Đời sống

Ngư dân hối hả vươn khơi đầu năm

01/03/2021, 07:25

Khung cảnh “trên bến, dưới thuyền” tấp nập. Hàng nghìn ngư dân hối hả vươn khơi bám biển.

img

Tàu cá của ngư dân Lý Sơn chuẩn bị vươn khơi bám biển, bám ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa

Những ngày đầu năm mới Tân Sửu, từ các vũng neo trú tàu thuyền ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đến các vùng biển Núi Thành, Thăng Bình, Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), khung cảnh “trên bến, dưới thuyền” tấp nập. Hàng nghìn ngư dân hối hả vươn khơi bám biển.

Khấp khởi ước vọng vươn khơi

Loay hoay cùng bạn thuyền kiểm tra lại đống ngư cụ trên tàu cá hơn 650CV, ông Dương Ba - chủ tàu cá QNg 96137-TS (trú thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Nam) hồ hởi cho biết, tranh thủ thời tiết thuận lợi, tàu cá của ông và phần lớn tàu cá đánh bắt xa bờ ở đảo Lý Sơn sẽ vươn khơi sớm.

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến khó lường, thiên tai mưa bão xảy ra liên tiếp, tuy nhiên, nhờ có chính sách hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân vươn khơi bám biển theo Nghị định 76, Nghị định 48, vì thế, ngư dân vẫn quyết tâm vươn khơi, bám biển, sản xuất.
Ông Trần Quang Tòa, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi


Thay lại lá cờ đỏ sao vàng mới trên con tàu công suất trên 700CV, ngư dân Bùi Phú, chủ tàu cá QNg 96134 TS (trú xã An Hải) cho biết, ngay sau chuyến tàu cuối năm cập bến thu lợi gần 900 triệu đồng, ông cho tàu tiếp thêm 3 ngàn lít dầu cùng 1.200 cây đá lạnh để có thể vươn khơi trở lại ngư trường ngay đầu xuân.

Mang hy vọng chuyến biển đầu năm sẽ suôn sẻ, đánh bắt được nhiều tôm cá, ông Phú cho hay, chuyến biển đầu xuân, tàu cá được đầu tư thêm gần 200 triệu đồng bổ sung các vật tư, ngư lưới cụ.

Dự kiến tàu sẽ bám vùng biển Hoàng Sa trong khoảng một tháng, bởi đây là ngư trường truyền thống, thời gian đi về ngắn hơn so với ngư trường Trường Sa và ngư trường phía Nam.

Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, vì dịch bệnh Covid-19 nên năm nay Nghiệp đoàn nghề cá không tổ chức lễ ra quân đánh bắt đầu năm, tuy nhiên không vì thế mà không khí chuẩn bị cho một mùa vụ đánh bắt kém sôi động.

Hiện nay, riêng ở xã An Hải, 57 tàu cá với gần 700 đoàn viên của Nghiệp đoàn đã tiếp xong nhiên liệu, ngư cụ và nhu yếu phẩm để tranh thủ vươn khơi.

Ông Chinh thông tin, kết thúc mùa biển 2020, tuy gặp không ít khó khăn nhưng ngư dân Lý Sơn khai thác được gần 34.000 tấn hải sản các loại, với giá trị đạt trên 700 tỷ đồng. Bình quân thu nhập 1 lao động nghề biển từ 100 - 140 triệu đồng/người/năm.

“Ở huyện Lý Sơn có trên 550 tàu cá, trong đó có trên 200 tàu cá đang khai thác hải sản tại ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa, vừa cải thiện đời sống, vừa góp phần bảo vệ, giữ vùng chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Chinh bày tỏ.

Tiếp sức ngư dân vươn khơi, bám biển

img

Đầu năm, các chuyến tàu đánh bắt hải sản gần bờ bội thu được thương lái thu mua giá cao

Mang ước vọng có chuyến biển bội thu, tại các vùng biển ở Quảng Nam, ngư dân cũng tất bật chuẩn bị cho chuyến tàu vươn khơi đầu năm.

Từ sáng sớm mùng 4 Tết, anh em ông Nguyễn Bảo Quốc (ở thôn Hòa Trung, xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ) ra khơi đánh bắt cá khu vực gần bờ. Mỗi chuyến khởi hành từ 3h sáng và cập bờ lúc 7h. Sau chuyến biển, chiếc ghe luôn chất đầy cá trích, cá hố.

Ông Quốc phấn khởi: “Chuyến ít nhất cũng được 50kg, chuyến nhiều có đến 2 - 3 tạ cá. Giá lại khá cao, cá trích giá từ 40 - 50 nghìn đồng/kg, cá hố 250 nghìn đồng/kg. Trung bình mỗi lao động kiếm được 1,5 - 2 triệu đồng/ngày”.

Theo lãnh đạo UBND xã Tam Thanh, hiện trên địa bàn xã Tam Thanh có 64 tàu đánh bắt trung và xa bờ, 180 ghe đánh bắt gần bờ. Năm 2021 xã phấn đấu sản lượng đánh bắt đạt 5.000 tấn.

Ở vùng biển xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), nhiều ngư dân cũng sẵn sàng chọn “ngày lành, giờ tốt” để ra khơi. Ông Phan Phước Đồng, Chủ tịch UBND xã Bình Minh (huyện Thăng Bình) cho hay, xã có khoảng 1.400 hộ dân sinh sống bằng nghề ngư nghiệp. Trong đó, có 23 tàu thuyền câu mực, hơn 90 tàu thuyền có công suất trên 40CV hoạt động đánh bắt hải sản, với gần 3.000 lao động.

Theo lãnh đạo UBND huyện Thăng Bình, toàn huyện hiện có 621 tàu với tổng công suất 22.885CV, trong đó 440 tàu công suất dưới 20CV, 74 tàu công suất 20 đến dưới 90CV, 117 tàu công suất hơn 90CV. Địa phương đã thành lập được 2 nghiệp đoàn nghề cá tại 2 xã Bình Minh, Bình Dương và 44 tổ đội đoàn kết đánh bắt trên biển. Góp phần tạo động lực, niềm tin, sự yên tâm cho ngư dân vươn khơi, bám biển.

Còn tính toàn địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 9 nghiệp đoàn nghề cá, với 3.000 đoàn viên. Số lượng tàu đánh bắt thủy hải sản khoảng hơn 3.000 chiếc, trong đó, có hơn 600 tàu có công suất 90CV trở lên, với gần 15 nghìn lao động.

Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, có khoảng 5.000 tàu cá đánh bắt thủy hải sản ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Cả tỉnh Quảng Ngãi có 12 nghiệp đoàn nghề cá với gần 6.000 đoàn viên.

Ông Phan Minh Á, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam cho hay: Thời gian qua, tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người lao động trên địa bàn, trong đó có đoàn viên là ngư dân ở nghiệp đoàn nghề cá. Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam và công đoàn lao động cơ sở đang nỗ lực hỗ trợ đoàn viên, người lao động bằng với khả năng, trách nhiệm của mình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.