm tháng chiến tranh, kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, dù bôn ba nhiều nơi nhưng cụ vẫn theo nghề, làm Cung trưởng Cung đường Lạc Đạo cho đến khi nghỉ hưu năm 1967”, cụ Phạn kể.

Tổng công ty Đường sắt VN vừa tổ chức vinh danh các gia đình có nhiều thế hệ làm trong ngành Đường sắt. Đáng chú ý, đến nay chỉ có duy nhất một gia đình đã 5 thế hệ trực hệ gắn bó với ngành Đường sắt. Đó chính là gia đình cụ Nguyễn Văn Phạn, sinh năm 1933 ở Văn Lâm, Hưng Yên. 

Năm 1955, cụ Phạn được bố hướng đi học trường bổ túc nghiệp vụ cầu, đường, kiến trúc. Ra trường, cụ được điều về phụ trách đội đường Hà Nội - Văn Điển, rồi được điều động đi nhiều nơi trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng. Với những năm tháng tích lũy kinh nghiệm, làm việc tận tâm, trách nhiệm, luôn bám đường, bám cầu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảng viên trẻ Nguyễn Văn Phạn khi ấy đã được cấp trên tín nhiệm giao lãnh đạo đội đại tu đường sắt. Khi chiến tranh phá hoại xảy ra, cụ được giao phụ trách đội đảm bảo giao thông với quân số có lúc lên đến gần 700 người, đóng rải rác dọc tuyến Hà Nội - Hải Phòng nhằm nhanh chóng sửa chữa cầu đường bị bom Mỹ phá hoại, kịp thời thông đường cho tàu qua, vận chuyển hàng hóa an toàn từ cảng Hải Phòng về hay ra cảng để vào Nam, chi viện cho tiền tuyến.

Những thời điểm chiến tranh ác liệt, Mỹ bắn phá nhiều nơi, đội đảm bảo giao thông do cụ Phạn phụ trách lại được điều động đến các cung đường, từ Bắc Giang cho đến Thanh Hóa. Ở đâu, với sự chỉ huy của cụ, đội đảm bảo giao thông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ; Không những thế, cụ còn tích cực tham gia đội tự vệ, cùng bộ đội chính quy bắn trả máy bay Mỹ.

Cụ nhớ như in những năm tháng ác liệt đó, cứ ở đâu báo về là máy bay vừa bỏ bom, hỏng cầu đường, nhà ga là cụ lập tức lên đường đến hiện trường, xem xét tình hình thực tế để chỉ huy sửa chữa: Chỗ nào cần vật tư gì, khối lượng bao nhiêu, hư hỏng này cần phương án thi công, sửa chữa như thế nào, cần điều tổ đội nào, ai vào việc gì... Cứ thế, cả trăm người, tốp nào việc nấy, hối hả, khẩn trương để thông đường trước giờ cao điểm máy bay rải bom, cho tàu an toàn qua các trọng điểm bắn phá. Cũng có khi đang làm thì máy bay tới bỏ bom, vừa thương vong, nguy hiểm, vừa tiếc công anh em đã cứu chữa trước đó.

Ghi nhận những năm tháng cống hiến vì sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước cũng như ngành Đường sắt, cụ Nguyễn Văn Phạn được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Bằng khen của Bộ GTVT, ngành Đường sắt.

Nói về truyền thống gia đình làm đường sắt, cụ Phạn tự hào: “Tôi sinh được 8 người con thì 4 đứa theo nghề bố, làm ngành Đường sắt, chưa kể con rể, các cháu, như anh trưởng làm gác ghi, một anh làm nhân viên phòng hành chính tổng hợp Công ty Đường sắt Hà Hải, anh út làm công nhân duy tu đường”.

Đến nhân viên gác chắn trách nhiệm

Ngồi bên ông nội, thỉnh thoảng chị Nguyễn Thị Thủy lại nhẹ nhàng nhắc ông những sự việc mà do tuổi già ông không còn nhớ chính xác. Là cháu nội cụ Nguyễn Văn Phạn, chị Thủy hiện đang làm nhân viên gác chắn tại Như Quỳnh (Văn Lâm, Hưng Yên), ngày đêm góp phần đảm bảo cho những chuyến tàu qua an toàn.

Chị Thủy cho biết, chị vào nghề gác chắn cũng do định hướng của ông nội và bố. Bố chị, ông Nguyễn Văn Thanh, sau khi chuyển ngành Công an về làm nhân viên phòng Bảo vệ quân sự Công ty Đường sắt Hà Hải cũng đã gắn bó với tuyến đường Hà Nội - Hải Phòng cho đến khi mất vì trọng bệnh vào năm ngoái. Khi ấy, thương cô con gái đã tốt nghiệp phát thanh truyền hình nhưng nhỏ yếu, trong khi bố và ông đều gắn bó với ngành Đường sắt nên ông Thanh đã hướng chị Thủy theo nghề của ông cha. “Ông nội vẫn bảo: Nghề hỏa xa ổn định mà anh em tình cảm lắm”, Thủy cho hay.

>>>Xem thêm video:

Vào nghề từ năm 2004, thấm thoát đã 12 năm Thủy gắn bó với những chắn đường ngang. “Nói thật, lúc đầu chỉ là bố đặt đâu, con ngồi đấy. Nhưng vào nghề rồi, càng ngày càng thấy gắn bó”, chị Thủy nói.

Rồi chị cho biết, nghề này trông thì đơn giản nhưng lại khá nguy hiểm. Vất vả thì đã đành, làm ban, ca kíp, dù nắng hay mưa vẫn phải ra đẩy cái dàn chắn nặng trịch đóng, mở chắn để đón tàu; Rồi căng mắt, căng tai quan sát tàu, quan sát người tham gia giao thông đường bộ qua lại đường ngang xem có vấn đề gì đe dọa mất an toàn không để còn xử lý, ngăn chặn kịp thời. Nguy hiểm vì thường xuyên phải đối mặt với những lời chửi bới, đe dọa hành hung của những người điều khiển phương tiện vô ý thức do ngăn họ không cho qua đường ngang khi tàu sắp đến. Đó là chưa kể, có xe ô tô phóng nhanh cố vượt, suýt đâm vào nhân viên gác chắn...

Cùng làm nhân viên gác chắn như chị còn có một cháu nội và hai cháu ngoại của cụ Phạn. “Bố mẹ các anh chị ấy cũng làm trong ngành Đường sắt chị ạ. Gặp nhau, nói chuyện về công việc, chúng em thấy công việc gác chắn vất vả, lương còn thấp nhưng không ai có ý định bỏ nghề. Có lẽ làm mãi thấy quen, gắn bó. Nghề này đòi hỏi phải chú ý cao độ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình quy phạm, sơ sẩy một chút thôi là có thể mất an toàn ngay nên ai cũng ý thức được phải trách nhiệm với công việc. Với lại mấy đời nhà mình làm đường sắt rồi, càng thấy tự hào lại càng phải cố gắng. Xưa khó khăn thế, ông với bố mẹ còn làm được, giờ chúng em càng phải thực hiện tốt nhiệm vụ hơn nữa”, chị Thủy chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.