Điều tra

Ngư dân Thanh Hóa "khóc ròng" vì tàu vỏ thép liên tục hư hỏng

30/06/2017, 18:35

Nhiều tàu vỏ thép ở Thanh Hóa đóng theo Nghị định 67/2014-NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ thường xuyên bị hư hỏng.

Thanh -Hóa- Ngư- dân -khóc -ròng- vì -tàu- vỏ -thé

Thời gian vừa qua, tàu cá vỏ thép của ngư dân Thanh Hóa luôn hư hỏng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống

Chỉ mới đưa vào khai thác một thời gian ngắn, thế nhưng rất nhiều tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã bộc lộ hàng loạt vấn đề. Điều này khiến cho ngư dân hoang mang, ngày đêm sống trong tình trạng thấp thỏm, âu lo, nợ nần. 

Đầu tư tiền tỷ, lấy về được bao nhiêu?

Từ một chủ nghề cá làm ăn có tiếng vùng biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), giờ đây ông Nguyễn Duy Muộn (chủ tàu vỏ thép Muộn Cương 01, trú tại khu phố Vạn Lợi, phường Quảng Cư, TP. Sầm Sơn) đang rơi vào cảnh “nợ nần chồng chất” vì đã đầu tư vào tàu vỏ thép.

Theo Nghị định 67, vào tháng 8/2015, gia đình ông Muộn được hỗ trợ đóng tàu vỏ thép với tổng số vốn đầu tư hơn 17,7 tỷ đồng, công suất 829 CV (trong đó vốn vay ngân hàng 17 tỷ đồng, còn lại là số vốn từ gia đình) do Công ty CP Đại Dương đóng (địa chỉ xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, Thái Bình) đóng. Sau một năm đóng tàu, đến tháng 8/2016 chiếc tàu vỏ thép mang số hiệu TH - 93968 của gia đình ông Muộn chính thức được bàn giao hạ thủy.  

Thanh -Hóa- Ngư- dân -khóc -ròng- vì -tàu- vỏ -thé

Ngư dân Nguyễn Duy Muộn bên con tàu vỏ thép của mình luôn "dở chứng" khi ra khơi đánh bắt

Nhận bàn giao chiếc tàu, tháng 10/2016, ông Muộn cùng 9 thuyền viên hân hoan ra khơi chuyến đầu tiên. Nhưng vừa ra khơi được 1 ngày, chiếc tời thủy lực bị vỡ, đúng vụ trúng mẻ cá lớn mà máy móc hư, nên ông Muộn cùng anh em phải ngậm ngùi đánh tàu về xưởng của Công ty tại Thái Bình để sửa  chữa.

Thanh -Hóa- Ngư- dân -khóc -ròng- vì -tàu- vỏ -thé

Theo lời của các ngư dân thì hệ thống trục tời hay xảy ra hư hỏng và hoen gỉ

 Sau 1 tuần sửa chữa, chiếc tàu vỏ thép của gia đình ông ra khơi chuyến thứ hai, nhưng chỉ chạy được 2 ngày, chiếc tàu tiền tỷ lại “dở chứng”, máy phát điện bị hỏng. Ông Muộn cùng anh em lại đánh tàu về cảng Hới (Sầm Sơn, Thanh Hóa) để bảo dưỡng, sửa chữa.

"Kể từ khi hạ thủy ra khơi 9 chuyến đều gặp toàn những sự cố hỏng hóc tàu, hiện chiếc tàu này cũng chưa thể ra khơi vì đang cập bến sửa chữa. Ra khơi 9 chuyến mà chưa thu về được 1 đồng bạc nào, gia đình tôi phải cắm sổ đất, thế chấp nhà để trả lãi ngân hàng hàng quý, sửa chữa máy móc liên tục. Mỗi quý gia đình tôi phải trả lãi ngân hàng gần 300 triệu đồng. Cứ tưởng được hỗ trợ đóng tàu là may mắn, ai ngờ cơ sự lại ra sự thể này”, ông Muộn than.

