Kinh tế

Ngư dân Quảng Nam đau đáu chờ vốn đóng “tàu 67”

01/02/2015, 07:40

Đến những ngày cuối tháng 1, ngư dân Quảng Nam vẫn đang đau đáu chờ được giải ngân đóng mới “tàu 67”.

IMG_1958
"Tàu 67" vỏ gỗ của ngư dân Phan Văn Chinh (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế đang chuẩn bị hoàn thành để vươn khơi bám biển

Đã phê duyệt 60 dự án “tàu 67”

Trên cơ sở đề nghị của các địa phương, Ban Chỉ đạo 67 tỉnh đã rà soát và tham mưu UBND tỉnh quyết định phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67, gồm 60 dự án đóng mới, nâng cấp tàu. Cụ thể, đóng mới 57 tàu (52 tàu khai thác và 5 tàu dịch vụ hậu cần), trong đó có 22 tàu vỏ thép, 4 vỏ composit, 31 tàu vỏ gỗ; 3 tàu nâng cấp máy chính.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Đình Tùng, tỉnh đã xét duyệt được danh sách 57 tàu đóng mới trong số chỉ tiêu 92 tàu đã phân bổ cho tỉnh. Đồng thời giới thiệu 21 thiết kế mẫu tàu vỏ thép đã được phê duyệt để các chủ tàu lựa chọn, hướng dẫn các chủ tàu cách thức thực hiện điều chỉnh thiết kế theo quy định của Tổng cục Thủy sản. Tỉnh đã công bố 7 cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá trên địa bàn tỉnh và thông báo danh sách 70 cơ sở đóng tàu vỏ thép, vỏ composit, vỏ gỗ trên toàn quốc do Bộ NN&PTNT công bố.

Hiện nay, các chủ tàu được phê duyệt danh sách đang thực hiện lựa chọn thiết kế tàu, cơ sở đóng tàu, tiếp cận các chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn để thỏa thuận và ký kết hợp đồng vay vốn. Các Sở, ngành liên quan phối hợp với UBND cấp huyện đẩy mạnh việc triển khai thí điểm đóng mới tàu cá để tạo đột phá, kịp thời giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc trong thực tế, đặc biệt trong khâu vay vốn. Sau đó nhân rộng trên toàn tỉnh.

Ban Chỉ đạo 67 đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản đôn đốc các địa phương nghề cá tiếp tục hướng dẫn ngư dân đăng ký, xét chọn, báo cáo kết quả thẩm định để tham mưu UBND tỉnh phê duyệt, thực hiện hết số lượng tàu cá đóng mới đã được phân bổ trong quý I/2015.

Quảng Nam đã tổ chức 9 lớp tập huấn để phổ biến các quy định, điều kiện và hướng dẫn hồ sơ thủ tục mua bảo hiểm thân tàu, tai nạn thuyền viên, ngư lưới cụ; hướng dẫn quy trình thành lập Tổ đoàn kết sản xuất trên biển tại 6 huyện, thành phố nghề cá với trên 400 người tham gia. 

UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính về dự toán kinh phí thực hiện chính sách bảo hiểm năm 2015. Hiện nay, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt đang bán bảo hiểm tai nạn thuyền viên, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm ngư lưới cụ cho các tàu cá thông qua các đại lý bảo hiểm tại các xã, phường nghề cá. Theo báo cáo từ Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, đã bán bảo hiểm cho 10 tàu cá với tổng kinh phí khoảng 400 triệu đồng. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ khác như chính sách hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng tàu vỏ thép, hỗ trợ chi phí vận chuyển của tàu dịch vụ hậu cần, chính sách ưu đãi về thuế... đã được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong cộng đồng ngư dân.

IMG_1955
 

Ngư dân chậm được giải ngân vốn đóng “tàu 67” do… thủ tục?

Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng cho biết, tiến độ thực hiện trong giai đoạn từ lúc phê duyệt danh sách chủ tàu đến vay vốn để triển khai đóng tàu còn chậm. Hầu hết các chủ dự án đóng tàu vỏ thép đều có nhu cầu điều chỉnh thiết kế mẫu đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt. Việc này làm kéo dài thời gian thực hiện và phát sinh phí điều chỉnh thiết kế đối với chủ tàu. Việc thương thảo, thỏa thuận hợp đồng vay vốn giữa chủ tàu và các Ngân hàng thương mại còn nhiều khó khăn do chưa thống nhất về cách tính toán đánh giá phương án vay vốn. Chưa triển khai được việc bán bảo hiểm rủi ro đặc biệt cho chủ tàu do Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung này.

Cùng với đó, một số quy định triển khai thực hiện chính sách tín dụng trong đóng mới tàu cá chưa được hướng dẫn cụ thể, đầy đủ và các Ngân hàng thương mại chưa đưa ra một quy trình thẩm định cho vay chung nên việc triển khai ở địa phương gặp nhiều lúng túng như việc hướng dẫn hồ sơ, thủ tục, xác định đối tượng đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá...

Để chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản  theo Nghị định 67 thực sự phát huy được tác dụng, tỉnh Quảng Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước quy định thống nhất thực hiện Quy trình thủ tục vay vốn, các tiêu chí đánh giá, thẩm định phương án vay vốn để ngư dân dễ dàng thực hiện. Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể các quy định về điều kiện được hỗ trợ chính sách bảo hiểm đối với “tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ”; nội dung hỗ trợ bảo hiểm rủi ro đặc biệt; các tiêu chí, định mức kỹ thuật áp dụng đối với máy chính tàu cá trong chính sách tín dụng... để địa phương có cơ sở thực hiện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.