Thời sự

Ngư dân chính thức được hỗ trợ tối đa để vươn khơi, bám biển

08/07/2014, 20:33

Đóng mới tàu vỏ thép, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 6%/năm.

Đóng mới tàu vỏ thép, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 6%/năm.

Ngày 7/7, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định về chính sách phát triển thủy sản. Theo đó, đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ thép (có tổng công suất máy chính 400CV trở lên), khi đóng mới, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 6%/năm. Đóng mới tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 4%/năm.

Trong khi đó, nếu đóng mới tàu hải sản xa bờ (công suất 400CV trở lên), nếu là vỏ thép (công suất từ 400CV đến dưới 800CV), chủ tàu được vay tối đa 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 5%/năm; Công suất từ 800CV trở lên, chủ tàu được vay tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 6%/năm.

Chính sách mới sẽ giúp ngư dân yên tâm bám biển
Chính sách mới sẽ giúp ngư dân yên tâm bám biển

Với tàu vỏ gỗ, khi đóng mới, chủ tàu được vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 4%/năm. Còn trong trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ, đồng thời gia cố bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới, chủ tàu được vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 4%/năm.

Nghị định của chính phủ cung quy định, khi nâng cấp tàu vỏ gỗ (công suất dưới 400CV thành tàu có công suất từ 400CV trở lên), chủ tàu được vay tối đa 70% giá trị nâng cấp tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 4%/năm.

Theo Nghị định, thời hạn cho vay sẽ kéo dài trong 11 năm, trong đó năm đầu tiên chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc. Chủ tàu được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để đảm bảo khoản vay. Lãi suất được duy trì ổn định 7%/năm. Trong trường hợp chủ tàu gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, tùy từng trường hợp, chủ tàu được ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và được xử lý theo hợp đồng bảo hiểm.

Ngoài ra, các chủ tàu khai thác hải sản và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính, có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể sẽ được vay tối đa 70% giá trị cung cấp dịch vụ hậu cần đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản, tối đa 70% chi phí cho một chuyến đi biển đối với tàu khai thác hải sản, với lãi suất 7%/năm.

Bên cạnh đó, nghị định của chính phủ cũng quy định hỗ trợ 100% chi phí đào tạo hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới đối với tàu có công suất 400CV trở lên; Hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra tàu khai thác hải sản xa bờ và vận chuyển sản phẩm về đất liền; mức hỗ trợ 40 triệu đồng/chuyến biển đối với tàu có công suất từ 400CV đến 800 CV; 60 triệu đồng/chuyến biển đối với tàu có công suất từ 800CV trở lên...

Trong nghị định này, một loạt các chính sách về bảo hiểm, thuế cũng được quy định nhằm tạo điều kiện tối đa cho ngư dân yên tâm bám biển.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2014.

Bình Minh

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.