Thanh -Hóa- Ngư- dân -khóc -ròng- vì -tàu- vỏ -thé

Một mối hàn góc chữ V của khung sắt bị bong

Theo ông Muộn, chiếc tàu mà Công ty bàn giao cho gia đình ông hiện vỏ tàu bị hoen rỉ, đường dây tải điện không đảm bảo quy chuẩn dẫn đến hiện tượng chập cháy trên láp, các lốc máy bị lỗi kỹ thuật nên thường xuyên hư hỏng… "Gia đình đã có kiến nghị đến chính quyền địa phương cũng như đại diện phía Công ty. Thế nhưng, từ ngày bàn giao tàu đến nay phía Công ty mới chỉ 1 lần vào để phối hợp sửa chữa, sau đó cứ gọi điện thì Công ty hứa hẹn rồi “bặt vô âm tín”. 

Không riêng gì tàu ông Muộn, nhiều tàu vỏ thép khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng liên tục gặp phải sự cố khó hiểu. Điển hình như trường hợp của ông Lê Văn Lực (trú tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa), là chủ của tàu số hiệu TH-91709-TS, công suất 811 CV do Công ty TNHH đóng tàu Đại Nguyên Dương (có địa chỉ tại tỉnh Nam Định) đóng. Sau 4 tháng, tàu bị hư hỏng hệ thống cẩu tời, bục ti-ô dầu nhờn thủy lực, cháy chấn lưu… 

“Tàu của tôi đến nay đã đi biển 10 lần nhưng lần nào cũng xảy ra hư hỏng, trục trặc cẩu, tời, máy phát điện, gãy sào…Theo hợp đồng, tàu của tôi được sơn loại sơn do nước Anh sản xuất, Công ty đóng tàu có trách nhiệm lấy sơn về và sơn nhưng sau đó phía Công ty lại sơn loại sơn do Hải Phòng sản xuất khiến hà nhanh bám, tàu nhanh gỉ”, ông Lực cho hay. 

Hoặc như tàu vỏ thép mang số hiệu TH-91692-TS của anh Đỗ Quang Nam, ở xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa do Công ty Hoàng Linh, địa chỉ tại TP. Thanh Hóa đóng cũng từng phải tiến hành xử lý, sửa chữa hơn 10 ngày mới có thể tiếp tục vươn khơi. Hay tàu cá của ông Trần Văn Thượng (ngụ tại xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) cũng do Công ty TNHH đóng tàu Đại Nguyên Dương đóng, tháng 2/2016 tàu bắt đầu hoạt động,nhưng hiện đã bị gỉ sét, bong tróc sơn, xuống cấp, hư hỏng cẩu tời… 

Cơ quan chức năng nói gì?

Tính đến hết tháng 5/2017, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt 67 chiếc tàu đóng theo Nghị định 67. Hiện 46 tàu đã đóng hoàn thành và đang hoạt động, trong đó có 23 tàu vỏ thép còn lại là tàu vỏ gỗ. Riêng trên địa bàn TP.Sầm Sơn có tổng cộng 7 chiếc tàu vỏ thép hoạt động. Tuy nhiên, trong tổng số 7 tàu cá có 4 tàu bị hư hỏng phải thường xuyên cập bến sửa chữa. 

Ông Nguyễn Đức Cường, Chi cục Phó Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn có tổng cộng 23 chiếc tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67. Qua khảo sát, nắm bắt tình hình có trên 10 phương tiện gặp sự cố.

“Sở NN&PTNT đã thành lập đoàn kiểm tra thực tế, tiến hành làm việc với các địa phương và chủ tàu để nắm rõ tình hình hoạt động của các tàu vỏ thép. Sau đó gửi công văn cho các đơn vị đóng tàu, đề nghị phối hợp với chủ tàu để khắc phục sự cố”, ông Cường cho biết thêm.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 tại Thanh Hóa cho biết: “Vừa qua tôi đã giao cho Sở NN&PTNT Thanh Hóa kiểm tra, thống kê về chất lượng của tất cả các tàu vỏ thép”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.